Lầu Năm góc cảnh báo Nga sẽ lại dùng tên lửa siêu vượt âm Oreshnik tấn công Ukraine
Theo báo European Pravda, cảnh báo nêu trên được bà Sabrina Singh, phó phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Mỹ đưa ra trong một cuộc họp báo tại Lầu Năm Góc hôm 11/12.
Tại cuộc họp báo này, báo European Pravda cho biết bà Sabrina Singh đã nhắc lại rằng Tổng thống Liên bang Nga, ông Vladimir Putin từng công khai tuyên bố ý định thực hiện một vụ phóng tên lửa Oreshnik khác.
Trước đó, theo đài RT, trong cuộc họp với các đồng minh khu vực quan trọng của Moskva tại Astana (Kazakhstan) hôm 28/11, ông Putin tuyên bố Liên bang Nga có thể lựa chọn mục tiêu cho tên lửa Oreshnik là “các trung tâm ra quyết định” của Ukraine.
Phó phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Mỹ cho biết thêm rằng Liên bang Nga có khả năng sẽ làm điều này “trong vài ngày tới”, nhưng không cung cấp ngày cụ thể mà chỉ nhấn mạnh là nếu Moskva phóng tên lửa Oreshnik thì điều đó cũng không “làm thay đổi cục diện trên chiến trường” mà chỉ là “một nỗ lực khác nhằm gây thiệt hại và thương vong tại Ukraine”.
Bà Sabrina Singh khẳng định rằng Mỹ và các đồng minh sẽ tiếp tục hỗ trợ Ukraine, bao gồm cả việc cung cấp hệ thống phòng không.
Xem video ghi lại hình ảnh các mảnh vỡ từ tên lửa đạn đạo siêu vượt âm tầm trung Oreshnik của Liên bang Nga trong cuộc tấn công thành phố Dnipro của Ukraine hôm 21/11/2024. Nguồn: Reuters
Trong một diễn biến liên quan, vào ngày 11/12, nhiều cơ quan truyền thông Mỹ như AP, Bloomberg đã dẫn lời một quan chức Mỹ tại một cuộc họp kín cũng cho biết tình báo Mỹ xác định Liên bang Nga có thể sử dụng tên lửa đạn đạo siêu vượt âm tầm trung Oreshnik tấn công Ukraine “trong những ngày tới”.
Tuy nhiên, theo nguồn tin, Liên bang Nga chỉ sở hữu số lượng hạn chế tên lửa đạn đạo siêu vượt âm tầm trung Oreshnik và chúng mang đầu đạn nhỏ hơn so với các loại tên lửa khác mà Moskva thường sử dụng để tấn công Ukraine.
Cho nên, Mỹ coi tên lửa đạn đạo siêu vượt âm tầm trung Oreshnik của Liên bang Nga chủ yếu là một nỗ lực nhằm đe dọa hơn là một loại vũ khí có thể thay đổi cục diện trên chiến trường tại Ukraine.
Vào ngày 21/11, Liên bang Nga đã sử dụng tên lửa siêu vượt âm tầm trung Oreshnik tấn công vào thành phố Dnipro của Ukraine. Sau này, địa điểm phóng được xác định là từ bãi thử tên lửa thứ 4 ở Kapustin Yar thuộc vùng Astrakhan của Liên bang Nga và mục tiêu bị tấn công là cơ sở của tập đoàn tên lửa và vũ trụ Yuzhmash - một doanh nghiệp tên lửa và quốc phòng của Ukraine tại thành phố Dnipro.
Vụ tấn công này đánh dấu việc Liên bang Nga lần đầu tiên thử nghiệm trong môi trường chiến đấu một loại tên lửa với đầu đạn phân hướng độc lập (MIRV - Multiple Independently-targetable Reentry Vehicle) thông thường.
Cơ quan tình báo chính của Ukraine cho biết tên lửa đạn đạn siêu vượt âm mà Liên bang Nga sử dụng để tấn công thành phố Dnipro có khả năng thuộc tổ hợp tên lửa 'Kedr', được trang bị 6 đầu đạn, mỗi đầu đạn có 6 đạn con.
Tốc độ của tên lửa trong giai đoạn cuối của quỹ đạo vượt quá Mach 11, tức là nhanh gấp 11 lần tốc độ âm thanh, cho thấy khả năng tấn công mạnh mẽ và chính xác của loại vũ khí này.
Xem video ghi lại nhiều ánh chớp bùng lên ở thành phố Dnipro của Ukraine hôm 21/11/2024 sau khi Liên bang Nga tuyên bố đã phóng một tên lửa đạn đạo siêu vượt âm tầm trung Oreshnik vào đây. Nguồn: Reuters
Hôm sau, người phát ngôn Điện Kremlin, ông Dmitry Peskov nhấn mạnh cuộc tấn công bằng tên lửa đạn đạo siêu vượt âm mới vào Ukraine chính là thông điệp gửi tới phương Tây trước việc Ukraine sử dụng tên lửa tầm xa do phương Tây cung cấp tấn công lãnh thổ Liên bang Nga.
Ông Peskov nói: "Thông điệp chính là các quyết định, hành động liều lĩnh của phương Tây khi sản xuất tên lửa, cung cấp cho Ukraine, sau đó tham gia vào các cuộc tấn công vào lãnh thổ Liên bang Nga sẽ không thể không nhận phản ứng từ Moskva".