Lập 'doanh nghiệp ma' thuê người đứng tên giám đốc để gian lận
Theo Cục Hải quan, các đối tượng còn lợi dụng quy định đơn giản hóa thủ tục thành lập doanh nghiệp để làm giả giấy tờ, thành lập 'doanh nghiệp ma', thuê người đứng tên giám đốc nhằm xuất khẩu, nhập khẩu hàng cấm, hàng có trị giá cao...
Theo Cục Hải quan, trong quý I-2025, tình hình buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả và vận chuyển trái phép hàng hóa diễn biến rất phức tạp.
Phương thức, thủ đoạn chủ yếu của các đối tượng là khai báo sai tên hàng, đơn vị tính, hoặc chất lượng hàng hóa. Đặc biệt là đối với các mặt hàng thuộc danh mục quản lý rủi ro nhập khẩu của cơ quan Hải quan nhằm mục đích áp mã số, mức thuế hoặc trị giá tính thuế thấp hơn, làm giảm số thuế phải nộp.
Các đối tượng khai báo tên hàng không đầy đủ các yếu tố như nhãn hiệu, kích cỡ, chủng loại, chất lượng, công dụng... sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến trị giá của hàng hóa. Điều này dẫn đến việc xác định dấu hiệu nghi vấn và xác định trị giá tính thuế không chính xác.
Đối với hàng xuất khẩu, một số doanh nghiệp lợi dụng luồng xanh (miễn kiểm tra thực tế hàng hóa) để đưa những container hàng hóa không đúng với khai báo nhằm xuất khẩu trái phép.
Ngoài ra, các doanh nghiệp còn lợi dụng chính sách ưu đãi đối với loại hình gia công, sản xuất xuất khẩu đó là xuất khẩu sản phẩm gia công không đúng với định mức hoặc nguyên liệu đã đăng ký hay nhập khẩu nguyên phụ liệu nhưng không xuất trả sản phẩm.

Ảnh minh họa internet
Đáng chú ý, cơ quan Hải quan còn phát hiện các hành vi gian lận khác như gian lận xuất xứ (C/O), hàng giả, hàng vi phạm quyền sở hữu trí tuệ. Đặc biệt, các đối tượng còn lợi dụng quy định đơn giản hóa thủ tục thành lập doanh nghiệp để làm giả giấy tờ, thành lập “doanh nghiệp ma”, thuê người đứng tên giám đốc hoặc làm thủ tục hải quan nhằm mục đích xuất khẩu, nhập khẩu hàng cấm, hàng có trị giá cao...
Trước tình hình trên, cơ quan Hải quan đã phối hợp với các lực lượng chức năng đồng loạt triển khai Kế hoạch cao điểm đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán 2025.
Kết quả, trong giai đoạn từ ngày 15-12-2024 đến 14-3-2025, ngành Hải quan đã phát hiện, bắt giữ và xử lý 3.876 vụ vi phạm, tăng 11% so với cùng kỳ năm trước. Trị giá hàng hóa vi phạm ước tính hơn 8.464 tỉ đồng.
Cơ quan Hải quan đã chuyển hồ sơ đề nghị khởi tố 22 vụ, số tiền thu nộp ngân sách nhà nước đạt 281,3 tỉ đồng.