Lao động tự do và nỗi lo Tết
Dịp Tết dù ít hay nhiều thì với người lao động cũng sẽ có được khoản tiền thưởng Tết. Tuy nhiên với những lao động tự do, Tết đến lại chồng chất khó khăn, họ chỉ mong có nhiều việc làm, thêm thu nhập để có được khoản nho nhỏ chi tiêu trong dịp Tết...
Đã thành thông lệ cứ 4 giờ sáng, chị Nguyễn Thị Hậu (quê Nam Định) có mặt tại chợ đầu mối phía Nam (Thanh Oai, Hà Nội) lấy rau và củ quả để đi bán. 20 năm có lẻ sống và bám trụ tại Hà Nội chị nói tài sản duy nhất chị có được là nuôi được cô con gái ăn học. Hiện con gái chị đang học Trường Cao đẳng Cộng đồng Hà Nội.
Kể về hành trình mưu sinh tại Hà Nội của mình chị Hậu vui vẻ kể: Nếu liệt kê các nghề đếm hết hai bàn tay cũng chưa hết thế nhưng không nghề nào có tên trong “sổ lương” được đóng bảo hiểm xã hội. Nhiều lúc ước mình có thể được làm trong một công ty, được tham gia các hoạt động, được có tên trong danh sách đóng bảo hiểm xã hội… Thế nhưng điều này với tôi rất khó, vì thế, tôi chấp nhận sống cuộc sống lao động tự do, bấp bênh và không ổn định.
Cùng chung về nỗi lo Tết, chia sẻ về công việc của mình anh Nguyễn Văn Dũng (tài xế giao hàng của công ty chuyển phát nhanh TNT) cho biết, Tết đến công việc nhiều hơn nhưng cũng nhiều áp lực hơn vì đường đông nhiều đơn hàng bị hủy vì chậm trễ.
“Thông thường tôi chỉ đi giao hàng đến 8 giờ tối nhưng vào những tháng Tết công việc thường bắt đầu từ 5 giờ sáng đến tận 12 giờ đêm. Công việc làm áp lực hơn nhưng cũng không kiếm thêm được là mấy. Trừ ăn uống, chi tiêu tằn tiện mỗi tháng tôi cũng chỉ gửi về quê được từ 6 đến 7 triệu đồng. Nhiều hôm đi làm về mệt không thiết ăn nhưng sáng hôm sau vẫn phải dậy sớm đi lấy hàng. Vất vả là vậy nhưng vẫn phải cố thôi. Nếu không cố sẽ không thể lo cho con cái được cái Tết no ấm” - anh Dũng chia sẻ.
Không có được may mắn như chị Hậu, anh Dũng chị Nguyễn Thị Thoan (Hòa Bình) sau 1 năm bám trụ tại Hà Nội buộc phải trở về quê. Về quê ngoài 3 sào ruộng chị cũng không có việc làm gì làm thêm.
“Không có việc làm khổ cực lắm, ngày thường thì ăn uống qua loa được chứ đến Tết cũng phải lo cho tụi nhỏ tấm áo, cái bánh. Cực chẳng đã tôi chấp nhận đạp xe cách nhà gần 30 km để đi làm cho một trang trại rau sạch. Trừ ăn uống tháng cũng được 4 triệu đồng” - chị Thoan giãi bày.
Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, hiện cả nước có hơn 33 triệu lao động tự do. Họ giữ vị trí, vai trò vô cùng quan trọng đối với tăng trưởng kinh tế, tạo việc làm, tăng thu nhập, xóa đói giảm nghèo. Tuy nhiên, phần lớn lao động tự do có thu nhập bấp bênh, công việc không ổn định, không có lương thưởng cố định. Họ chủ yếu làm thuê, làm mướn theo dịch vụ của tư nhân, phục vụ các nhà hàng, bán hàng, nhặt ve chai, xe ôm, giúp việc, buôn bán nhỏ... Đáng nói, những đối tượng này do không có ràng buộc về hợp đồng lao động, đồng thời không được hưởng các chế độ bảo hiểm và các vấn đề về an sinh xã hội nên thường chịu thiệt thòi, đặc biệt là trong điều kiện kinh tế chung còn khó khăn và môi trường sống phức tạp.
Ngày thường, những người mưu sinh tự do vốn đã bấp bênh với giấc mơ đủ sống qua ngày, nay vào những dịp đặc biệt như lễ, Tết, họ lại càng lao đao với bài toán kiếm sao cho vừa một cái Tết đủ.
“Chính thức hóa” lao động phi chính thức
Thực tế mặc dù có nhiều chính sách và giải pháp nhằm góp phần hỗ trợ đối tượng này như Luật Bảo hiểm xã hội năm 2024 đã có những quy định ưu việt bảo vệ quyền lợi của người lao động như là đối tượng đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, đối tượng đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện, thời gian đóng, hưởng bảo hiểm xã hội, trợ cấp hưu trí… qua đó đảm bảo về an sinh xã hội cho người lao động khi hết tuổi lao động, giảm gánh nặng xã hội.
Tuy nhiên, đa phần trong số này chưa tiếp cận được các điều kiện về an sinh xã hội, chưa được ký hợp đồng lao động, chưa được tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế. Nguyên nhân do đặc thù lao động phi chính thức, lao động tự do di chuyển liên tục, chỗ ở không ổn định nên nhiều lao động khó có thể đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện.
Theo ông Tạ Việt Anh - Chủ tịch Hội đồng quản lý Quỹ Hỗ trợ chương trình, dự án an sinh xã hội Việt Nam (AFV), đặc trưng của lao động phi chính thức là có trình độ chuyên môn thấp. Họ thường làm các công việc giản đơn, ít đòi hỏi trình độ kỹ năng, hoặc trình độ chuyên môn kỹ thuật. Khoảng 35,3% lao động phi chính thức làm nghề giản đơn, chiếm tỷ trọng cao nhất trong 9 nhóm nghề có sự tham gia của lao động phi chính thức. Số lao động phi chính thức làm các công việc có trình độ cao, như nhà chuyên môn kỹ thuật bậc cao; nhà chuyên môn kỹ thuật bậc trung; nhân viên văn phòng…, chỉ chiếm tỷ trọng rất thấp, chỉ khoảng 1,9%.
Cũng theo ông Tạ Việt Anh, việc làm phi chính thức vốn được coi là những việc làm bấp bênh, thiếu tính ổn định, song nhiều lao động vẫn chấp nhận gắn bó với công việc này trong thời gian dài. “Hạn chế về trình độ chuyên môn kỹ thuật có thể là nguyên nhân khiến lao động phi chính thức không thể chuyển đổi công việc của mình, mặc dù thu nhập từ công việc đó đôi khi không đảm bảo điều kiện sống tối thiểu”- ông Tạ Việt Anh nhìn nhận.
Điều đáng nói, khu vực lao động phi chính thức còn phải chịu sức ép gián tiếp từ cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Để tăng thêm cơ hội việc làm trong nền kinh tế số, người lao động, nhất là lao động phi chính thức cần được tăng cường đào tạo, trang bị thêm kỹ năng, nâng cao hơn trình độ chuyên môn, nghiệp vụ. Đây là yếu tố quan trọng góp phần đảm bảo an sinh xã hội, giải quyết việc làm.