Lào tập trung triệt để truy vết người mắc Covid-19 nhằm dập dịch
Lào xác định việc truy vết các trường hợp F0 nhiễm Covid-19 để cắt đứt hoàn toàn các chuỗi lây nhiễm được xác định đã lây dây chuyền lên cấp F3, cũng như tập trung xác định lịch sử đi lại của người mắc Covid-19 là nhiệm vụ cấp bách nhằm dập tắt đợt dịch Covid-19 đang bùng phát vòng hai tại Lào.
Lào xác định việc truy vết các trường hợp F0 nhiễm Covid-19 để cắt đứt hoàn toàn các chuỗi lây nhiễm được xác định đã lây dây chuyền lên cấp F3, cũng như tập trung xác định lịch sử đi lại của người mắc Covid-19 là nhiệm vụ cấp bách nhằm dập tắt đợt dịch Covid-19 đang bùng phát vòng hai tại Lào.
Theo đó, số lượng người bệnh tăng đột biến cùng lịch sử đi lại phức tạp, tiếp xúc cộng đồng tại hàng chục địa điểm, đi qua nhiều tỉnh đã gây nhiều khó khăn cho các cơ quan chức năng Lào.
Chiều 29-4, Lào công bố nước này có thêm 68 người mắc Covid-19 mới, nâng tổng số ca bệnh Covid-19 tại Lào lên con số 672. So trong khối ASEAN, Lào hiện đang là nước có số người mắc Covid-19 ít thứ hai trong khối, nhưng Lào là nước có số dân ít thứ ba trong khối ASEAN. Sau dịp Tết cổ truyền Bun Pi Mày từ ngày 14 đến 16-4 cùng hai ngày nghỉ cuối tuần liền kề, số lượng người mắc Covid-19 tại Lào tăng vọt bất thường, đạt hai con số liên tục trong bảy ngày liên tiếp tính đến ngày hôm nay, trong bối cảnh Lào áp dụng biện pháp nghiêm cấm người dân ra khỏi nơi cư trú, phỏng tỏa thủ đô Vientiane và hầu hết các tỉnh trên cả nước từ ngày 22-4 đến 5-5.
Tại cuộc họp chiều 28-4, Ban Chuyên trách quốc gia kiểm soát và giải quyết dịch Covid-19 của Lào (Lao National Taskforce for Covid-19 Prevention and Control - LTF Covid-19) nhóm họp dưới sự chủ trì của Phó Thủ tướng Kikeo Khaykhamphithoune, Trưởng Ban Chuyên trách quốc gia, hội nghị đã xác định một số biện pháp ưu tiên để cắt đứt hoàn toàn các chuỗi lây nhiễm, được xác định đã lên đến F3. Ban Chuyên trách quốc gia cũng nghiên cứu một số biện pháp có tính quyết liệt hơn để có thể công bố áp dụng trong trường hợp cần thiết. Ban Chuyên trách cũng cho biết, sẽ khẩn trương triển khai việc phun thuốc khử trùng, tiến hành việc tiêm vaccine cho người dân theo kế hoạch, đạt 22% dân số hoặc hơn nữa.
Trước việc Lào đang thiếu hụt nhân lực chuyên môn về y tế, mới đây WHO đã giúp Lào tổ chức các khóa đào tạo chuyên môn nhằm tăng cường lực lượng phục vụ công tác phòng chống dịch bệnh tại các bệnh viện dã chiến mà Lào vừa mới lập ra trong mấy ngày qua. Tại thủ đô Vientiane, theo quan sát của phóng viên Báo Nhân Dân tại Lào, số lượng người tham gia giao thông cũng như các phương tiện vận tải hàng hóa phục vụ các dịch vụ thiết yếu tối thiểu của người dân cũng giảm mạnh. Lào cũng thực hiện việc gửi các đội y tế lưu động đến các bộ, ngành của Lào tiếp tục thực hiện việc tiêm vaccine phòng ngừa Covid-19 mà mới nhất hôm nay 29-4, Bộ Công thương Lào tiến hành đợt tiêm vaccine cho toàn bộ cán bộ, nhân viên, còn tại ba địa điểm tiêm vaccine phòng ngừa dịch Covid-19, người dân Lào tiếp tục đến đăng ký tiêm chủng.
Mặc dù nhân lực y tế và cơ sở vật chất còn thiếu thốn, hiện Lào đang khẩn trương hoàn thiện ba trung tâm y tế dã chiến có sức chứa 1.150 giường bệnh tại thủ đô Vientiane do đánh giá số người bệnh có thể tăng đột biến lên tới 2.000 ca trong thời gian ngắn. Các biện pháp quyết liệt cũng tiếp tục được triển khai theo Chỉ thị số 15/CT-TTg của Thủ tướng Lào Phankham Viphavan ký ngày 21-4 về việc tăng cường biện pháp hạn chế, kiểm soát và sẵn sàng đối phó toàn diện nhằm chống dịch Covid-19. Chỉ thị có hiệu lực từ 6 giờ ngày 22-4 đến 24 giờ ngày 5-5-2021 trên phạm vi toàn lãnh thổ Lào, theo đó cấm người dân, cán bộ, công chức, bộ đội, công an, học sinh, sinh viên, ngoại kiều… tại thủ đô Vientiane ra khỏi nơi cư trú. Một số hoạt động nhằm bảo đảm các nhu cầu thiết yếu của xã hội vẫn được duy trì như: Dịch vụ điện, nước, bệnh viện, vận tải hàng hóa hoặc cán bộ, nhân viên đến trực tại các cơ quan nhà nước hay bộ đội, công an… thực hiện các nhiệm vụ được giao.