Lật tẩy chiêu trò 'đóng cửa', 'dừng hoạt động' của local brand Việt
Dù chỉ đóng cửa một ngành hàng hay giải thể các kênh bán không còn phù hợp, một số thương hiệu thời trang nội địa vẫn tuyên bố dừng hoạt động, tạo ra tâm lý mua vội đợt cuối.

Local brand Việt sử dụng chiêu truyền thông đóng cửa. Ảnh minh họa: @edini.
Từ cuối năm ngoái, làn sóng đóng cửa hàng loạt của các local brand nhanh chóng thu hút sự chú ý từ phía khách hàng, công chúng. Tuy nhiên, bên cạnh các thương hiệu thực sự nói lời chào tạm biệt, chính thức rời khỏi thị trường, một số đơn vị kinh doanh lại lợi dụng cơ hội này, biến thông báo đóng cửa thành chiêu trò marketing.
Đây là con dao hai lưỡi đối với thương hiệu. Nếu thực hiện một cách tinh tế, khéo léo, có đạo đức, local brand có thể tạo ra một chiến dịch truyền thông hấp dẫn, thu hút khách hàng. Ở chiều ngược lại, nhãn hàng dễ dàng đánh mất niềm tin, khiến người tiêu dùng bức xúc, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến tên tuổi, uy tín.
Tại Việt Nam, các nhãn hàng như SSStuter hay Edini đều sử dụng chiêu truyền thông này, gây chú ý bằng thông báo dừng hoạt động.
Chỉ đóng cửa một phần
Tháng 12/2024, thương hiệu thời trang nam SSStuter đột ngột thông báo đóng cửa sau 9 năm hoạt động. Bài đăng này nhận về hơn 1.300 lượt tương tác và 1.200 bình luận bày tỏ sự tiếc nuối từ phía khách hàng.
Trong một video được chia sẻ trên tài khoản chính thức của nhãn hàng, Thư Lê, nhà sáng lập thương hiệu, cho biết: “Mọi thứ phải thay đổi. Đã đến lúc đóng cửa”.
Đáng chú ý, SSStuter đưa ra thông báo này ngay sau khi local brand Lep’ tuyên bố đóng cửa, nhờ vậy thành công tận dụng làn sóng thảo luận sôi nổi trên mạng xã hội, thu hút sự quan tâm.


SSStuter từng gây chú ý vì tuyên bố dừng hoạt động sau gần một thập kỷ. Ảnh: FB/SSStuter.
Tuy nhiên ngay sau đó, nhãn hàng đã lên tiếng đính chính về thông tin dừng hoạt động. Cụ thể, chủ sở hữu thương hiệu cho biết chỉ đóng một số kênh bán hàng không còn phù hợp. “9 năm - thời gian đủ dài để đóng lại một hành trình cũ, đóng lại một chương, tìm ra một hướng đi mới, mở ra một chương mới”, đại diện hãng chia sẻ trên mạng xã hội.
Như vậy, chỉ trong thời gian ngắn, local brand chuyên phục vụ nam giới này đưa ra 2 thông tin trái ngược nhau, khiến khách hàng hoang mang. Đến nay, thương hiệu vẫn hoạt động bình thường, liên tục ra mắt sản phẩm mới, chứng minh không dừng hoạt động.

Edini chỉ đóng cửa ngành hàng thời trang thường ngày, chuyển sang kinh doanh trang phục truyền thống. Ảnh: @edini.
Sau đó, nhiều nhãn hàng thời trang trong nước cũng ứng dụng chiêu tiếp thị này. Gần đây, Edini là thương hiệu tiếp theo nằm trong danh sách.
Cụ thể, nhãn hàng nói lời chào tạm biệt sau 12 năm hoạt động. Song, trên thực tế, local brand trên chỉ đóng cửa ngành hàng thời trang hàng ngày, chuyển sang các thiết kế truyền thống.
Theo hình ảnh, bài đăng trên các kênh truyền thông, hãng đã tập trung vào dòng sản phẩm truyền thống từ lâu. Vì thế, thông báo đóng cửa mới đây có thể chỉ nhằm thu hút sự chú ý, đồng thời góp phần thúc đẩy quá trình thanh lý các mặt hàng thời trang thường ngày.
Như vậy, dù chỉ đóng cửa một phần, một số local brand vẫn tuyên bố dừng hoạt động, sử dụng chiêu trò truyền thông này để thu hút sự quan tâm. Mặc dù lập tức gây chú ý, hình thức tiếp thị trên được đánh giá là dễ phản tác dụng, không đem lại lợi ích lâu dài.
Lợi dụng lòng tin khách hàng
Đây không phải câu chuyện của riêng thị trường Việt Nam. Trên thế giới, nhiều nhãn hàng thời trang cũng từng dùng chiêu thức quảng cáo này, nhận về những luồng ý kiến trái chiều.
Thương hiệu T‑Shirt Hell, chuyên bán áo phông in hình ảnh châm biếm, từng gây phẫn nộ khi công bố ngừng hoạt động vì nhận nhiều email khiếu nại, khiến người tiêu dùng vội vàng đặt hàng đợt cuối.
Thực tế, đây là một chiêu tạo cú hích doanh số, giúp mức tiêu thụ lập tức tăng mạnh. Gần 100.000 sản phẩm được bán ra trong thời gian ngắn, giúp thương hiệu gia tăng doanh thu dù vẫn duy trì hoạt động bình thường sau đó.
Nhìn chung, thông báo đóng cửa được sử dụng như một chiến thuật marketing. Bên cạnh tác dụng thu hút sự chú ý, chiêu thức này cũng tạo ra tính khan hiếm, kích thích nhu cầu mua sắm của người tiêu dùng.
Các thương hiệu khai thác tâm lý FOMO (viết tắt của “fear of missing out”, tạm dịch “sợ bỏ lỡ”) của khách hàng, tung tin ngừng hoạt động, rồi kết thúc bằng thông báo chương trình ưu đãi đặc biệt.
Như vậy, hình thức tiếp thị này hoạt động dựa trên niềm tin của khách hàng, dễ gây ra phản ứng trái chiều. Khi phát hiện ra nhãn hàng không thực sự đóng cửa, người tiêu dùng có thể cảm thấy bị lừa dối, từ đó phát sinh ác cảm, dẫn đến làn sóng tẩy chay.