Lập TP Huế trực thuộc Trung ương: Cần nguồn lực đầu tư rất lớn
Chiều 21-11, tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 8, Quốc hội thảo luận ở hội trường về việc thành lập TP Huế trực thuộc Trung ương
Tham gia thảo luận, đại biểu Trần Thị Hồng Thanh (đoàn Ninh Bình) nhất trí cao về sự cần thiết thành lập TP Huế trực thuộc trung ương với đầy đủ cơ sở chính trị, cơ sở pháp lý, cơ sở thực tiễn như tờ trình của Chính phủ.
Tuy nhiên, đại biểu Thanh nhấn mạnh đến việc phát triển TP Huế trực thuộc trung ương sẽ cần nguồn lực đầu tư rất lớn. Trong khi đó, nguồn thu ngân sách địa phương chưa cao phần nào tạo áp lực đối với thành phố trong giai đoạn đầu.
Vì vậy, bà Trần Thị Hồng Thanh đề nghị cần xác định rõ hơn các giải pháp đồng bộ cả về cơ chế và chính sách để phát huy cao nhất tiềm năng và nguồn lực của thành phố, Trung ương cho đầu tư phát triển.
Trong đó, chú trọng có giải pháp để thúc đẩy phát triển kinh tế tư nhân; nâng cao hiệu quả hoạt động của các doanh nghiệp vừa và nhỏ; cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, tạo điều kiện cho các thành phần kinh tế đầu tư.
Cùng với đó, có cơ chế thu hút các nguồn lực xã hội, nhất là nguồn lực tư nhân tham gia đầu tư theo phương thức hợp tác công - tư trong phát triển hạ tầng, nhất là hệ thống hạ tầng giao thông.
Có cùng quan tâm, đại biểu Phạm Văn Hòa (đoàn Đồng Tháp) đề nghị Trung ương quan tâm nhiều hơn về nguồn lực để TP Huế có thể vươn xa hơn về kinh tế - xã hội, nhất là đối với một đô thị đặc thù như Huế.
Phát biểu giải trình, làm rõ một số nội dung các đại biểu Quốc hội quan tâm, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà cho biết khi được Quốc hội thông qua là thành phố trực thuộc Trung ương, đây là sẽ thành phố di sản văn hóa đầu tiên của Việt Nam.
Theo Bộ trưởng, các ý kiến phát biểu tại các phiên thảo luận tổ cũng như hội trường hôm nay đều bày tỏ mong muốn Huế xứng đáng là một thành phố di sản văn hóa trực thuộc Trung ương, phát triển nhanh, bền vững và xứng tầm.
Về phương án sắp xếp đơn vị hành chính khi trực Trung ương, lãnh đạo Bộ nội vụ cho biết sau sắp xếp, thành lập, TP Huế trực thuộc Trung ương có 9 đơn vị hành chính cấp huyện, gồm: 2 quận, 3 thị xã, 4 huyện, có 133 đơn vị hành chính cấp xã.
Như nhiều ý kiến đại biểu đã phát biểu, Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà cũng cho rằng cần có các cơ chế, chính sách đặc thù, vượt trội để Huế phát triển nhanh, bền vững.
Đại biểu Trần Thị Hồng Thanh đề nghị Chính phủ bổ sung, lồng ghép nội dung về thực hiện Chương trình mục tiêu phát triển văn hóa; gắn với những công việc, nội dung nhiệm vụ cụ thể cần đặc biệt quan tâm để tăng cường các chính sách hỗ trợ, đẩy mạnh phát triển văn hóa mạnh mẽ, thiết thực hơn tại TP Huế.
Đồng thời, cần có giải pháp để nâng tầm vóc phát triển ngành du lịch lên vị thế mới để TP Huế sẽ là một trong những trung tâm lớn, đặc sắc của cả nước, khu vực Đông Nam Á về văn hóa, du lịch.