Lắp đặt điện mặt trời tại các trang trại: Chưa phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất

Việc lắp đặt hệ thống điện mặt trời mái nhà tại các trang trại sản xuất là chưa phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, không phù hợp với các dự án đầu tư trang trại đã được UBND cấp huyện chấp thuận hoặc phê duyệt.

Việc lắp đặt hệ thống điện mặt trời mái nhà tại các trang trại sản xuất là chưa phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất

Việc lắp đặt hệ thống điện mặt trời mái nhà tại các trang trại sản xuất là chưa phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất

Nhiều trang trại được thành lập

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 9 trang trại nông nghiệp kết hợp lắp đặt hệ thống điện mặt trời mái nhà, loại hình trang trại chủ yếu là trồng trọt hoặc chăn nuôi.

Trong đó, Phong Điền có 4 trang trại, Quảng Điền có 4 trang trại và 1 trang trại tại TP. Huế với tổng diện tích đất khoảng 37,8ha, diện tích lắp đặt hệ thống điện mặt trời mái nhà khoảng 150.000m2.

Mới đây, Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) đã có văn bản gửi UBND tỉnh về việc kiểm tra, rà soát, đánh giá sự phù hợp của quy định pháp luật liên quan việc khai thác hệ thống điện năng lượng mặt trời tại các trang trại trên địa bàn tỉnh.

Theo đó, đối với 4 trang trại tại huyện Quảng Điền có tổng diện tích đất là hơn 18ha, tổng diện tích lắp đặt hệ thống pin năng lượng mặt trời là hơn 96.000m2. Cụ thể, trang trại của ông Phạm Hồng Phú tại xã Quảng Thái, năm 2020 được UBND huyện Quảng Điền cho thuê 73.767m2 đất để lập trang trại sản xuất nông nghiệp với thời gian 20 năm. Dự án đầu tư nhà trồng tổng hợp nông nghiệp áp dụng công nghệ cao của ông Phú lập được UBND huyện Quảng Điền phê duyệt chủ trương đầu tư cùng năm.

Trên khu đất, phần lớn diện tích được dựng nhà lắp ghép. Trên mái được lắp đặt hệ thống pin năng lượng mặt trời diện tích lắp đặt là 30.200m2. Bên trong nhà lắp ghép được trồng cây đinh lăng, nha đam và một số cây trồng theo thời vụ, có hệ thống tưới tự động với diện tích khoảng 3ha. Đến thời điểm hiện tại, ông Phú đã đầu tư xây dựng hoàn chỉnh 2 chuồng gà công nghệ cao khoảng 1.000m2/chuồng. Phần diện tích còn lại gồm 2 nhà bảo vệ, kho chứa thức ăn, vật tư nông nghiệp (70m2/nhà), 6 trạm biến áp (24m2/trạm) và giao thông nội bộ.

Đối với trang trại tại phường Hương Hồ, TP. Huế, khu đất do ông, bà Nguyễn Đăng Trường – Nguyễn Ngọc Quỳnh Chi đang sử dụng để làm trang trại chăn nuôi tổng hợp có tổng diện tích khoảng 9,5ha. Theo Kế hoạch sử dụng đất năm 2018 của thị xã Hương Trà được UBND tỉnh phê duyệt thì khu đất của ông, bà Trường - Chi đang sử dụng phù hợp với mục đích sử dụng đất trang trại (thuộc phần diện tích chuyển mục đích sử dụng đất từ đất lâm nghiệp sang đất trang trại).

Trên khu đất, các hạng mục công trình xây dựng gồm 35 công trình, trong đó có 3 hồ nuôi cá, 1 hồ xử lý nước thải và hệ thống chuồng trại, nhà sát trùng, nhà xe, nhà kho, nhà ở công nhân. Trên mái các chuồng trại có lắp đặt hệ thống pin năng lượng mặt trời với diện tích hơn 12.600m2.

Tăng cường kiểm tra

Liên quan trang trại ông bà Trường - Chi, trước đó, qua kiểm tra, Phòng Cảnh sát kinh tế Công an tỉnh phát hiện trang trại xả nước thải có chứa các thông số môi trường thông thường vượt quy chuẩn kỹ thuật về chất thải từ 10 lần trở lên (coliform vượt 10,8 lần) trong trường hợp thải lượng nước thải là 55,60m3/ngày.

Trên cơ sở đề nghị của Công an tỉnh, căn cứ các quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường, UBND tỉnh xử phạt bà Chi số tiền 125 triệu đồng; đồng thời, buộc bà Chi phải thực hiện các biện pháp khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường.

Theo Sở TN&MT, việc sử dụng đất vào mục đích làm trang trại trồng trọt, chăn nuôi là phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, quy hoạch xây dựng nông thôn mới, quy hoạch phát triển kinh tế trang trại đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Tuy nhiên, việc lắp đặt hệ thống điện mặt trời mái nhà tại các trang trại sản xuất nông nghiệp là chưa phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, không phù hợp với các dự án đầu tư trang trại đã được UBND cấp huyện chấp thuận hoặc phê duyệt.

Đến nay, pháp luật đất đai và các văn bản hướng dẫn thi hành chưa quy định cụ thể đối với trường hợp sử dụng đất nông nghiệp, đất trang trại kết hợp lắp đặt hệ thống điện mặt trời mái nhà và cũng không thuộc trường hợp bị xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai theo nghị định của Chính phủ.

Sở TN&MT kiến nghị UBND tỉnh chỉ đạo các địa phương thường xuyên kiểm tra việc sử dụng đất tại các trang trại có kết hợp lắp đặt hệ thống điện mặt trời mái nhà. Đảm bảo các thửa đất được sử dụng đúng mục đích, đúng ranh giới diện tích, đúng quy hoạch, kế hoạch và đúng chủ trương đã được phê duyệt. Xử lý kịp thời các vi phạm và thực hiện nghiêm túc quy chế phối hợp quản lý các hệ thống điện mặt trời mái nhà trên địa bàn tỉnh.

Theo Sở TN&MT, với điều kiện tự nhiên và thổ nhưỡng vùng đất cát nội đồng tại huyện Phong Điền, Quảng Điền rất khó để phát triển loại hình trồng trọt mang lại năng suất cao nên việc kết hợp loại hình chăn nuôi công nghệ cao trong nhà lắp ghép có mái che, có lắp đặt hệ thống pin năng lượng mặt trời sẽ góp phần tăng hiệu quả sử dụng đất, tuy nhiên, cần phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất.

Bài, ảnh: HÀ NGUYÊN

Nguồn Thừa Thiên Huế: https://baothuathienhue.vn/kinh-te/lap-dat-dien-mat-troi-tai-cac-trang-trai-chua-phu-hop-voi-quy-hoach-ke-hoach-su-dung-dat-143895.html
Zalo