Lao động trẻ thiếu kỹ năng, công nghệ kém, cạnh tranh khốc liệt gây áp lực trong tìm việc

Thiếu kỹ năng, kinh nghiệm thực tế, khả năng thích ứng công nghệ kém, sự cạnh tranh chuyên môn gay gắt cùng kỳ vọng lương thưởng đang là rào cản đang là áp lực lớn cho lao động trẻ hiện nay.

Sự dịch chuyển thị trường lao động

Sự cạnh tranh gay gắt trên thị trường lao động, với những người có ít kinh nghiệm đang là một thách thức lớn. Các công ty ưu tiên ứng viên có kinh nghiệm, hoặc ít nhất là có kỹ năng tự học và cập nhật nhanh.

Tỷ lệ thất nghiệp của thanh niên từ 15-24 tuổi trong Quý II/2025 lên tới 8,19%. Ảnh minh họa.

Tỷ lệ thất nghiệp của thanh niên từ 15-24 tuổi trong Quý II/2025 lên tới 8,19%. Ảnh minh họa.

Em Võ Văn Vinh, 22 tuổi vừa tốt nghiệp ngành công nghệ thông tin tại Hà Nội đang loay hoay tìm việc làm cho biết: "Em đi phỏng vấn nhiều nơi, họ đều yêu cầu kinh nghiệm thực tế về AI, Big Data hoặc phải thành thạo các ngôn ngữ lập trình mới.

Trong khi ở trường em chỉ học lý thuyết cơ bản, nên chưa có nhiều kinh nghiệm thực tế, do đó hồ sơ và khi phỏng vấn thường bị đánh truợt bởi những tiêu chí đó từ doanh nghiệp".

Theo Cục Thống kê (Bộ Tài chính), trong Quý II năm 2025, cả nước có khoảng 1,06 triệu người thất nghiệp trong độ tuổi lao động. Con số này tăng 25,3 nghìn người so với quý trước.

Đặc biệt, mặc dù tỷ lệ thất nghiệp chung giảm so với cùng kỳ năm trước nhưng có một thực tế đáng lo ngại đó là, tình trạng thất nghiệp trong nhóm thanh niên, người trẻ. Tỷ lệ thất nghiệp của thanh niên từ 15-24 tuổi trong Quý II/2025 lên tới 8,19%.

Cũng theo số liệu của Cục Thống kê, trong Quý II/2025, có khoảng 1,35 triệu thanh niên từ 15-24 tuổi không có việc làm và không tham gia học tập, đào tạo chiếm 10,1% tổng số thanh niên, giảm 0,02 nghìn người so với quý trước và tăng 40,3 nghìn người so với cùng kỳ năm trước.

Áp lực càng trở nên gay gắt hơn đối với thanh niên, lao động trẻ tại các đô thị. Dữ liệu từ Cục Thống kê chỉ rõ, Quý II/2025 tỷ lệ thất nghiệp của thanh niên ở khu vực thành thị là 10,23%, cao hơn đáng kể 3,17 điểm phần trăm so với khu vực nông thôn.

Điều này cho thấy sự thiếu hụt kỹ năng thực tiễn và khả năng thích nghi với công nghệ mới đang là rào cản lớn với nhiều lao động trẻ.

Em Nguyễn Thị Phương, 24 tuổi tốt nghiệp ngành Quản trị Kinh doanh, đã thất nghiệp 3 tháng sau khi công ty cũ cắt giảm nhân sự chia sẻ: "Em gửi hồ sơ ứng tuyển đi hơn 10 nơi, được gọi đi phỏng vấn 5-6 nơi nhưng đều trượt. Các vị trí tuyển dụng giờ khá cạnh tranh, một vị trí mà cả trăm người nộp hồ sơ. Đa số đều yêu cầu kinh nghiệm trên 2 năm, mà em thì mới chỉ mới ra trường đi làm được hơn 1 năm".

Mặt khác, sự chênh lệch giữa kỳ vọng lương, thu nhập và thực tế thị trường cũng khiến nhiều lao động trẻ chưa tìm được công việc ưng ý.

"Em có kinh nghiệm hơn 2 năm trong ngành thiết kế đồ họa, nhưng khi đi xin việc ở các công ty, mức lương họ đưa ra thường thấp, chế độ đãi ngộ chưa được tốt. Nếu chấp nhận mức lương thấp, thì cuộc sống ở thành phố rất chật vật, còn nếu mong muốn tìm được việc với thu nhập phù hợp thì sẽ phải kiên trì nộp hồ sơ đợi phỏng vấn dài dài", Nguyễn Kiên, 24 tuổi nhân viên thiết kế đồ họa tại Hà Nội chia sẻ.

Cần giải pháp đồng bộ

Trao đổi với phóng viên Báo Xây dựng, ông Vũ Quang Thành, Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội (Sở Nội vụ Hà Nội) cho biết, tỷ lệ thất nghiệp ở lứa tuổi 20-34 tăng hơn so với các độ tuổi khác.

Ông Thành cho rằng, áp lực tìm việc gia tăng với người trẻ, vì thế đòi hỏi họ cần trang bị kiến thức, kỹ năng cần thiết và liên tục tự rèn luyện, học hỏi mở rộng, thậm chí là các khóa học để bồi đắp thêm kiến thức xung quanh vị trí việc làm.

Trong bối cảnh hội nhập quốc tế và sự phát triển của trí tuệ nhân tạo AI, người lao động phải tự nâng cao năng lực để làm chủ công nghệ.

Trong bối cảnh hội nhập quốc tế và sự phát triển của trí tuệ nhân tạo AI, người lao động phải tự nâng cao năng lực để làm chủ công nghệ.

"Việc ứng dụng công nghệ là yếu tố không thể thiếu. Người trẻ cần biết ứng dụng công nghệ, điều này là một yêu cầu hết sức cần thiết. Thế hệ trẻ bây giờ có lợi thế là được trang bị kiến thức nền, kiến thức cơ bản về công nghệ và có nhiều điều kiện để tìm hiểu, nếu chủ động học hỏi thì sẽ có nhiều cơ hội tiếp cận thị trường lao động", ông Thành đưa ra lời khuyên.

Điều này giúp người lao động sẵn sàng hơn khi tham gia thị trường, không bị bất ngờ hay thụ động. Đặc biệt, người trẻ cần nắm bắt các ngành nghề liên quan đến lĩnh vực mình học. Việc tự bồi đắp kiến thức còn thiếu so với thực tế xã hội sẽ nâng cao mức độ sẵn sàng tham gia thị trường lao động.

Bên cạnh kiến thức, kỹ năng, thái độ và ý thức cũng là yếu tố then chốt. Chuyên gia cho rằng, người trẻ cần có thái độ sẵn sàng, chuyên nghiệp khi đi làm, đây là điều cần thiết để gắn bó và xác định được công việc.

Theo tìm hiểu của phóng viên Báo Xây dựng, hiện nay, các doanh nghiệp đang đối mặt với một số khó khăn trong việc tuyển dụng lao động trẻ. Nhiều bạn trẻ dù có bằng cấp nhưng lại thiếu các kỹ năng mềm thiết yếu như kỹ năng giao tiếp, làm việc nhóm, tư duy phản biện và khả năng giải quyết vấn đề.

Sự thiếu kinh nghiệm thực tế và khả năng thích ứng chậm với môi trường làm việc chuyên nghiệp cũng là rào cản lớn. Một số ứng viên trẻ còn có kỳ vọng lương quá cao so với năng lực và giá trị thực tế họ có thể mang lại cho doanh nghiệp ở thời điểm ban đầu.

Cơ chế thị trường luôn có quy luật tăng giảm, biến động theo từng giai đoạn và cơ cấu ngành nghề. Do đó, người trẻ cần chủ động nâng cao trình độ, khả năng, kiến thức, kỹ năng đã được học và rèn luyện thái độ ý thức, mức độ sẵn sàng với công việc, học hỏi.
Đặc biệt, trong bối cảnh hội nhập quốc tế và sự phát triển của trí tuệ nhân tạo AI, người lao động phải tự nâng cao năng lực để làm chủ công nghệ.

Ông Vũ Quang Thành (Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội)

Để khắc phục những khó khăn này, ông Lê Phú Tự, Giám đốc một doanh nghiệp trong lĩnh vực xây dựng cho biết, các bạn trẻ cần lưu ý một số điểm khi đi xin việc, đó là việc chủ động học hỏi và cập nhật kiến thức vì thị trường thay đổi nhanh chóng. Đồng thời, rèn luyện kỹ năng mềm là yếu tố then chốt giúp bạn hòa nhập và phát triển khi làm việc.

Theo các chuyên gia, để giải quyết bài toán thất nghiệp, đặc biệt là ở nhóm thanh niên, cần có sự phối hợp đồng bộ và chặt chẽ từ nhiều phía. Chính phủ và các cơ quan quản lý cần tiếp tục có những chính sách hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi sản xuất, kinh doanh, từ đó tạo thêm nhiều việc làm mới.

Song song đó, đầu tư mạnh vào các chương trình đào tạo lại và nâng cao kỹ năng cho người lao động, chú trọng các kỹ năng số, kỹ năng mềm, và khả năng thích ứng với môi trường làm việc thay đổi nhanh chóng.

Đối với bản thân người lao động, đặc biệt là người trẻ, việc chủ động học hỏi, nâng cao trình độ chuyên môn và kỹ năng mềm. Đồng thời, nắm bắt xu hướng thị trường để trang bị những kiến thức và kỹ năng cần thiết sẽ là "chìa khóa" để họ vững vàng hơn trong bối cảnh thị trường lao động đầy biến động hiện nay.

"Mặc dù việc thay đổi công việc có thể giúp người trẻ tích lũy kinh nghiệm và kiến thức, hoặc tìm kiếm môi trường tốt hơn, nhưng việc "nhảy" việc quá nhiều trong thời gian ngắn có thể khiến nhà tuyển dụng lo ngại về mức độ gắn bó của ứng viên", ông Vũ Quang Thành, Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội.

Tường Nhi

Nguồn Xây Dựng: https://baoxaydung.vn/lao-dong-tre-thieu-ky-nang-cong-nghe-kem-canh-tranh-khoc-liet-gay-ap-luc-trong-tim-viec-192250712122650094.htm
Zalo