Lập Ban Chỉ đạo xây dựng nhà máy điện hạt nhân, Thủ tướng là Trưởng ban
Ngày 10/1, Thủ tướng Phạm Minh Chính ký quyết định thành lập Ban Chỉ đạo xây dựng nhà máy điện hạt nhân.
Quyết định nêu rõ, Ban Chỉ đạo xây dựng nhà máy điện hạt nhân được thành lập để giúp Thủ tướng Chính phủ nghiên cứu, chỉ đạo và phối hợp giải quyết những công việc quan trọng, liên ngành, liên quan đến công việc xây dựng nhà máy điện hạt nhân, tiếp tục thực hiện chủ trương đầu tư Dự án điện hạt nhân Ninh Thuận.
Theo Quyết định, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính làm Trưởng Ban Chỉ đạo.
Phó trưởng ban Thường trực là Phó thủ tướng Chính phủ Bùi Thanh Sơn. Ông Nguyễn Hồng Diên, Bộ trưởng Bộ Công thương làm Phó trưởng ban.
Các thành viên là lãnh đạo các Bộ, cơ quan: Ông Huỳnh Thành Đạt, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ; ông Nguyễn Hoàng Long, Thứ trưởng Bộ Công thương; ông Đỗ Thành Trung, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư; ông Lê Công Thành, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường; ông Vũ Hải Sản, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng;
Ông Phạm Thế Tùng, Thứ trưởng Bộ Công an; ông Phạm Minh Hà, Thứ trưởng Bộ Xây dựng; ông Bùi Văn Khắng, Thứ trưởng Bộ Tài chính; bà Nguyễn Minh Hằng, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao; ông Trần Tiến Dũng, Thứ trưởng Bộ Tư pháp; ông Lê Anh Tuấn, Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải; ông Bùi Hoàng Phương, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông;
Ông Phùng Đức Tiến, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; ông Nguyễn Sỹ Hiệp, Phó chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ; ông Tạ Đình Thi, Phó chủ nhiệm Ủy ban Khoa học - Công nghệ và Môi trường Quốc hội; ông Trần Quốc Nam, Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận; ông Đặng Hoàng An, Chủ tịch Hội đồng thành viên Tập đoàn Điện lực Việt Nam; ông Nguyễn Anh Tuấn, Tổng giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam.
Căn cứ nhu cầu, nhiệm vụ trong quá trình hoạt động, Trưởng Ban quyết định việc thay đổi, bổ sung thành viên Ban Chỉ đạo.
Đối với các bộ, cơ quan ngang bộ, sau khi thực hiện sắp xếp theo chỉ đạo của Trung ương, có trách nhiệm thông báo cho Bộ Công thương về sự thay đổi thành viên tham gia Ban Chỉ đạo. Bộ Công thương có trách nhiệm tổng hợp, trình Thủ tướng Chính phủ kiện toàn thành viên Ban Chỉ đạo sau khi các bộ được sát nhập, hợp nhất.
Ban Chỉ đạo có tổ giúp việc do lãnh đạo Bộ Công thương làm Tổ trưởng. Thành phần tổ giúp việc Ban Chỉ đạo bao gồm các công chức thuộc các bộ, cơ quan liên quan tham gia làm việc theo chế độ kiêm nhiệm và các chuyên gia; Bộ trưởng Bộ Công thương quyết định thành lập Tổ giúp việc. Bộ trưởng Bộ Công thương, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ quyết định lựa chọn thành viên Tổ giúp việc là các chuyên gia.
Bộ Công thương là cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo, sử dụng bộ máy của bộ để thực hiện nhiệm vụ giúp Trưởng Ban Chỉ đạo xây dựng kế hoạch, chương trình công tác, tổng hợp nội dung và dự thảo kết luận cho các kỳ họp của Ban Chỉ đạo; tổng hợp, báo cáo tình hình thực hiện các nhiệm vụ của Ban Chỉ đạo.
Quyết định nêu rõ, Ban Chỉ đạo có nhiệm vụ chỉ đạo tiếp tục thực hiện chủ trương đầu tư Dự án điện hạt nhân Ninh Thuận; chỉ đạo kiểm tra, đôn đốc thực hiện và tham mưu, đề xuất giải pháp để giải quyết các vướng mắc trong quá trình triển khai xây dựng các nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận.
Đồng thời, chỉ đạo sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện các quy định pháp luật có liên quan, đáp ứng yêu cầu phát triển điện hạt nhân, đảm bảo chất lượng, an toàn, an ninh và hiệu quả; chỉ đạo nghiên cứu, xây dựng chương trình phát triển điện hạt nhân của Việt Nam để báo cáo cấp thẩm quyền phê duyệt.
Ngày 25/11/2024, Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII thống nhất chủ trương tái khởi động Dự án điện hạt nhân Ninh Thuận và tiếp tục nghiên cứu chương trình điện hạt nhân tại Việt Nam.
Tại phiên bế mạc chiều 30/11/2024, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV, trong đó có nội dung đồng ý tiếp tục chủ trương đầu tư dự án điện hạt nhân Ninh Thuận. Trước đó, Luật Điện lực (sửa đổi) quy định một số chính sách phát triển điện hạt nhân cũng được Quốc hội thông qua, tạo cơ sở pháp lý cho việc hiện thực hóa chủ trương này.
Ngày 5/12, Tổng Bí thư Tô Lâm đã khảo sát địa điểm Nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 1 và yêu cầu chuẩn bị tốt các điều kiện để tái khởi động dự án điện hạt nhân. Trước đó một ngày, tại phiên họp chuyên đề pháp luật, Chính phủ cũng đã xem xét đề nghị xây dựng Luật Năng lượng nguyên tử (sửa đổi).
Dự án điện hạt nhân Ninh Thuận được Quốc hội phê duyệt lần đầu vào năm 2009 với tổng công suất 4.000 MW, chia thành 2 nhà máy trên diện tích 1.642 ha. Tuy nhiên, đến năm 2016, Quốc hội ra nghị quyết tạm dừng dự án vì nhiều yếu tố khách quan.