Lào Cai phát triển hạ tầng kết nối năng lượng

Ngày 20/12/2024, Thủ tướng Chính phủ có Quyết định số 1620/QĐ-TTg về ban hành Kế hoạch triển khai xây dựng Lào Cai trở thành trung tâm kết nối giao thương kinh tế giữa Việt Nam và các nước ASEAN với vùng Tây Nam - Trung Quốc. Nhiệm vụ trọng tâm của tỉnh là phát triển nhanh kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ, hiện đại, bền vững, tăng tính kết nối vùng, miền, kết nối các cực tăng trưởng toàn quốc; kết hợp 3 kết nối trọng điểm là giao thông, kinh tế cửa khẩu và kết nối hạ tầng năng lượng.

 Hệ thống lưới điện 220 kV tại xã Sơn Hải, huyện Bảo Thắng.

Hệ thống lưới điện 220 kV tại xã Sơn Hải, huyện Bảo Thắng.

Cách đây 20 năm, nguồn điện năng của Lào Cai lệ thuộc hoàn toàn nguồn điện lưới quốc gia được cung cấp từ ngoài tỉnh. Nhà máy Thủy điện Cốc San là thủy điện đầu tiên trên địa bàn tỉnh hoàn thành và đưa vào vận hành cách đây khoảng 2 thập niên, có công suất siêu nhỏ (khi đó), chỉ 1,4 MW. Từ đó đến nay, công tác quy hoạch, triển khai quy hoạch, đầu tư, xây dựng các dự án thủy điện trên địa bàn tỉnh được triển khai rầm rộ; tiềm năng, lợi thế được khai thác, phát huy tích cực. Các công trường xây dựng thủy điện có ở khắp nơi, ban đầu là Bát Xát, tiếp đó là thị xã Sa Pa, Văn Bàn, Bắc Hà, Bảo Yên, Si Ma Cai.

 Đường điện cao thế 220 kV bắc qua sông Hồng khu vực xã Sơn Hải, huyện Bảo Thắng hướng về xã Phong Niên, nơi có trạm biến áp 500 kV.

Đường điện cao thế 220 kV bắc qua sông Hồng khu vực xã Sơn Hải, huyện Bảo Thắng hướng về xã Phong Niên, nơi có trạm biến áp 500 kV.

Theo số liệu của Sở Công Thương công bố mới đây, tỉnh Lào Cai có 130 điểm có thể xây dựng nhà máy thủy điện, với tổng công suất lắp máy 1.613,5 MW. Căn cứ vào quy hoạch được phê duyệt, đến nay, toàn tỉnh có 74 dự án thủy điện đã hoàn thành đầu tư với tổng công suất lắp máy 1.162 MW; 7 dự án thủy điện đang hoàn thiện các thủ tục pháp lý về đầu tư cải tạo, mở rộng công suất thêm 21,5 MW; có 8 dự án thủy điện đang thi công với tổng công suất 86,1 MW và 10 dự án mới đã được UBND tỉnh chấp thuận chủ trương đầu tư với tổng công suất lắp máy 92 MW.

 Nhà máy thủy điện Ngòi Phát (Bát Xát) có công suất 72 MW, phát điện lên lưới 110 kV.

Nhà máy thủy điện Ngòi Phát (Bát Xát) có công suất 72 MW, phát điện lên lưới 110 kV.

Ngoài ra, trong quy hoạch tỉnh Lào Cai còn có 38 dự án thủy điện diện nghiên cứu tiền khả thi có tổng công suất lắp máy 234,6 MW.

Mặc dù công suất các nhà máy chỉ từ vài MW đến khoảng 100 MW (Thủy điện Ngòi Phát, Thủy điện Bắc Hà) nhưng tổng công suất các nhà máy thủy điện vừa và nhỏ của tỉnh Lào Cai đang phát lên lưới điện quốc gia tương ứng 62% công suất phát điện của Nhà máy Thủy điện Hòa Bình - công trình thủy điện lớn nhất Đông Nam Á một thời (trước khi có Thủy điện Sơn La) và gấp10 lần công suất Nhà máy Thủy điện Thác Bà (Yên Bái).

 Một tổ máy của Nhà máy thủy điện Ngòi Phát.

Một tổ máy của Nhà máy thủy điện Ngòi Phát.

Với quy hoạch và tình hình thực hiện quy hoạch phát triển thủy điện như trên thì tỉnh Lào Cai vẫn còn nhiều tiềm năng khai thác mỏ “vàng trắng” từ các dòng sông, suối (riêng sông Hồng chưa được đầu tư xây dựng bậc thủy điện nào). Theo Quyết định số 316/QĐ-TTg về việc phê duyệt Quy hoạch tỉnh Lào Cai thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 do Thủ tướng Chính phủ ký ban hành ngày 29/3/2023 thì tổng công suất các nhà máy phát điện trên địa bàn Lào Cai khoảng 1.800 MW.

 Nguồn điện sản xuất tại Lào Cai hiện đang vượt quá nhu cầu điện năng của tỉnh.

Nguồn điện sản xuất tại Lào Cai hiện đang vượt quá nhu cầu điện năng của tỉnh.

Cùng với nguồn điện sản xuất tại chỗ, nguồn điện nhập khẩu qua Lào Cai, nguồn điện năng cung ứng từ các địa phương lân cận (như Lai Châu, Yên Bái, Hà Giang), Lào Cai sẽ là nơi hội tụ nguồn năng lượng lớn, vượt nhiều lần so với nhu cầu thực tế của tỉnh.

 Đường dây tải điện cao thế xây dựng tại Khu Công nghiệp Tằng Loỏng, huyện Bảo Thắng. Ảnh: Mạnh Dũng.

Đường dây tải điện cao thế xây dựng tại Khu Công nghiệp Tằng Loỏng, huyện Bảo Thắng. Ảnh: Mạnh Dũng.

Để chuẩn bị hạ tầng kết nối, Lào Cai đã và đang xây dựng mới, cải tạo, nâng cấp các trạm biến áp và mạng lưới đường dây chuyển tải đồng bộ với điện áp 500 kV, 220 kV, 110 kV có tính kết nối vùng, liên vùng cao, đảm bảo cung ứng nguồn điện lớn cho các tỉnh vùng đồng bằng châu thổ sông Hồng.

 Thợ điện bảo dưỡng đường dây 220 kV tại khu vực Khu Công nghiệp Tằng Loỏng, huyện Bảo Thắng. Ảnh: Mạnh Dũng.

Thợ điện bảo dưỡng đường dây 220 kV tại khu vực Khu Công nghiệp Tằng Loỏng, huyện Bảo Thắng. Ảnh: Mạnh Dũng.

Đến nay, tỉnh Lào Cai được đầu tư và đã hoàn thành 1 trạm biến áp 500 kV tại xã Phong Niên (Bảo Thắng); đầu tư và đưa vào vận hành, khai thác 2 trạm biến áp 220 kV với tổng công suất 1.000 kVA và hơn 160 km đường dây tải điện 220 kV. Hệ thống năng lượng cao thế của tỉnh còn được đầu tư 32 đường dây, nhánh rẽ với tổng chiều dài 315 km đường dây tải điện 110 kV và 10 trạm, 22 máy biến áp có điện áp tương ứng.

 Đường dây tải điện cao thế phục vụ sản xuất tại Khu Công nghiệp Tằng Loỏng, huyện Bảo Thắng. Ảnh: Mạnh Dũng.

Đường dây tải điện cao thế phục vụ sản xuất tại Khu Công nghiệp Tằng Loỏng, huyện Bảo Thắng. Ảnh: Mạnh Dũng.

Đặc biệt, năm 2019, Chính phủ phê duyệt đầu tư Dự án đường dây 500 kV Lào Cai - Vĩnh Yên nhằm giải tỏa công suất thủy điện khu vực Tây Bắc và dự phòng tải nguồn điện năng nhập khẩu.

Theo đó, quy mô dự án đường dây tải điện 500 kV Lào Cai - Vĩnh Yên gồm 2 mạch, tổng chiều dài đường dây 210 km, điểm bắt đầu từ trạm biến áp 500 kV tại xã Phong Niên (huyện Bảo Thắng), qua huyện Bảo Yên, qua tỉnh Yên Bái, Phú Thọ, tới điểm cuối tại Vĩnh Yên (tỉnh Vĩnh Phúc). Tại Lào Cai, chiều dài đường dây 500 kV dự kiến 49,47 km, gồm 100 vị trí móng cột, tổng diện tích đất phải thu hồi cho hành lang an toàn đường dây và xây dựng các chân cột điện lên tới 173,33 ha, trong đó riêng đất dành cho xây dựng chân cột điện lên tới 18,07 ha.

 Lào Cai hiện có 160 km đường dây tải điện 220 kV. Ảnh: Mạnh Dũng.

Lào Cai hiện có 160 km đường dây tải điện 220 kV. Ảnh: Mạnh Dũng.

Đường dây tải điện 500 kV ảnh hưởng đến nơi ở, đời sống, sản xuất của hàng trăm hộ dân tại huyện Bảo Thắng, Bảo Yên nhưng vì lợi ích quốc gia, vì sự hưng thịnh, phát triển đất nước, các hộ dân liên quan đều đồng thuận cao, sẵn sàng phối hợp đo đạc, phân mốc giới, thống kê, đền bù, bàn giao, giải phóng mặt bằng. Sau chưa đến 2 tuần triển khai dự án với tiến độ “thần tốc”, việc phân mốc, thống kê, áp giá đã hoàn thành tại 100 vị trí chân cột thuộc huyện Bảo Thắng và Bảo Yên, vượt 1 tuần so với cam kết của Lào Cai với chủ đầu tư.

 Công nhân kỹ thuật lành nghề Lào Cai kiểm tra vận hành tại trạm biến áp 110 kV.

Công nhân kỹ thuật lành nghề Lào Cai kiểm tra vận hành tại trạm biến áp 110 kV.

Chính phủ yêu cầu các địa phương hoàn thành việc thống kê, áp giá, giải phóng mặt bằng để đảm bảo tiến độ triển khai Dự án. Tuy nhiên, xác định rõ tầm quan trọng của công trình trọng điểm quốc gia, đường dây tải điện 500 kV Lào Cai - Vĩnh Yên, tỉnh Lào Cai đang nỗ lực phấn đấu đến ngày 15/2 có thể bàn giao toàn bộ mặt bằng thi công dự án cho chủ đầu tư, vượt yêu cầu khoảng 2 tháng.

 Cán bộ cơ sở huyện Bảo Thắng và đại diện chủ đầu tư kiểm tra mốc giới xây dựng vị trí cột 500 kV.

Cán bộ cơ sở huyện Bảo Thắng và đại diện chủ đầu tư kiểm tra mốc giới xây dựng vị trí cột 500 kV.

 Cán bộ xã Xuân Thượng (Bảo Yên), chủ rừng và chủ đầu tư thống kê, đền bù, áp giá cây trồng tại vị trí xây dựng cột điện thuộc đường dây 500 kV Lào Cai - Vĩnh Yên.

Cán bộ xã Xuân Thượng (Bảo Yên), chủ rừng và chủ đầu tư thống kê, đền bù, áp giá cây trồng tại vị trí xây dựng cột điện thuộc đường dây 500 kV Lào Cai - Vĩnh Yên.

Hiện, phần việc còn lại là giải phóng mặt bằng tuyến hành lang, chưa kể việc thi công đường công vụ (do chủ đầu tư thực hiện) có khối lượng rất lớn, phạm vi ảnh hưởng rộng, nhiều hộ dân nhưng với quyết tâm chính trị rất cao, sự chỉ đạo quyết liệt của UBND tỉnh Lào Cai, các huyện Bảo Thắng, Bảo Yên và các ngành, đơn vị liên quan đã sớm xây dựng các kế hoạch, phương án thực hiện, đảm bảo hoàn thành đúng tiến độ được giao. Đây cũng là phần việc ý nghĩa, quan trọng, góp phần nâng tầm vị trí, vai trò, vị thế của tỉnh Lào Cai trong kết nối năng lượng vùng.

 Các cơ quan chuyên môn huyện Bảo Yên được giao tham gia Dự án đường dây 500 kV làm việc bất kể ngày đêm với mục tiêu vượt tiến độ của UBND tỉnh đề ra.

Các cơ quan chuyên môn huyện Bảo Yên được giao tham gia Dự án đường dây 500 kV làm việc bất kể ngày đêm với mục tiêu vượt tiến độ của UBND tỉnh đề ra.

Chính phủ vừa có kế hoạch điều chỉnh thời điểm khởi công Dự án xây dựng đường dây tải điện 500 kV Lào Cai - Vĩnh Yên từ quý II lên quý I năm 2025 và mốc hoàn thành dự án trước ngày 2/9/2025.

Thực hiện sự chỉ đạo của UBND tỉnh về đẩy nhanh tiến độ, huyện Bảo Thắng và Bảo Yên cam kết sẽ hoàn thành việc chi trả tiền đền bù và bàn giao mặt bằng xây dựng cột điện 500 kV trước ngày 20/1/2025.

Cao Cường

Nguồn Lào Cai: https://baolaocai.vn/lao-cai-phat-trien-ha-tang-ket-noi-nang-luong-post395819.html
Zalo