Lao động cần thích ứng để chuyển đổi nghề nghiệp
Hôm Tết, đi đâu cũng nghe nhiều người kháo nhau, ra Giêng năm rộng tháng dài sẽ đổi nghề để có cuộc sống tốt hơn. Lý do thay đổi công việc cũng 'muôn hình vạn trạng', nhưng cốt lõi vẫn là doanh nghiệp đẩy mạnh ứng dụng công nghệ nên lao động có trình độ thấp chịu không nổi áp lực, phải chuyển nghề. Chuyện đổi nghề cũng không có chi đáng bàn, nhưng vấn đề là khá nhiều lao động không muốn nâng cao trình độ để tiếp tục đáp ứng nhu cầu doanh nghiệp, mà lại chọn làm lao động tự do để mưu sinh.

Lao động may ở Khu công nghiệp Phú Bài nâng cao năng suất lao động (ảnh minh họa)
Tôi nghe câu chuyện của anh Trần Văn Minh, công nhân làm trong ngành chế biến gỗ mà cảm thấy tiếc. Anh kể, thâm niên trong nghề gần 15 năm nhưng khi đơn vị chuyển sang sử dụng công nghệ, yêu cầu lao động như anh phải học thêm vài khóa đào tạo mới bố trí công việc thích hợp thì anh cảm thấy nhụt chí. Lý giải điều này anh cho rằng, thu nhập ở doanh nghiệp cũ chưa đến 10 triệu đồng/tháng, trong khi anh phải chi tiêu nhiều khoản cho các con đang tuổi ăn, tuổi lớn. Khó khăn với anh Minh vẫn là áp lực tài chính, trong khi học nâng cao tay nghề phải mất thời gian và một khoản đầu tư. Thế nên, anh xin nghỉ việc và chọn chạy xe công nghệ để có thu nhập ngay lập tức.
Vẫn biết nhiều lao động bị áp lực từ "cơm áo, gạo tiền" khiến họ không toàn tâm, toàn ý dành thời gian cho việc nâng cao kiến thức, kỹ năng. Điều này được phản ảnh rõ qua thống kê của Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, khi nhiều năm qua chỉ có chưa đầy 4% lao động mất việc tham gia học nghề. Hậu quả khiến nhiều lao động không đáp ứng được sự thay đổi của cơ cấu việc làm. Thế nên, khi doanh nghiệp thiếu đơn đặt hàng, lao động có trình độ cao được ưu tiên giữ lại, bởi họ có thể đảm nhận nhiều vị trí công việc hơn.
Tại sàn giao dịch việc làm đầu năm, nhiều doanh nghiệp cho rằng, lao động mất việc là lao động có trình độ tay nghề thấp. Vì thế, để họ quay trở lại thị trường lao động, ngoài các chính sách hỗ trợ, vấn đề cần quan tâm lớn nhất hiện nay là đào tạo nghề, nâng cao kỹ năng. Tuy nhiên, với lao động mất việc, phần lớn vẫn chọn hưởng trợ cấp thất nghiệp mà không tham gia học nghề. Không ít người có tâm lý lo ngại về khả năng không thành công trong việc chuyển đổi nghề nghiệp cũng là một trong những nỗi sợ phổ biến.
Thị trường lao động hiện có nhiều biến động. Có nghề mới xuất hiện, một số nghề mất đi hoặc chuyển hóa. Nhiều chuyên gia nhận định, bồi dưỡng chuyển đổi nghề cho lao động trong bối cảnh hiện nay là tất yếu để người lao động không bị gián đoạn về việc làm. Theo đánh giá của Cục Việc làm mới đây, thị trường lao động Việt Nam bước vào năm 2025 có rất nhiều kỳ vọng khi nền kinh tế Việt Nam là địa điểm thu hút FDI hấp dẫn hàng đầu khu vực và trên thế giới. Ngoài ra, việc sắp xếp, tinh gọn bộ máy được triển khai tích cực, hướng tới nền hành chính hiệu lực, hiệu quả.
Ngoài tư tưởng "ăn xổi ở thì" của không ít lao động khi không muốn học nghề để chuyển đổi nghề nghiệp, không ít lao động cho rằng, suốt thời gian dài họ thiếu thông tin về nhu cầu sử dụng, tuyển dụng lao động, nhu cầu đào tạo về số lượng, cơ cấu ngành nghề, trình độ của lao động của doanh nghiệp. Trong thời điểm hiện nay, thông tin về các ngành khoa học - kỹ thuật - công nghệ, ưu tiên cho công nghệ thông tin, công nghệ mới, công nghệ cao, các kỹ năng tương lai cũng cần được đẩy mạnh truyền thông, chia sẻ đến người lao động. Nhờ vậy, họ mới có dữ liệu để phân tích, dự báo nhân lực và nhu cầu kỹ năng tương lai.
Một khi thông tin được xác định cụ thể thì kế hoạch và phương án cung cấp nhân lực sẽ ngày càng tiệm cận với cầu của doanh nghiệp. Cả doanh nghiệp và người lao động sẽ chủ động hơn trong việc nâng cao năng lực học nghề đề đáp ứng nhu cầu của thị trường lao động.