Lấy người dân là trung tâm, tạo động lực thực hiện tốt nhiệm vụ
Ngày 27-4, Bộ Công an tổ chức Hội nghị quán triệt Chỉ thị số 10/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông (TTATGT) đường bộ trong tình hình mới. Hội nghị được tổ chức trực tuyến đến công an 63 tỉnh, thành phố trên cả nước.
Dự và chỉ đạo hội nghị tại đầu cầu Bộ Công an có Đại tướng Tô Lâm - Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Đảng ủy Công an Trung ương, Bộ trưởng Bộ Công an; Thiếu tướng Nguyễn Văn Long - Ủy viên Ban Thường vụ Đảng ủy Công an Trung ương, Thứ trưởng Bộ Công an. Dự hội nghị phía đầu cầu Hà Nội có Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền và Đại tá Dương Đức Hải - Phó Giám đốc CATP Hà Nội.
Thiết lập trật tự, kỷ cương trong chấp hành pháp luật về giao thông
Phát biểu khai mạc hội nghị, Thiếu tướng Nguyễn Văn Long nhấn mạnh, đây là hội nghị rất quan trọng để triển khai nhiều nhiệm vụ vừa có tính chiến lược, vừa cấp bách, cụ thể trong công tác đảm bảo TTATGT theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Theo đó, Chỉ thị số 10/CT-TTg ngày 19-4-2023 của Thủ tướng Chính phủ nêu rõ, trong những năm qua, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, Chính phủ, sự cố gắng, nỗ lực của các bộ, ban, ngành, địa phương và các lực lượng chức năng, công tác đảm bảo TTATGT đã có nhiều chuyển biến tích cực, góp phần bảo đảm an ninh quốc gia, TTATXH, phục vụ nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. “Tuy nhiên, tình hình TTATGT còn diễn biến phức tạp, tai nạn giao thông (TNGT) và thiệt hại do TNGT gây ra vẫn ở mức cao. Riêng trong quý I-2023 toàn quốc xảy ra gần 3.000 vụ TNGT, trong đó có 12 vụ TNGT đặc biệt nghiêm trọng. Một số vụ gây hậu quả thảm khốc làm chết nhiều người…” - Thiếu tướng Nguyễn Văn Long nêu.
Đồng chí Thứ trưởng Bộ Công an cũng nhấn mạnh một số thực trạng vi phạm TTATGT hiện nay như: lái xe sử dụng nồng độ cồn, ma túy; thanh thiếu niên phóng nhanh, vượt ẩu, chèn ép, gây rối trật tự công cộng; vượt đèn đỏ, đi không đúng làn đường, phần đường quy định; người vi phạm chống đối, gây cản trở giao thông, đua xe trái phép… Trước yêu cầu đòi hỏi cấp bách đó, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 10/CT-TTg về tăng cường công tác đảm bảo TTATGT đường bộ trong tình hình mới với quan điểm: Phải đổi mới tư duy, nhận thức và hành động, xác định đảm bảo TTATGT là động lực phát triển kinh tế - xã hội, thành tố quan trọng trong đảm bảo an ninh con người, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội của đất nước. Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ đã xác định mục tiêu đối với công tác đảm bảo TTATGT là thiết lập trật tự, kỷ cương trong chấp hành pháp luật về giao thông của cả người tham gia giao thông và lực lượng thực thi pháp luật về giao thông; xây dựng ý thức tự giác, ứng xử văn minh, chuẩn mực của người dân khi tham gia giao thông, từng bước hình thành rõ nét văn hóa giao thông trong nhân dân; giảm thiểu TNGT, trọng tâm là bảo đảm an ninh, an toàn sức khỏe, tính mạng, tài sản của nhân dân; khắc phục tình trạng ùn tắc giao thông.
Những kết quả đáng ghi nhận
Cũng tại hội nghị, Thiếu tướng Nguyễn Văn Trung - Cục trưởng Cục Cảnh sát giao thông (Bộ Công an) thông tin nhanh kết quả 2,5 tháng thực hiện Điện số 05/ĐK-HT của Bộ trưởng về nhiệm vụ bảo đảm TTATGT năm 2023. Theo đó, lực lượng CSGT toàn quốc đã huy động 246/914 lượt tổ công tác với 990.468 lượt cán bộ, chiến sĩ tổ chức tuần tra, kiểm soát; phát hiện, xử lý 736.646 trường hợp vi phạm TTATGT, phạt tiền 1.577 tỷ 937 triệu đồng. Đáng chú ý, bám sát Điện 76 của Bộ trưởng Bộ Công an và Kế hoạch 299 của Cục CSGT, toàn lực lượng đã xử lý 176.122 trường hợp người điều khiển phương tiện giao thông cơ giới vi phạm về nồng độ cồn; 28.358 trường hợp vi phạm vận tải hàng hóa cơi nới thành thùng, chở hàng quá khổ, quá tải. Đã có 28 địa phương trên cả nước được đánh giá làm tốt công tác đảm bảo TTATGT, TNGT giảm cả 3 tiêu chí so với thời gian liền kề như: Hà Nội, Hải Phòng, Hòa Bình, Hưng Yên, Cao Bằng, Bến Tre, Bắc Kạn, Phú Thọ, Quảng Bình, Quảng Trị, Sóc Trăng… Tuy nhiên, vẫn còn một số địa phương có TNGT tăng cả 3 tiêu chí như Lào Cai, Nghệ An, Quảng Ngãi, Thanh Hóa, Trà Vinh, Bình Dương, Cà Mau.
Là địa phương được đánh giá cao trong công tác xử lý vi phạm nồng độ cồn, Đại tá Dương Đức Hải - Phó Giám đốc CATP Hà Nội tham luận tại hội nghị và khẳng định: “Đến thời điểm hiện tại, CATP Hà Nội khẳng định 100% cán bộ chiến sĩ không uống rượu, bia, trong quá trình thực hiện nhiệm vụ và lái xe. Chúng tôi quán triệt rất rõ và yêu cầu các đơn vị thực hiện nghiêm. Về tình trạng phương tiện chở quá khổ, quá tải, cơi nới thành thùng tìm đủ cách để né tránh kiểm tra, CATP Hà Nội cũng đã triển khai nhiều biện pháp, có thể sót lọt ở địa bàn này nhưng khi lái xe di chuyển đến địa bàn khác vẫn bị kiểm tra, phát hiện, đảm bảo an toàn cho người tham gia giao thông và chính lái xe” - Đại tá Dương Đức Hải nêu rõ.
Đồng chí Phó Giám đốc CATP Hà Nội cũng thông tin, dịp nghỉ lễ 30-4 và 1-5 trùng với Giỗ tổ Hùng Vương, người dân được nghỉ 5 ngày liên tiếp. Để phục vụ bà con đi tham quan, du lịch, CATP Hà Nội chỉ đạo lực lượng CSGT, CSTT tăng cường tuần tra, kiểm soát, tập trung vào thời điểm trước và sau kỳ nghỉ để kịp thời phát hiện, xử lý các hành vi là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến ùn tắc, TNGT, hoặc vi phạm của phương tiện vận tải hành khách, hàng hóa. Qua đó, chủ động phòng ngừa, không để xảy ra các vụ TNGT rất nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng, tai nạn liên quan đến sử dụng rượu bia khi tham gia giao thông…
Quyết tâm không để xảy ra TNGT đặc biệt nghiêm trọng
Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Đại tướng Tô Lâm kết luận: “Việc xử lý quyết liệt các vi phạm giao thông liên quan đến nồng độ cồn trong thời gian qua của toàn lực lượng CSGT là rất tốt, được các cấp, ngành và nhân dân đánh giá cao. Việc này không chỉ góp phần đảm bảo ATGT mà còn phòng ngừa những hành vi phạm tội bộc phát do uống rượu. Thay mặt Đảng ủy Công an Trung ương, Bộ Công an, tôi ghi nhận, biểu dương và chúc mừng những kết quả, thành tích mà công an các đơn vị, địa phương đã đạt được trong thời gian qua”.
Trên cơ sở báo cáo kết quả thực hiện công tác đảm bảo TTATGT của lực lượng CSGT toàn quốc, cũng như nắm rõ các tồn tại, hạn chế trong quá trình thực thi nhiệm vụ của công an các đơn vị, địa phương, Bộ trưởng Tô Lâm cũng chỉ ra các nhiệm vụ trọng tâm từ nay đến cuối năm cho toàn lực lượng. Cụ thể: Tiếp tục quán triệt thực hiện nghiêm túc Điện 76, Điện 05 và Kế hoạch 299 về tăng cường xử lý các vi phạm như người điều khiển phương tiện sử dụng ma túy, nồng độ cồn, phương tiện vận tải vi phạm chở quá khổ, quá tải, cơi nới thành thùng, vi phạm tốc độ… Tập trung quản lý, xử lý các phương tiện hết niên hạn sử dụng; giải quyết triệt để tình trạng “xe dù”, “bến cóc”, “nhồi nhét” khách…; xử lý nghiêm tình trạng thanh thiếu niên điều khiển phương tiện phóng nhanh, lạng lách, mang theo hung khí diễu phố, gây hoang mang, lo lắng, bức xúc trong dư luận quần chúng nhân dân. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về TTATGT, vận động quần chúng nhân dân nâng cao ý thức chấp hành các quy định khi tham gia giao thông nhằm phòng ngừa TNGT. Tình trạng vi phạm về TTATGT, TTĐT vẫn còn nhiều bất cập, chưa đồng bộ, tạo sự lộn xộn trong giao thông đô thị. Do vậy, các đơn vị, địa phương cần tập trung xử lý, không để hình ảnh nhếch nhác kéo dài, ảnh hưởng hành lang giao thông cũng như mất mỹ quan đô thị. Đảm bảo tuyệt đối an ninh, an toàn, phục vụ bà con đi lại thuận tiện dịp nghỉ lễ 30-4, 1-5 và Giỗ tổ Hùng Vương. Tăng cường điều tra cơ bản, đánh giá các yếu tố nguy cơ, tiềm ẩn tai nạn, ùn tắc giao thông để xây dựng kế hoạch, bố trí lực lượng thường trực bảo đảm giao thông thông suốt, hỗ trợ người dân về quê nghỉ lễ, đi du lịch, quyết tâm không để xảy ra TNGT đặc biệt nghiêm trọng trong dịp nghỉ lễ.
Ngay sau hội nghị này, Bộ Công an sẽ ban hành kế hoạch triển khai thực hiện Chỉ thị số 10/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Do vậy, công an các đơn vị, địa phương khẩn trương tổ chức quán triệt nghiêm túc, xây dựng kế hoạch, cụ thể hóa các nhiệm vụ, giải pháp phủ hợp với đặc điểm tính hình từng địa phương.