Lập Thạch phát huy tiềm năng nông nghiệp
Khai thác tiềm năng, lợi thế về đất đai, lao động, điều kiện tự nhiên... huyện Lập Thạch đang quyết liệt cơ cấu lại ngành Nông nghiệp theo hướng hiện đại, bền vững, nâng cao sản lượng, giá trị gia tăng và sức cạnh tranh của nông sản.
Diện tích đất gò đồi lớn, hoang hóa, bạc màu đặt ra những thách thức trong quá trình phát triển kinh tế nông nghiệp của huyện Lập Thạch. Vậy mà giờ đây, trên chính những vùng đất ấy lại ngút ngàn màu xanh của những vườn cây ăn quả, những vùng nông sản hàng hóa giá trị kinh tế cao. Đó là kết quả quá trình tái cơ cấu ngành Nông nghiệp của huyện Lập Thạch.
Để tái cơ cấu ngành Nông nghiệp theo hướng hiện đại, bền vững, nâng cao sản lượng, giá trị gia tăng và sức cạnh tranh của nông sản, huyện Lập Thạch chỉ đạo Phòng NN&PTNT phối hợp với các xã, thị trấn tuyên truyền, hướng dẫn, hỗ trợ người dân tổ chức sản xuất theo quy hoạch vùng và nhu cầu của thị trường tiêu dùng; tích cực triển khai các nguồn vốn ưu đãi, chương trình hỗ trợ về giống cây trồng, kỹ thuật, phân bón... cho nông dân; tăng cường áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật để cải tiến quy trình chăm sóc cây trồng và cải tạo đất. Đồng thời, đẩy mạnh liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ nhằm nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, mang lại nguồn thu nhập cao, ổn định cho nông dân.
Thành công của nhiều dự án, mô hình sản xuất nông sản hàng hóa đã tăng đáng kể giá trị thu nhập trên cùng đơn vị diện tích canh tác và tạo thêm nhiều việc làm cho lao động. Điển hình như dự án trồng cây thanh long ruột đỏ đã giúp nhiều hộ nông dân ở Lập Thạch thoát nghèo, vươn lên mức trung bình, khá và làm giàu ngay trên chính mảnh đất quê hương.
Sau gần 20 năm “bén duyên” với đồng đất Lập Thạch, đến nay, quy mô cây thanh long ruột đỏ đã tăng lên hơn 320 ha, chủ yếu tại các xã Xuân Hòa, Vân Trục, Quang Sơn, Hợp Lý, Ngọc Mỹ; năng suất bình quân đạt từ 15 - 20 tấn quả/ha/năm, sản lượng đạt gần 5.000 tấn/năm. Với giá bán ở thời điểm hiện tại từ 15.000 - 25.000 đồng/kg, trừ chi phí, 1ha thanh long cho lãi từ 150 - 250 triệu đồng. Trồng thanh long đã tạo việc làm cho hơn 1.500 lao động địa phương.
Để xây dựng thương hiệu, nâng cao chất lượng, thu nhập cho người trồng thanh long, huyện Lập Thạch đẩy mạnh chuyển giao, hướng dẫn quy trình chăm sóc cây thanh long bằng biện pháp chiếu sáng để tạo ra quả trái vụ, đặc biệt là vào dịp Tết Nguyên đán, bởi thời điểm này thanh long có giá cao gấp vài lần so với chính vụ.
Đồng thời, liên kết với doanh nghiệp, Viện Công nghệ sinh học, Trường đại học Bách khoa Hà Nội thực hiện đề tài nghiên cứu sản xuất siro và rượu vang từ nước ép quả thanh long; phối hợp với các sở, ngành đẩy mạnh công tác quảng bá, xúc tiến thương mại...
Ông Nguyễn Huy Lập, Phó Trưởng phòng phụ trách Phòng NN&PTNT huyện Lập Thạch cho biết: Trên đất Lập Thạch chưa có cây trồng nào cho giá trị cao như cây thanh long ruột đỏ. Thanh long ruột đỏ mở ra hướng đi mới, tạo bước đột phá mạnh mẽ trong chuyển dịch cơ cấu cây trồng ở Lập Thạch và được xác định là một trong những cây trồng chủ lực góp phần giảm nghèo hiệu quả. Cùng với thanh long, bưởi, trám đen, ba kích... cũng là những cây trồng có triển vọng cải tạo đất đồi gò khô hạn và mở ra hướng đi mới, tạo bước tiến mạnh mẽ trong chuyển dịch cơ cấu cây trồng ở Lập Thạch.
Song song với chuyển đổi cơ cấu cây trồng, chăn nuôi tiếp tục được xác định là mũi nhọn trong phát triển kinh tế nông nghiệp. Giá trị thu nhập từ chăn nuôi chiếm hơn 63% trong cơ cấu kinh tế ngành Nông nghiệp. Hiện, quy mô chăn nuôi gia súc, gia cầm ở Lập Thạch khá ổn định, việc liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm được chú trọng. Trên địa bàn huyện đã hình thành một số vùng, xã chăn nuôi trọng điểm cho hiệu quả kinh tế cao như: Chăn nuôi bò sữa ở các xã Thái Hòa, Liên Hòa; chăn nuôi gà ở các xã Bàn Giản, Đồng Ích, Xuân Hòa; chăn nuôi lợn ở các xã Quang Sơn, Bắc Bình, Hợp Lý, Ngọc Mỹ; nuôi cá lồng tại sông Phó Đáy đoạn qua xã Thái Hòa, tại đập Đồng Mồ thuộc xã Liễn Sơn…
Với chủ trương đúng, cách làm hiệu quả, huyện Lập Thạch đã tạo được những bước chuyển biến tích cực trong chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội địa phương phát triển; tạo thu nhập ổn định và nâng cao đời sống của nhân dân. Minh chứng rõ nét là những năm gần đây quy mô, diện tích đất sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản giảm dần, nhưng giá trị sản xuất hằng năm vẫn tăng trưởng khá. Năm 2024, tổng giá trị thu nhập từ sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản đạt hơn 2.600 tỷ đồng, tăng hơn 130 tỷ đồng so với năm 2023.
Với mục tiêu hướng tới nền nông nghiệp hiện đại, bền vững, nâng cao sản lượng, giá trị gia tăng và sức cạnh tranh của nông sản, năm 2025 và những năm tiếp theo huyện Lập Thạch tiếp tục rà soát quy hoạch, xây dựng kế hoạch cải tạo đất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng; xây dựng các vùng sản xuất nông sản hàng hóa; đổi mới phương thức sản xuất từ hộ gia đình sang hình thức tổ hợp tác, hợp tác xã, liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm; tiếp tục triển khai, nhân rộng các mô hình ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp sạch, góp phần nâng cao giá trị gia tăng và bảo vệ môi trường nông thôn.