Lao động là công dân nước ngoài chỉ được hoạt động công đoàn tại cơ sở

Với 443/456 đại biểu có mặt tán thành, sáng 27-11, Quốc hội đã thông qua Luật Công đoàn (sửa đổi).

Các đại biểu Quốc hội biểu quyết thông qua Luật Công đoàn (sửa đổi). Ảnh: quochoi.vn

Các đại biểu Quốc hội biểu quyết thông qua Luật Công đoàn (sửa đổi). Ảnh: quochoi.vn

Trước khi các đại biểu Quốc hội biểu quyết thông qua, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Công đoàn (sửa đổi).

Bà Nguyễn Thúy Anh cho biết, có ý kiến đề nghị quy định chặt chẽ hơn về điều kiện gia nhập công đoàn của người lao động là công dân nước ngoài. Ủy ban Thường vụ Quốc hội thấy rằng, Khoản 5 Điều 4 quy định “Cán bộ công đoàn là công dân Việt Nam được bầu cử, tuyển dụng, bổ nhiệm, chỉ định để thực hiện các nhiệm vụ của tổ chức Công đoàn”, bao gồm cán bộ công đoàn chuyên trách và cán bộ công đoàn không chuyên trách.

Đối với người lao động là công dân nước ngoài khi gia nhập Công đoàn thì không được ứng cử, nhận đề cử làm cán bộ công đoàn và chỉ hoạt động công đoàn tại công đoàn cơ sở. Khoản 7 Điều 10 cũng quy định cấm “Lợi dụng quyền công đoàn để vi phạm pháp luật, xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp, cá nhân”.

Khoản 3 Điều 5 quy định “Việc thành lập, gia nhập và hoạt động công đoàn thực hiện theo quy định của Điều lệ Công đoàn Việt Nam, Luật này và quy định khác của pháp luật có liên quan”. Vì vậy, các điều kiện tự nguyện, tán thành tôn chỉ, mục đích của Công đoàn hay thời gian cư trú tại Việt Nam... sẽ được quy định cụ thể tại Điều lệ Công đoàn Việt Nam và do Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam hướng dẫn cụ thể. Do vậy, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Quốc hội cho giữ như quy định của dự thảo Luật.

Có ý kiến đề nghị quy định rõ hơn về địa vị pháp lý của tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp khi gia nhập Công đoàn Việt Nam, tổ chức này có phải giải thể, tổ chức lại, thay đổi vị trí, chức năng, nhiệm vụ hay không? Ủy ban Thường vụ Quốc hội thấy rằng, Điểm a Khoản 3 Điều 6 quy định rõ khi gia nhập Công đoàn Việt Nam thì tổ chức này đương nhiên chấm dứt hoạt động với tư cách tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp và không còn tồn tại tổ chức này.

Khoản 4 Điều 6 quy định mang tính nguyên tắc và giao Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam hướng dẫn thực hiện việc gia nhập Công đoàn của tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp. Nội dung như ý kiến của đại biểu Quốc hội nêu được Chính phủ quy định chi tiết theo quy định tại Khoản 2 Điều 172 của Bộ luật Lao động năm 2019. Do vậy, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Quốc hội cho giữ như quy định của dự thảo Luật.

Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh trình bày Báo cáo giải trình. Ảnh: quochoi.vn

Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh trình bày Báo cáo giải trình. Ảnh: quochoi.vn

Về việc miễn, giảm, tạm dừng đóng kinh phí công đoàn (Điều 30), bà Nguyễn Thúy Anh cho biết, việc miễn, giảm, tạm dừng kinh phí công đoàn có tác động trực tiếp đến việc cân đối nguồn tài chính công đoàn, bảo đảm nguồn lực cần thiết của toàn hệ thống công đoàn, phân phối kinh phí của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam.

Do đó, tiếp thu ý kiến của đại biểu, để bảo đảm phù hợp với nhiệm vụ, hoạt động thực tiễn của Công đoàn và đề xuất của Cơ quan soạn thảo, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo rà soát, thể hiện thống nhất về đối tượng được miễn, giảm, tạm dừng đóng kinh phí công đoàn, bổ sung quy định “Chính phủ thống nhất với Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam” khi quy định về việc miễn, giảm, tạm dừng đóng kinh phí công đoàn tại Điều 30 của dự thảo Luật.

Về quản lý, sử dụng tài chính công đoàn (Điều 31), để bảo đảm quyền lợi đối với cán bộ công đoàn, đoàn viên công đoàn và cả người lao động, phù hợp với khả năng của tài chính công đoàn, bảo đảm công khai, minh bạch, tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội và đề xuất của Cơ quan soạn thảo, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo rà soát, chỉnh lý quy định về nhiệm vụ chi của tài chính công đoàn; đồng thời giao Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam thẩm quyền phân cấp thu, phân phối kinh phí công đoàn.

Các đại biểu Quốc hội đã biểu quyết thông qua Luật Công đoàn (sửa đổi). Ảnh: quochoi.vn

Các đại biểu Quốc hội đã biểu quyết thông qua Luật Công đoàn (sửa đổi). Ảnh: quochoi.vn

Có ý kiến đề nghị cân nhắc việc quy định “Sau khi thống nhất với Chính phủ” khi Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam ban hành tiêu chuẩn, định mức, chế độ chi tiêu và quản lý, sử dụng tài chính công đoàn. Ủy ban Thường vụ Quốc hội thấy rằng, tài chính công đoàn được hình thành có nguồn từ ngân sách nhà nước cấp hỗ trợ và từ kinh phí công đoàn là do Nhà nước ấn định trong Luật. Việc giao cho Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam ban hành mà không có sự thống nhất với Chính phủ có thể dẫn đến việc cho rằng các chính sách do Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam ban hành không bám sát, cập nhật, thậm chí "thoát ly" các chính sách chung của Nhà nước.

Việc quy định như dự thảo Luật không đồng nghĩa với việc mọi chế độ, định mức cụ thể, chi tiết nào cũng phải có sự thống nhất của Chính phủ, Công đoàn vẫn có quyền chủ động trên cơ sở các nguyên tắc do Công đoàn và Chính phủ thống nhất xác lập (như hiện nay). Đây cũng là phương án lựa chọn của Chính phủ. Do đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Quốc hội cho được giữ như quy định của dự thảo Luật.

Đình Hiệp

Nguồn Hà Nội Mới: https://hanoimoi.vn/lao-dong-la-cong-dan-nuoc-ngoai-chi-duoc-hoat-dong-cong-doan-tai-co-so-685700.html
Zalo