Lao động nữ chật vật tìm việc ở tuổi ngoài 35

'2 năm nay, tôi loay hoay đi tìm việc, dù đã 'rải' hồ sơ ở nhiều nơi nhưng chưa tìm được công việc ổn định. Ở tuổi ngoài 35, với trình độ tốt nghiệp THPT, không dễ gì để tôi tìm được công việc tốt ngoài đi làm công nhân', chị Phùng Thị Thu Hương chia sẻ tại Ngày hội giao dịch việc làm vừa được tổ chức tại quận Tây Hồ (Hà Nội).

 Chị Phùng Thị Thu Hương (trái) tại Ngày hội giao dịch việc làm và tư vấn hướng nghiệp

Chị Phùng Thị Thu Hương (trái) tại Ngày hội giao dịch việc làm và tư vấn hướng nghiệp

Quá nhiều trở ngại cho nữ lao động phổ thông

Kể từ khi nghỉ việc tại một nhà may tư nhân, chị Phùng Thị Thu Hương (Ba Vì, Hà Nội) thành người thất nghiệp. Mấy tháng nay, nghe tin ở đâu tuyển nhân viên, chị Hương lập tức mang hồ sơ đến ứng tuyển. Thế nhưng, vì rất nhiều lý do, chị Hương vẫn chưa xin được việc làm.

"Lên mạng xã hội tìm kiếm, nhờ qua kênh bạn bè, vận dụng hết các mối quan hệ nhưng để xin được việc làm đúng với mong muốn của mình thật không dễ. Tôi đã 36 tuổi, chỉ tốt nghiệp PTTH lại đang nuôi con nhỏ, quá nhiều trở ngại khi đi xin việc".

Khi đang bế tắc, chị Hương được người bạn thông tin, ngày 29/9/2024, tại quận Tây Hồ (Hà Nội) tổ chức "Ngày hội giao dịch việc làm và tư vấn hướng nghiệp".

Mang nhiều hi vọng nhưng cũng không ít lo âu, ngay từ sáng sớm ngày 29/9, chị Hương đã có mặt tại địa điểm tổ chức để tìm kiếm cơ hội. Hàng chục doanh nghiệp tham gia tuyển dụng nhưng chị Hương không khỏi thất vọng khi số đơn vị tuyển lao động phổ thông như chị Hương chỉ đếm trên đầu ngón tay.

May mắn đã mỉm cười với chị Hương khi chị được Công ty CPPT nhà sạch tuyển dụng. "Chúng tôi tuyển chị Hương vào vị trí giúp việc nhà theo giờ. Điều kiện các ứng viên cần có là phải sử dụng thành thạo điện thoại thông minh, có xe máy và độ tuổi từ 18 đến 55 nhưng thực tế, chúng tôi chỉ tuyển người từ tuổi 45 trở lại. Mặc dù số lượng tuyển không giới hạn nhưng cả buổi sáng, chúng tôi mới chọn được 3 ứng viên", chị Nguyễn Ngân, đại diện Công ty CPPT nhà sạch, chia sẻ.

Theo chị Nguyễn Ngân, công ty của chị hiện nay vận hành giống các hãng xe công nghệ. Khách hàng có nhu cầu dọn nhà sẽ đặt qua ứng dụng. Nhu cầu cần dọn thế nào, thời gian, địa điểm… sẽ có giá tiền dịch vụ tương ứng. Nếu khách hàng chấp nhận và lựa chọn, nhân viên sẽ nhận đơn hàng và ai thấy phù hợp sẽ nhận lời.

"Rất nhiều người có kinh nghiệm, thậm chí họ có nhiều năm làm vệ sinh văn phòng, biệt thự, tòa nhà cao cấp nhưng khi đến ứng tuyển, chúng tôi phải từ chối vì họ không biết sử dụng điện thoại thông minh hoặc không đi được xe máy", chị Ngân cho biết.

May mắn lọt qua vòng phỏng vấn trong "Ngày hội giao dịch việc làm và tư vấn hướng nghiệp" còn có chị Anh Vũ, 38 tuổi. Nữ kỹ sư chuyên ngành Tự động hóa này từng làm việc cho nhiều công ty trong và ngoài nước với các vị trí như: Trưởng ban dự án, chuyên viên tư vấn, cán bộ quản lý kỹ thuật…

Thế nhưng, năm 2019, khi dịch Covid-19 bùng phát, công ty nơi chị Anh Vũ làm phải thu hẹp quy mô, chị nằm trong diện bị tinh giản.

Vừa ở nhà chăm lo cho gia đình vừa kiếm việc làm thêm, mấy năm qua, chị Anh Vũ toàn làm "trái nghề" và không có công việc ổn định. Năm nay, sau khi đã sắp xếp được việc gia đình, chị mới đi tìm việc làm nhưng phỏng vấn qua cả chục công ty, chị Anh Vũ vẫn chưa tìm được công việc như mong muốn.

Đến với ngày hội việc làm, sau khi thấy một công ty chuyên về cơ khí chính xác của Nhật Bản đóng tại Khu công nghiệp Bắc Thăng Long tuyển kỹ sư, chị Anh Vũ đã tham gia phỏng vấn và trúng tuyển.

Không may mắn như 2 trường hợp kể trên, anh Nguyễn Văn Tiến (46 tuổi, ở quận Đống Đa, Hà Nội) đến ứng tuyển vị trí bảo vệ khách sạn. Anh Tiến đáp ứng đủ điều kiện của nhà tuyển dụng là sức khỏe tốt, không bị dị tật nhưng lại "lép vế" so với nhiều ứng viên biết ngoại ngữ.

Thống kê từ các phiên giao dịch việc làm tại Hà Nội từ đầu năm đến nay cho thấy, có ít vị trí tuyển dụng dành cho người lao động ngoài 35 tuổi

Thống kê từ các phiên giao dịch việc làm tại Hà Nội từ đầu năm đến nay cho thấy, có ít vị trí tuyển dụng dành cho người lao động ngoài 35 tuổi

Tiếng nói từ nhà tuyển dụng

Bà Lê Thị Linh, nhân viên Phòng hành chính của một doanh nghiệp tại Khu công nghiệp Bắc Thăng Long, cho biết: "Công ty chúng tôi chuyên về gia công cơ khí kim loại, chủ yếu gia công máy phay, tiện. Chúng tôi tham gia Ngày hội việc làm tại quận Tây Hồ lần này với mong muốn tuyển 2 kỹ sư cơ khí, 2 kỹ thuật viên setup máy phay CNC, 1 kỹ sư tự động hóa, 1 chuyên viên kế hoạch sản xuất. Tuy nhiên, gần một buổi sáng phỏng vấn mà chúng tôi chưa tuyển được ai".

Bà Linh cũng thừa nhận, công ty đăng tuyển kỹ sư tuổi từ 25 đến 55 nhưng vẫn ưu tiên người từ 35 tuổi trở xuống vì muốn trẻ hóa nguồn nhân lực và đây là đội ngũ có thể gắn bó và cống hiến lâu dài.

"Ai vào làm cũng phải trải qua quá trình đào tạo. Nếu ngoài 50 tuổi, mất khoảng một năm vừa đào tạo vừa làm quen với công việc nhưng họ chỉ làm được 4-5 năm rồi nghỉ, điều đó sẽ rất thiệt thòi cho công ty", bà Linh thẳng thắn chia sẻ.

Bà Trần Thoa, Giám đốc Công ty cung ứng lao động Trung Thành, nói rằng thị trường lao động ngày càng cạnh tranh và đòi hỏi cao hơn. Rất nhiều công việc đòi hỏi về công nghệ thông tin, về ngoại ngữ, tin học văn phòng nhưng nhiều người lao động ngoài 35 tuổi chưa đáp ứng được và theo kịp với xu thế.

"Người lao động lớn tuổi có xu hướng giảm năng suất lao động, chi phí cao trong khi lại tạo ra sản phẩm ít. Với các doanh nghiệp, lợi ích kinh tế là trước tiên nên có xu hướng đào thải hoặc không tuyển dụng lao động lớn tuổi", bà Thoa nói.

Cơ hội thu hẹp với lao động ngoài 35 tuổi

Báo cáo thị trường lao động tháng 8/2024 của Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội, cho thấy nhóm từ 35 tuổi trở lên có nhu cầu tìm việc khá cao, chiếm 40,95%, chỉ sau nhóm từ 25 đến 34 tuổi (chiếm 48,86%).

Tuy nhiên, thống kê từ các phiên giao dịch việc làm tại Hà Nội từ đầu năm 2024 đến nay cho thấy, lao động ngoài 35 tuổi đang thật sự gặp khó khi vị trí tuyển dụng ít. Đơn cử, tại phiên giao dịch việc làm ở huyện Gia Lâm cuối tháng 6/2024, có 36 doanh nghiệp tham gia tuyển dụng 1.430 chỉ tiêu, nhu cầu tuyển nam - nữ không chênh lệch nhiều.

Cơ hội việc làm tập trung chủ yếu vào nhóm 18-25 tuổi với 41%, nhóm 26-35 tuổi với 35%, còn nhóm từ 35 tuổi trở lên là 24%. Tại phiên giao dịch ở quận Hai Bà Trưng vào tháng 4/2024 cũng tập trung chủ yếu vào nhóm 18-25 tuổi với 1.356 chỉ tiêu, chiếm 39,8% và nhóm tuổi 26-35 tuổi với 1.135 chỉ tiêu, chiếm 33,4%. Còn lại là nhu cầu tuyển lao động ở nhóm tuổi từ 35 tuổi trở lên với 912 chỉ tiêu.

Tương tự là phiên giao dịch việc làm lồng ghép tuyển dụng lao động là người khuyết tật, cơ hội việc làm ở nhóm tuổi 18-25 là 465/1.117 chỉ tiêu, chiếm 41,6%. Tiếp đó là nhóm 26-35 tuổi với 433/1.117 chỉ tiêu, chiếm 38,8%. Thấp nhất là nhu cầu tuyển lao động ở nhóm tuổi từ 35 trở lên, với 219 chỉ tiêu.

Tại phiên giao dịch việc làm lưu động ở các quận, huyện khác như: Mê Linh, Cầu Giấy, Ba Đình, Hoàn Kiếm hay tại huyện Ứng Hòa, Thạch Thất cũng không ngoại lệ khi nhóm tuổi từ 35 tuổi luôn nằm trong nhóm ít chỉ tiêu tuyển dụng, lao động nam có nhiều cơ hội việc làm hơn nữ.

Ông Vũ Quang Thành, Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội, cũng cho rằng, những người lao động ngoài 35 tuổi gặp khó khi xin việc rơi vào phân khúc lao động phổ thông. Ở phân khúc này, người lao động rất ít có điều kiện để nâng cao kiến thức, tay nghề trong khi yêu cầu thị trường ngày càng cao.

Theo quy luật cung-cầu, nếu tay nghề không đáp ứng được yêu cầu, họ sẽ không được tuyển dụng. Trong khi đó, nếu làm ở khu công nghiệp, ngoài 35 tuổi, sức khỏe của người lao động bắt đầu đi xuống và doanh nghiệp không "mặn mà" tuyển dụng đối tượng này nếu có lực lượng lao động trẻ dồi dào.

"Để đáp ứng yêu cầu của thị trường, người lao động phải trang bị cho mình kiến thức mới nhưng đây là thách thức bởi không phải ai cũng có điều kiện để làm điều này. Người lao động lớn tuổi có điều kiện đi học không? Có thời gian đi học, tiếp cận với công nghệ thông tin hiệu quả không? Trong khi họ còn gánh nặng cơm áo gạo tiền", ông Thành nói.

Theo ông Thành, cơ quan chức năng cần có thống kê về nhu cầu việc làm của nhóm người lao động ngoài 35 tuổi để từ đó có thể tạo điều kiện cho lao động tham gia các ngành nghề mới; đồng thời cần có chính sách hỗ trợ tài chính trong quá trình đào tạo lại, chuyển đổi nghề... để họ bắt kịp xu thế việc làm.

Anh Dũng

Nguồn Phụ Nữ VN: https://phunuvietnam.vn/chat-vat-tim-viec-o-tuoi-ngoai-35-20241008144744177.htm
Zalo