Lập kỷ lục thu hút FDI nhờ cầu, đường mới
Hệ thống hạ tầng giao thông được đầu tư hiện đại, đồng bộ đã lập tức cho thấy hiệu quả bằng những con số biết nói.
Trở thành điểm đến của nhiều "ông lớn"
Chủ tịch UBND TP Hải Phòng Nguyễn Văn Tùng cho biết, trong năm 2023, nhiều tuyến đường, cây cầu được tiếp tục đầu tư kết nối với các khu kinh tế trọng điểm đã giúp kinh tế thành phố đạt được nhiều kết quả nổi bật.
Trong năm, thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) của thành phố ước đạt 3,5 tỷ USD, vượt 1,75 lần so với kế hoạch, đứng trong top dẫn đầu cả nước về thu hút FDI và là kết quả lịch sử của TP Hải Phòng từ trước tới nay. Hải Phòng đã trở thành điểm đến đầu tư của nhiều tập đoàn lớn trên thế giới như: General Electric, Chevron, LG, Bridgestones, AEON, SK, Pegatron...
Bên cạnh dự án cải tạo nâng cấp quốc lộ 10 (đoạn từ cầu Đá Bạc đến cầu Kiền) đã hoàn thành các hạng mục đầu tư chính, chuẩn bị thông xe kỹ thuật; Cầu Bến Rừng vượt qua sông Đá Bạch nối Hải Phòng với Quảng Ninh sau 18 tháng thi công đã đạt 92% khối lượng hợp đồng, dự kiến hoàn thành vào tháng 5/2024; đường Đỗ Mười kéo dài kết nối Khu công nghiệp VSIP hơn 1.000 tỷ đồng đã được triển khai.
Trong năm 2024, TP Hải Phòng sẽ triển khai nhiều dự án quy mô khác như: Cầu Nguyễn Trãi với tổng vốn 6.300 tỷ đồng; cầu sông Hóa và đoạn tuyến qua Hải Phòng của tuyến đường bộ từ TP Thái Bình đi cầu Nghìn với tổng vốn hơn 760 tỷ đồng…
Theo ông Hoàng Quang Hải, Giám đốc Sở GTVT Quảng Ninh, năm 2023 địa phương đã khánh thành hàng loạt dự án giao thông trọng điểm như: Cầu Bình Minh, dự án quốc lộ 18C giai đoạn 2 nối Khu kinh tế cửa khẩu Bắc Phong Sinh; Đường bao biển Hạ Long - Cẩm Phả giai đoạn 2…
Trong năm 2023, sở này đã hoàn thành lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư 6 dự án và được cấp có thẩm quyền phê duyệt chủ trương đầu tư. Tổng số chiều dài cải tạo, mở rộng và xây mới thuộc 6 dự án này là 70km đường tỉnh đạt từ cấp III với quy mô từ 2 làn xe đến 6 làn xe.
Trong đó, cải tạo, mở rộng khoảng 49km, xây mới khoảng 20km. Tổng mức đầu tư sơ bộ khoảng hơn 7.000 tỷ đồng.
Đầu tư hạ tầng giao thông được đẩy mạnh góp phần quan trọng để kinh tế địa phương ghi nhận tín hiệu tích cực.
Cụ thể, tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) năm 2023 của Quảng Ninh, ước tăng hơn 11%, gấp đôi bình quân chung cả nước, đứng thứ nhất các tỉnh, thành phố vùng Đồng bằng sông Hồng, đứng thứ 3 cả nước.
Quy mô nền kinh tế ước đạt trên 310.000 tỷ đồng, gấp 1,5 lần so với năm 2020; thu ngân sách Nhà nước ước đạt trên 55.600 tỷ đồng, thuộc nhóm các địa phương dẫn đầu cả nước; tạo đột phá trong thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài ước đạt hơn 3 tỷ USD, gấp 3,1 lần kế hoạch năm, đứng đầu cả nước.
Tác động tích cực phát triển kinh tế
Tại tỉnh Thanh Hóa, theo ông Mai Xuân Liêm, Phó chủ tịch UBND tỉnh, năm 2023, kế hoạch vốn đầu tư công cho hạ tầng giao thông ở địa phương được giao là 5.205 tỷ đồng, chủ yếu tập trung cho các dự án trọng điểm như: Tuyến đường bộ ven biển đoạn Nga Sơn - Hoằng Hóa; đường nối quốc lộ 1 với quốc lộ 45, huyện Thiệu Hóa; tuyến đường bộ ven biển đoạn Hoằng Hóa - Sầm Sơn và đoạn Quảng Xương - Tĩnh Gia.
Tính đến ngày 20/12/2023, sản lượng giải ngân vốn năm 2023 cho các dự án giao thông là 3.153 tỷ đồng, đạt 61%, dự kiến cả năm khoảng 95%.
Năm 2023, tỉnh Thanh Hóa đã hoàn thành một số dự án lớn như: Đường từ trung tâm TP Thanh Hóa nối với đường từ cảng hàng không Thọ Xuân đi Khu kinh tế Nghi Sơn; đường giao thông Quảng Bình - Quảng Thái, huyện Quảng Xương…
Bộ GTVT cũng đã đưa vào sử dụng tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Đông qua tỉnh Thanh Hóa (đoạn Mai Sơn - Quốc lộ 45; Đoạn Quốc lộ 45 - Nghi Sơn và đoạn Nghi Sơn - Diễn Châu).
Mạng lưới giao thông kết nối ngày càng hoàn thiện đã góp phần quan trọng thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của địa phương với tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm (GRDP) năm 2023 trên địa bàn tỉnh ước đạt hơn 7%.