Lập hồ sơ phương án ứng phó tình huống khẩn cấp hồ Dầu Tiếng

Ngày 8/10, Ban Chỉ huy Phòng thủ dân sự - Phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Tây Ninh do ông Trần Văn Chiến, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Tây Ninh làm trưởng đoàn đã đến kiểm tra công tác phòng, chống thiên tai trên địa bàn tỉnh tại hồ Dầu Tiếng, thuộc địa bàn huyện Dương Minh Châu.

Kiểm tra công trình tại đập chính hồ Dầu Tiếng.

Kiểm tra công trình tại đập chính hồ Dầu Tiếng.

Hệ thống công trình thủy lợi Dầu Tiếng - Phước Hòa là hệ thống công trình thủy nông có quy mô lớn nhất nước. Nằm ở thượng nguồn sông Sài Gòn thuộc phạm vi 3 tỉnh gồm Tây Ninh, Bình Dương và Bình Phước, hồ Dầu Tiếng là công trình quan trọng đặc biệt, liên quan đến an ninh quốc gia. Hiện hồ Dầu Tiếng đang tiến hành đợt xả lũ với lưu lượng 100 m3/s từ ngày 7 - 17/10 nhằm đảm bảo công trình hồ.

Theo báo cáo của Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Khai thác Thủy lợi miền Nam, đơn vị đã xây dựng kế hoạch vận hành hồ Dầu Tiếng mùa mưa lũ năm 2024 trên cơ sở nhận định tình hình khí tượng thủy văn của Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia và dự báo của Viện Quy hoạch Thủy lợi miền Nam. Công ty cũng phối hợp với các đơn vị tư vấn triển khai xây dựng hồ sơ lập phương án ứng phó thiên tai, bản đồ ngập lụt và phương án ứng phó với tình huống khẩn cấp hồ Dầu Tiếng trình Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phê duyệt để chuyển giao sản phẩm các địa phương xây dựng phương án ứng phó.

Ông Nguyễn Văn Lanh, Phó Giám đốc chi nhánh Dầu Tiếng - Phước Hòa, thuộc Công ty trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Khai thác Thủy lợi miền Nam cho biết, để đảm bảo chủ động ứng phó với mọi tình huống thiên tai, sự cố công trình, với vai trò là thành viên Ban Chỉ huy Phòng thủ dân sự - Phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Tây Ninh, đơn vị đã chuẩn bị đầy đủ theo phương châm "4 tại chỗ" (chỉ huy tại chỗ, nhân lực tại chỗ, vật tư tại chỗ và hậu cần tại chỗ" và "3 sẵn sàng" (chủ động phòng tránh, đối phó kịp thời, khắc phục khẩn trương và có hiệu quả).

Ngoài ra, đơn vị hồ Dầu Tiếng cũng tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Tây Ninh về hiệp đồng nhiệm vụ phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn trên địa bàn tỉnh. Đồng thời, đơn vị cũng phối hợp với Đồn Công an hồ nước tuần tra, bảo vệ các hạng mục công trình xung yếu trên hệ thống (đập, hồ chứa và các hạng mục công trình trên kênh dẫn), đảm bảo an ninh, trật tự, an toàn công trình; phát hiện và đề xuất cấp có thẩm quyền xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm trong phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi.

Hồ Dầu Tiếng xả lũ với lưu lượng xả 100 m3/giây.

Hồ Dầu Tiếng xả lũ với lưu lượng xả 100 m3/giây.

Theo ông Trần Quang Hùng, Tổng Giám đốc Công ty trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Khai thác Thủy lợi miền Nam, hiện các hạng mục công trình cơ bản đều đảm bảo an toàn vận hành trong mùa mưa lũ. Đơn vị cũng đang triển khai các công tác sửa chữa nâng cấp hệ thống thủy lợi Dầu Tiếng (giai đoạn 2) đã được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phê duyệt. Mặt khác, đơn vị cũng bố trí hệ thống thông tin (còi hú tại tràn xả lũ) để cảnh báo cho người dân ở hạ du khi hồ xả lũ. Kế hoạch từ nay đến hết mùa mưa lũ 2024, để đảm bảo an toàn, đơn vị sẽ tiếp tục kiểm tra công trình và lập kế hoạch sửa chữa các hạng mục công trình bất khả kháng có nguy cơ gây mất an toàn và tiếp tục công tác bảo trì, sửa chữa theo kế hoạch đã được duyệt.

Sau buổi kiểm tra thực địa và làm việc với đơn vị quản lý hồ Dầu Tiếng, ông Trần Văn Chiến, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Tây Ninh đề nghị các đơn vị không được phép chủ quan, lơ là trong phòng, chống bão lũ, thiên tai, xây dựng kịch bản có những phương án, tình huống, giải pháp khác nhau nhằm kịp thời điều chỉnh, bổ sung cho phù hợp với tình hình thực tế nếu xảy ra tình huống thiên tai khẩn cấp. Đồng thời, quản lý chặt chẽ các cơ sở hạ tầng, nhất là giao thông, hồ thủy lợi, hệ thống kênh thoát nước, đảm bảo hành lang công trình thủy lợi được an toàn; kịp thời sửa các hạng mục công trình có nguy cơ mất an toàn nhằm đảm bảo an toàn vận hành công trình, vùng hạ du.

Ông Trần Văn Chiến đề nghị các đơn vị liên quan chủ động nắm chắc diễn biến thời tiết, tình hình khí tượng thủy văn, kịp thời tuyên truyền cho nhân dân có hoạt động trong lòng hồ và vùng hạ du chủ động phòng tránh; tăng cường tuyên truyền, phổ biến pháp luật, nâng cao ý thức của người dân trong đảm bảo an ninh nguồn nước, an toàn đập; tập huấn cho nhân dân công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn.

Tin, ảnh: Giang Phương (TTXVN)

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/thoi-su/lap-ho-so-phuong-an-ung-pho-tinh-huong-khan-cap-ho-dau-tieng-20241008220006498.htm
Zalo