Lấp lỗ hổng pháp lý trong kiểm soát thực phẩm chức năng
Trong vài năm trở lại đây, thị trường thực phẩm chức năng phát triển mạnh, nhiều người thậm chí coi đây như một giải pháp thay thế thuốc chữa bệnh. Tuy nhiên, sự phát triển của mặt hàng này tiềm ẩn nhiều nguy cơ đến từ việc quản lý lỏng lẻo, quảng cáo sai sự thật.

Thị trường thực phẩm chức năng tiềm ẩn nhiều nguy cơ vì việc làm giả, quảng cáo sai sự thật.
Nhiều hành vi lách luật
Mới đây, Công an TP. Hà Nội phối hợp với Bộ Y tế phát hiện và điều tra một đường dây sản xuất, buôn bán thực phẩm chức năng giả với quy mô lớn, có sự tham gia của 3 doanh nghiệp là Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ Hacofood, Công ty TNHH Dược phẩm Rance và Công ty TNHH Thương mại quốc tế Pro France. Các doanh nghiệp này đã sản xuất hàng giả, ghi nhãn sai sự thật, đặc biệt là việc quảng cáo sản phẩm như thuốc điều trị bệnh, đánh lừa người tiêu dùng.
Thực phẩm chức năng, về lý thuyết, có vai trò hỗ trợ điều trị, tăng cường sức khỏe và phòng ngừa bệnh tật và là một phần trong xu hướng y học dự phòng. Tuy nhiên, khi việc kinh doanh sản phẩm này trở thành một nguồn lợi nhuận siêu lớn và pháp luật không theo kịp thực tế thị trường, chúng trở thành mảnh đất màu mỡ cho các hành vi lách luật, trục lợi. Nhiều doanh nghiệp lợi dụng quy trình công bố sản phẩm lỏng lẻo để đưa hàng hóa ra thị trường mà không qua kiểm định thực tế.
Nếu được kiểm soát đúng, thực phẩm chức năng sẽ là trợ thủ đắc lực cho chăm sóc sức khỏe cộng đồng. Nhưng nếu thả nổi, đây sẽ là con dao hai lưỡi. Cuộc chiến giữa lợi ích kinh tế và an toàn sức khỏe cộng đồng đang diễn ra âm thầm mà khốc liệt. Các cơ quan quản lý cần hành động quyết liệt, triệt để hơn để bảo vệ sức khỏe người dân.
Bên cạnh đó, hành vi quảng cáo sai lệch, sử dụng hình ảnh bác sỹ, người nổi tiếng để tạo lòng tin ngày càng phổ biến, đặc biệt trên mạng xã hội và nền tảng thương mại điện tử, gây ra sự nhầm lẫn nghiêm trọng trong nhận thức của người tiêu dùng.
\Đáng lo ngại hơn, không ít người dân vì thiếu kiến thức y tế, tin rằng thực phẩm chức năng có thể thay thế hoàn toàn thuốc điều trị. Họ dễ dàng tin vào những lời hứa hẹn như “chữa dứt điểm bệnh gout”, “bổ thận tráng dương”, “tăng chiều cao cho trẻ”… mà bỏ qua việc tham khảo ý kiến chuyên môn, thậm chí ngừng sử dụng thuốc theo toa để chuyển sang các sản phẩm chưa được chứng minh hiệu quả. Chính từ đây, hàng loạt hệ lụy về sức khỏe và tài chính xảy ra, trong đó chịu thiệt là người bệnh.
Vấn đề này đặt ra một dấu hỏi lớn về vai trò của các cơ quan chức năng, đặc biệt trong việc giám sát hậu kiểm. Rõ ràng, quy trình công bố thực phẩm chức năng đang có nhiều lỗ hổng. Các doanh nghiệp có thể dễ dàng lách bằng cách đăng ký một nơi, sản xuất một nơi, thậm chí gia công tại những cơ sở không đảm bảo vệ sinh hay tiêu chuẩn dược phẩm. Trong khi việc hậu kiểm, xử phạt lại chưa đủ mạnh để răn đe, nhiều vụ việc chỉ được phát hiện khi hậu quả đã xảy ra.
Thực phẩm chức năng vốn không phải là thuốc, nhưng trong cách quảng bá hiện nay, ranh giới giữa thực phẩm và thuốc đang bị cố ý xóa nhòa. Nhiều người dân nhầm lẫn, hoặc bị dẫn dắt đến hiểu nhầm rằng, chỉ cần dùng thực phẩm chức năng là có thể chữa khỏi bệnh, giảm thuốc, bỏ qua phác đồ điều trị. Điều này cực kỳ nguy hiểm, bởi nó không chỉ làm chậm trễ quá trình điều trị bệnh thực sự, mà còn khiến nhiều người tiền mất tật mang vì những lời hứa “có cánh” từ các chiến dịch tiếp thị sai lệch.
PGS-TS. Trần Đáng, nguyên Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) nhận định, thực phẩm chức năng là một xu thế của cuộc sống hiện đại, tuy nhiên đang bị lạm dụng và biến tướng nghiêm trọng. Thực phẩm chức năng chỉ có chức năng hỗ trợ, không có chức năng điều trị bệnh, nhưng nhiều doanh nghiệp cố tình quảng cáo sai lệch khiến người dân hiểu nhầm.
Ông Đáng cũng cảnh báo về tình trạng nhiều cơ sở sản xuất không đạt tiêu chuẩn GMP, nhưng vẫn hoạt động, dẫn đến nguy cơ mất an toàn cho người sử dụng.
Lấp lỗ hổng pháp lý
Nhìn vào thực tế, có thể thấy hệ thống pháp lý chưa theo kịp tốc độ phát triển của thị trường. Việc để doanh nghiệp “tự công bố” sản phẩm mà không đi kèm quy trình hậu kiểm hiệu quả chẳng khác nào trao tay “tấm vé thông hành” cho những sản phẩm kém chất lượng, thậm chí là hàng giả. Trong khi đó, hành lang pháp lý về quảng cáo thực phẩm chức năng vẫn còn quá lỏng lẻo, tạo điều kiện cho những nội dung sai lệch lan tràn, đặc biệt qua nền tảng số như YouTube, Facebook, TikTok...
Không chỉ doanh nghiệp, người tiêu dùng đang bị cuốn vào “cơn lốc truyền thông” với vô số sản phẩm được giới thiệu qua livestream, video gắn mác chuyên gia, thậm chí mượn danh bác sỹ. Tâm lý “có bệnh thì vái tứ phương” khiến nhiều người bỏ qua việc thăm khám chính thống, mà đặt niềm tin vào các loại viên uống “đa công dụng”. Hệ quả là nhiều người bệnh lỡ mất “thời gian vàng” điều trị, vừa tốn tiền, vừa rước thêm biến chứng.
Trước thực tế nêu trên, Bộ Y tế đã có văn bản khẳng định lại lần nữa việc nghiêm cấm bác sỹ, dược sỹ quảng cáo thực phẩm chức năng. Công văn của Bộ Y tế viện dẫn khoản 2, Điều 27, Nghị định 15/2018/NĐ-CP của Chính phủ, quy định rõ: “Không sử dụng hình ảnh, thiết bị, trang phục, tên, thư tín của các đơn vị, cơ sở y tế, bác sỹ, dược sỹ, nhân viên y tế, thư cảm ơn của người bệnh, bài viết của bác sỹ, dược sỹ, nhân viên y tế để quảng cáo thực phẩm”. Điều này đồng nghĩa với việc mọi hình thức quảng cáo thực phẩm chức năng có sự xuất hiện, xác nhận, hay “bảo chứng” bởi đội ngũ nhân viên y tế đều bị nghiêm cấm.
Các chuyên gia đề xuất thêm một số giải pháp cấp bách để lập lại trật tự cho thị trường thực phẩm chức năng. Theo đó, các cơ sở bắt buộc phải đạt chuẩn GMP, có kiểm định thành phần sản phẩm trước khi đưa ra thị trường. Không thể để tình trạng “công bố một nơi, sản xuất một nơi” tiếp diễn. Kiểm soát chặt nội dung quảng cáo. Cần xây dựng cơ chế liên ngành giữa Bộ Y tế, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bộ Công thương để rà soát, xử phạt nghiêm các quảng cáo sai sự thật, đặc biệt trên không gian mạng. Người nổi tiếng, KOLs nếu tham gia quảng bá sản phẩm sai lệch cũng cần chịu trách nhiệm pháp lý tương xứng.