Lấy lại vị thế cho taekwondo Việt Nam

Tại Olympic Paris 2024, võ sĩ taekwondo Panipak (Thái Lan) đi vào lịch sử Đông Nam Á khi trở thành vận động viên đầu tiên bảo vệ thành công tấm huy chương vàng. Thành công của Panipak và taekwondo Thái Lan mang đến nhiều bài học cho taekwondo Việt Nam.

Giai đoạn 1994-2000 ghi nhận sự thăng hoa rực rỡ của taekwondo Việt Nam. Tại Asian Games 1994, Trần Quang Hạ giành huy chương vàng, 4 năm sau tới lượt Hồ Nhất Thống vô địch ở Asian Games 1998. Đỉnh cao nhất của taekwondo Việt Nam là tấm huy chương bạc được giành bởi Trần Hiếu Ngân giành ở Olympic Sydney 2000. Thời điểm đó, taekwondo Việt Nam là ngôi sao sáng trên bầu trời thể thao Đông Nam Á.

Niềm hy vọng số 1 của taekwondo Việt Nam Trương Thị Kim Tuyền (bên trái) không thể giành vé dự Olympic Paris 2024. Ảnh: THÀNH NGUYỄN

Niềm hy vọng số 1 của taekwondo Việt Nam Trương Thị Kim Tuyền (bên trái) không thể giành vé dự Olympic Paris 2024. Ảnh: THÀNH NGUYỄN

Trao đổi với chúng tôi, ông Vũ Xuân Thành, Phó trưởng phòng Thể thao thành tích cao 2, Cục Thể dục thể thao (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) thừa nhận, rất khó để taekwondo Việt Nam kiếm được Trần Hiếu Ngân thứ hai. Ông Vũ Xuân Thành cho rằng, năm 2000, trên thế giới mới chỉ có 89 quốc gia đầu tư môn taekwondo, nhưng hiện tại đã có tới hơn 200 quốc gia phát triển môn thể thao này. Bởi vậy, sự cạnh tranh của taekwondo trên đấu trường châu lục và thế giới vô cùng khốc liệt.

Lý giải của ông Vũ Xuân Thành chỉ đúng một phần, bởi sự thành công của các nền taekwondo đến từ quá trình đầu tư. Ví dụ, kể từ năm 2002, taekwondo Thái Lan mời chuyên gia người Hàn Quốc Choi Young-seok đến dẫn dắt, đồng thời đề ra định hướng phát triển taekwondo trên toàn quốc. Phong trào tập luyện taekwondo nở rộ ở Thái Lan và từ đó họ chọn lọc ra các tài năng tiêu biểu gửi đi tập huấn, thi đấu quốc tế. Trong số đó, tiêu biểu nhất có Panipak, chủ nhân của tấm huy chương đồng Olympic Rio 2016, cùng hai tấm huy chương vàng ở Olympic Tokyo 2020 và Olympic Paris 2024.

Trái ngược với sự phát triển thần tốc của taekwondo Thái Lan, taekwondo Việt Nam tụt dốc kể từ sau Olympic Sydney 2000. Từ chỗ có 2 vé dự Olympic Athens 2004, 3 vé dự Olympic Bắc Kinh 2008, 2 vé dự Olympic London 2012, taekwondo Việt Nam chỉ còn giành 1 vé dự Tokyo 2020 sau kỳ Rio 2016 vắng mặt. Mới nhất là Olympic Paris 2024, không có võ sĩ taekwondo Việt Nam nào giành được suất tham dự. Có một thống kê khiến nhiều người chạnh lòng: “Mỗi năm, taekwondo Việt Nam chỉ nhận được khoảng 2,5 tỷ đồng dành cho các hoạt động tập huấn và thi đấu quốc tế, trong khi con số này với taekwondo Thái Lan là 65 tỷ đồng”.

Với 2,5 tỷ đồng, taekwondo Việt Nam chỉ có thể đi tập huấn và thi đấu quốc tế khoảng 2-3 lần/năm. Theo võ sư Trương Ngọc Để, Chủ tịch Liên đoàn Taekwondo Việt Nam, cái sai đầu tiên của chúng ta là chuyển taekwondo từ nhóm 1 xuống nhóm 2 môn thể thao đầu tư trọng điểm kể từ sau Olympic London 2012. Cái sai thứ hai là đưa đội tuyển taekwondo Việt Nam ra Hà Nội tập trung, dù trước đó, TP Hồ Chí Minh mới là nơi taekwondo phát triển mạnh mẽ nhất.

Liên đoàn Taekwondo Việt Nam đang làm tốt công tác xã hội hóa, phong trào tập luyện và hệ thống các giải taekwondo trên toàn quốc dần được hoàn thiện, nâng cấp; nhiều võ sĩ trẻ giành được thứ hạng cao tại các giải taekwondo châu lục và quốc tế. Để những vận động viên này hoàn thiện chuyên môn vươn tầm tranh tài ở sân chơi Á vận hội, Thế vận hội là một hành trình gian nan, đòi hỏi sự chung tay góp sức của nhiều cá nhân, tập thể, trong đó Cục Thể dục thể thao cần định hướng đúng và trúng để taekwondo lấy lại vị thế.

TAM NINH

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/the-thao/trong-nuoc/lay-lai-vi-the-cho-taekwondo-viet-nam-789379
Zalo