Lập công ty 'ma' xuất khống hóa đơn, đối diện khung hình phạt nào?
Quy định của pháp luật hiện hành, hành vi mua, bán trái phép hóa đơn, sử dụng hóa đơn không hợp pháp, sử dụng không hợp pháp hóa đơn tùy theo tính chất, mức độ vi phạm có thể bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Đối tượng Hoàng Thị Hải Yến tại cơ quan Công an.
Thủ đoạn xuất khống hàng nghìn hóa đơn
Cơ quan An ninh điều tra, Công an tỉnh Hưng Yên vừa ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố 7 bị can về tội "Mua bán trái phép hóa đơn" quy định tại Điều 203 Bộ luật Hình sự. Qua công tác nghiệp vụ, Phòng An ninh điều tra phối hợp với Phòng An ninh kinh tế, Công an tỉnh Hưng Yên phát hiện một số đối tượng đã thành lập các công ty “ma” đăng ký địa chỉ tại TP Hà Nội và các tỉnh Hưng Yên, Nam Định, Hải Dương, Thái Nguyên... để bán hóa đơn cho các đối tượng trung gian và các công ty có nhu cầu nhằm thu lợi bất chính.
Xác lập chuyên án đấu tranh, Cơ quan An ninh điều tra phối hợp với Phòng An ninh kinh tế, Công an tỉnh Hưng Yên và một số Cục nghiệp vụ, Bộ Công an phát hiện, bắt giữ Hoàng Thị Hải Yến (SN 1987, trú tại TP Tuyên Quang, tỉnh Tuyên Quang; hiện ở quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) cùng 6 đối tượng khác gồm: Đinh Thị Phượng (SN 1986), Nguyễn Thị Diệu Hương (SN 1988), Vũ Đức Quân (SN 1989), Mai Thị Thanh Bình (SN 1992) - cùng trú tại tỉnh Nam Định; Phạm Văn Dung (SN 1966), Phạm Thị Duyên (SN 1985) - cùng trú tại tỉnh Thái Bình.
Quá trình điều tra, xác định, từ năm 2020 đến nay, Hoàng Thị Hải Yến đã cùng một số đối tượng sử dụng giấy chứng minh nhân dân, thẻ căn cước công dân giả để đăng ký, thành lập công ty hoặc mua lại công ty rồi thay đổi người đại diện pháp luật đối với 30 công ty để xuất bán khống hàng nghìn hóa đơn giá trị gia tăng (không hàng hóa kèm theo) với giá khoảng 1,5% đến 2% giá trị hàng hóa dịch vụ ghi trên hóa đơn chưa bao gồm thuế giá trị gia tăng, thu lợi bất chính hàng tỷ đồng... Vụ án đang được Cơ quan An ninh điều tra, Công an tỉnh Hưng Yên tiếp tục mở rộng điều tra, củng cố hồ sơ để xử lý các đối tượng theo quy định của pháp luật.
Chế tài xử lý
Luật sư Vũ Văn Biên - Giám đốc Công ty TNHH Luật An Phước cho biết, theo quy định của pháp luật hiện hành, hành vi mua, bán trái phép hóa đơn, sử dụng hóa đơn không hợp pháp, sử dụng không hợp pháp hóa đơn tùy theo tính chất, mức độ vi phạm có thể bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Trong vụ án trên, đối tượng Hoàng Thị Hải Yến cùng các đối tượng liên quan đã lập 30 công ty “ma” để để bán hóa đơn cho các đối tượng trung gian và các công ty có nhu cầu nhằm thu lợi bất chính. Hành vi này cấu thành Tội mua, bán trái phép hóa đơn. Cơ quan An ninh điều tra, Công an tỉnh Hưng Yên đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố Hoàng Thị Hải Yến và 6 bị can về tội "Mua bán trái phép hóa đơn" quy định tại Điều 203 Bộ luật Hình sự.
Dưới góc độ pháp lý, tội “In, phát hành, mua bán trái phép hóa đơn, chứng từ thu nộp NSNN” quy định tại Điều 203 Bộ luật Hình sự 2015 (được sửa đổi, bổ sung năm 2017): nếu là cá nhân bị xét xử với 2 khung hình phạt chính có mức phạt tiền từ 50 triệu đồng đến 500 triệu đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 5 năm. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 50 triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1 năm đến 5 năm. Nếu là pháp nhân thương mại sẽ bị xét xử với 2 khung phạt chính là: phạt tiền từ 100 triệu đồng đến 1 tỷ đồng; hoặc đình chỉ hoạt động vĩnh viễn. Pháp nhân thương mại còn có thể bị phạt tiền từ 50 triệu đồng đến 200 triệu đồng, cấm kinh doanh, cấm hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định từ 1 năm đến 3 năm hoặc cấm huy động vốn từ 1 năm đến 3 năm.
Luật sư Vũ Văn Biên cũng đưa ra phân tích: cơ quan điều tra bước đầu làm rõ, Hoàng Thị Hải Yến cùng đồng phạm xuất bán khống hàng nghìn hóa đơn giá trị gia tăng (không hàng hóa kèm theo) với giá khoảng 1,5% - 2% giá trị hàng hóa dịch vụ ghi trên hóa đơn chưa bao gồm thuế GTGT, thu lợi bất chính hàng tỷ đồng từ những chứng cứ, tài liệu cơ quan công an thu thập được. Như vậy, ngoài hành vi cấu thành tội “In, phát hành, mua bán trái phép hóa đơn, chứng từ thu nộp NSNN” cơ quan điều tra sẽ căn cứ vào tài liệu, chứng cứ thu thập được có thể khởi tố các đối tượng về Tội trốn thuế
Theo quy định tại Bộ luật Hình sự năm 2015 (được sửa đổi năm 2017), hành vi sử dụng hóa đơn không hợp pháp để hạch toán hàng hóa, nguyên liệu đầu vào trong hoạt động phát sinh nghĩa vụ thuế làm giảm số tiền thuế phải nộp hoặc làm tăng số tiền thuế được miễn, số tiền thuế được giảm hoặc tăng số tiền thuế được khấu trừ, số tiền thuế được hoàn đến mức bị truy cứu trách nhiệm hình sự sẽ bị xử lý về Tội trốn thuế (Điều 200):
Nếu là cá nhân bị truy tố, xét xử với 3 khung hình phạt chính có mức phạt tiền từ 100 triệu đồng đến 4,5 tỷ đồng hoặc bị phạt tù có thời hạn từ 3 tháng đến 7 năm. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 20 triệu đồng đến 100 triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1 năm đến 5 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản. Nếu là pháp nhân thương mại sẽ bị truy tố, xét xử với 4 khung phạt chính là: Phạt tiền từ 300 triệu đồng đến 10 tỷ đồng; hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn từ 06 tháng đến 03 năm hoặc đình chỉ hoạt động vĩnh viễn. Pháp nhân thương mại còn có thể bị phạt tiền từ 50 triệu đồng đến 200 triệu đồng, cấm kinh doanh, cấm hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định hoặc cấm huy động vốn từ 1 năm đến 3 năm.
Thực trạng mua bán trái phép hóa đơn diễn ra ngày một nhiều. Với mục đích để được khấu trừ thuế giá trị gia tăng đầu vào, giảm nghĩa vụ thuế, hợp thức hóa cho hàng hóa trôi nổi, nhiều doanh nghiệp đã có hành vi mua bán hóa đơn. Hành vi trái pháp luật này không chỉ gây thất thu cho ngân sách Nhà nước (NSNN) mà còn ảnh hưởng đến môi trường kinh doanh lành mạnh - luật sư Vũ Văn Biên - Giám đốc Công ty TNHH Luật An Phước.