Lấy công nghệ làm đòn bẩy cạnh tranh trong 'xanh' hóa ngành logistics

Trước yêu cầu sống còn để gia tăng sức cạnh tranh của doanh nghiệp trong môi trường kinh tế quốc tế đầy biến động, tiến trình xanh hóa ngành logistics không thể 'thuê ngoài' mà cần sự chung tay giữa các bên, đồng thời phải lấy công nghệ làm đòn bẩy cạnh tranh.

Theo giới chuyên gia, với vai trò là “mạch máu” của nền kinh tế, ngành logistics đóng vai trò vô cùng quan trọng trong quá trình chuyển đổi xanh, hướng đến phát triển bền vững.

Tuy nhiên, tại diễn đàn "Logistics xanh - Sức bật trong biến động và kết nối cùng FIATA World Congress 2025” ngày 11/7, theo bà Lưu Thị Thanh Mẫu - Phó Chủ tịch thường trực Hội Doanh nghiệp Xanh TP Hồ Chí Minh, quá trình chuyển đổi này không hề dễ dàng.

Bà chỉ ra hai hạn chế lớn nhất mà khối doanh nghiệp vừa và nhỏ, vốn chiếm tới 90% ngành logistics Việt Nam, đang đối mặt. Thứ nhất là hạn chế về tài lực.

"Chi phí để chuyển đổi xanh còn rất lớn, vậy làm sao để các doanh nghiệp vừa và nhỏ có nguồn lực sử dụng vật liệu thân thiện môi trường, cải tiến quy trình sản xuất một cách dễ dàng hơn?" bà Mẫu trăn trở. Bà cho rằng các cơ quan quản lý cần có cơ chế, chính sách hỗ trợ cụ thể, tương tự như cách Singapore đã làm từ hơn một thập kỷ trước.

Thách thức thứ hai là khủng hoảng về nguồn nhân lực.

"Để đào tạo ra được một thế hệ nhân lực đáp ứng nhu cầu chuyển đổi xanh, chúng ta có thể phải mất đến 20 năm", bà Mẫu nhận định, đồng thời kiến nghị có chiến lược đầu tư vào con người một cách linh hoạt, hướng tới việc hình thành một "văn hóa xanh".

Bà Lưu Thị Thanh Mẫu - Phó Chủ tịch thường trực Hội Doanh nghiệp Xanh TP Hồ Chí Minh.

Bà Lưu Thị Thanh Mẫu - Phó Chủ tịch thường trực Hội Doanh nghiệp Xanh TP Hồ Chí Minh.

Nhấn mạnh vai trò con người trong dẫn dắt chuyển đổi xanh, bà Mẫn cho rằng, rất cần các tổ chức, các cơ quan quản lý hướng tới đào tạo con người về kỹ năng chuyên môn về chuyển đổi xanh.

Trái ngược với những trăn trở về nguồn lực, một số doanh nghiệp đã chủ động đi trước, xem chuyển đổi xanh là cơ hội bứt phá. Câu chuyện từ Vietnam SuperPort là một ví dụ.

Ông Yap Kwong Weng - CEO Việt Nam SuperPort nhấn mạnh, trong bối cảnh chuỗi cung ứng toàn cầu dịch chuyển, yếu tố bền vững chính là đòn bẩy để tái định hình chiến lược vận hành. Vietnam SuperPort đã đặt mục tiêu đạt phát thải ròng bằng 0 vào năm 2040, không chỉ bằng cách áp dụng công nghệ hiện đại mà còn tự chủ phát triển đội ngũ kỹ thuật trong nước.

Tuy nhiên, ông Yap cũng khẳng định, nỗ lực của doanh nghiệp chỉ thực sự hiệu quả khi có sự đồng hành của chính sách. Ông đề xuất cần có cơ chế khuyến khích tài chính xanh từ các tổ chức quốc tế và chính sách ưu đãi thuế rõ ràng cho các lĩnh vực then chốt.

“Nếu Việt Nam muốn khuyến khích sử dụng xe điện (EV), cần có chính sách hỗ trợ như miễn thuế đăng ký, nới lỏng thủ tục cho cả xe sản xuất trong nước và nhập khẩu. Điều này vừa thúc đẩy cung ứng, vừa tạo động lực cho thị trường” ông Yap phân tích.

Ông Koen Soenens - Phó Chủ tịch Ủy ban Vận tải và Logistics của EuroCham, cho biết các doanh nghiệp châu Âu đang chịu áp lực lớn từ các tiêu chuẩn xanh nghiêm ngặt. Để thích ứng, họ đã chủ động triển khai nhiều giải pháp tại Việt Nam như lắp đặt năng lượng mặt trời tại kho bãi, triển khai đội xe giao nhận xanh, và tối ưu lộ trình bằng công nghệ số.

Theo ông Koen Soenens, quá trình xanh hóa logistics tại Việt Nam đang đứng trước nhiều thách thức, nhất là khi các doanh nghiệp muốn tiếp cận sâu hơn vào thị trường EU.

Ông Koen Soenens - Phó Chủ tịch Ủy ban Vận tải và Logistics của EuroCham.

Ông Koen Soenens - Phó Chủ tịch Ủy ban Vận tải và Logistics của EuroCham.

Thực tế tại Việt Nam cho thấy nhiều rào cản vẫn đang tồn tại như hạ tầng logistics tại Việt Nam chưa đồng bộ, chính sách còn thiếu nhất quán, nhiều quy định chưa rõ ràng, gây khó khăn trong triển khai thực tế.

“Những thách thức này không của riêng ai. Do đó, cần sự phối hợp để cùng nhau tạo ra một hệ sinh thái logistics bền vững”, ông Koen Soenens gợi ý.

Đồng quan điểm, ông Edwin Laă - Giám đốc điều hành Hiệp hội Doanh nghiệp Australia tại Việt Nam (AusCham) chia sẻ, tại Australia, logistics xanh không còn là lựa chọn, mà là yêu cầu bắt buộc. Rất nhiều doanh nghiệp đã cam kết giảm phát thải khí nhà kính và tích hợp các mục tiêu bền vững ngay từ đầu vào chiến lược kinh doanh từ đầu tư vận tải xanh, sử dụng năng lượng tái tạo đến xây dựng chuỗi cung ứng thân thiện với môi trường.

Trong đó, công nghệ là yếu tố then chốt trong quá trình này. Nhiều công ty đã tiên phong phát triển và ứng dụng nhiều mô hình công nghệ thông minh, không chỉ giúp tiết kiệm năng lượng mà còn gia tăng lợi nhuận một cách rõ rệt. Thực tế, một số doanh nghiệp Australia đã và đang chuyển giao mô hình này cho các đối tác tại Việt Nam thông qua hình thức liên doanh và mang lại những kết quả tích cực.

Bên cạnh đó, việc các nhà máy tại Việt Nam bắt đầu sử dụng năng lượng tiết kiệm, tích hợp tiêu chuẩn môi trường vào sản xuất là tín hiệu tích cực, thể hiện nỗ lực rõ ràng của Việt Nam trong hành trình hướng tới mục tiêu phát thải ròng bằng 0 (net zero).

Các ý kiến tại diễn đàn có chung nhận định, chuyển đổi xanh không thể là nỗ lực của riêng một bên. Từ việc hoàn thiện chính sách, hỗ trợ tài chính, đào tạo nhân lực đến việc chia sẻ kinh nghiệm quốc tế, sự hợp tác chặt chẽ của cả hệ sinh thái, chủ động ứng dụng công nghệ sẽ là chìa khóa để biến logistics xanh từ một ý tưởng thành lợi thế cạnh tranh thực sự, giúp doanh nghiệp Việt Nam vững bước trên thị trường toàn cầu.

Nguyệt Minh

Nguồn Doanh Nghiệp: https://doanhnghiepvn.vn/doanh-nghiep/canh-tranh/lay-cong-nghe-lam-don-bay-canh-tranh-trong-xanh-hoa-nganh-logistics/20250712100757268
Zalo