Lào Cai nguyện làm theo Di chúc của Người

Trước khi đi xa, Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu đã để lại cho toàn Đảng, toàn dân một bản Di chúc vĩ đại, gửi gắm tâm nguyện, niềm tin và tình cảm thắm thiết, thân tình. Đối với Lào Cai, những lời Người dặn đã trở thành lời dạy, là ngọn đuốc soi đường cho vùng biên vững bước đi lên, phát triển bền vững.

Giữa đất trời vào thu, chúng tôi tìm về thôn Bản Trang, xã Cốc Mỳ (huyện Bát Xát). Bên bờ sông Hồng lộng gió, ngắm những triền xanh mới cảm thán biết bao sự nỗ lực của cư dân vùng biên đang từng ngày, từng giờ trở thành “cột mốc sống”, gìn giữ từng tấc đất quê hương, biến dải đất một thời đạn bom trở thành vùng quê trù phú.

Năm 1991, dải đất ven sông bắt đầu nhịp sống mới trở lại sau một thời gian dài hoang hóa với 17 hộ chủ yếu từ thôn Nậm Chỏn xuống đây lập thôn theo chính sách di dân ra biên giới. Ông Lý A Bầy, Bí thư Chi bộ thôn nhớ lại: Thuở mới về đây, đâu đâu cũng chỉ lau sậy um tùm, không một mái nhà. Khó khăn, gian nan là vậy nhưng cấp ủy đảng, chính quyền và người dân động viên, đồng lòng vượt khó. Việc đầu tiên làm là khai phá ruộng nương để trồng ngô, lúa.

Từ những triền đồi hoang hoải, um tùm lau sậy, vắng bóng người lại qua, giờ đây, cả thôn có hơn 60 hộ, hơn 200 nhân khẩu. Chi bộ thôn đã bám sát nghị quyết của cấp ủy các cấp để lãnh đạo, tuyên truyền, vận động người dân phát triển kinh tế - xã hội. Nghị quyết dẫn đường, người dân đồng thuận, nơi đây giờ không chỉ có những ruộng lúa, nương ngô mà còn có hơn 61 ha dứa, cùng với việc đẩy mạnh chăn nuôi, phát triển thủy sản...

Ở huyện biên giới cửa ngõ Bảo Thắng, sự lãnh đạo của Đảng bộ huyện với những quyết sách đúng, trúng, hợp lòng dân đã viết lên những đổi thay to lớn. Nhớ lời Bác căn dặn, địa phương luôn đặc biệt chú trọng đến việc quan tâm, chăm lo đời sống Nhân dân, trong mọi quyết sách đưa ra luôn lấy dân làm gốc.

Tiềm năng, thế mạnh để phát triển kinh tế được địa phương khai mở và phát huy mạnh mẽ. Chính sách đi vào đời sống, bà con tin tưởng sự lãnh đạo của Đảng mà ra sức thi đua, hăng say lao động, sản xuất. Toàn huyện có vùng sản xuất rau hơn 1.600 ha; hơn 500 ha chè, hơn 9.000 ha quế. Những thôn, xã ven sông mỗi mùa lại ngập tràn hoa trái, với hơn 3.000 ha cây ăn quả các loại. Bảo Thắng cũng là vùng chăn nuôi lớn của tỉnh với các loại gia súc, gia cầm, thủy sản. Giá trị thu nhập bình quân trên 1 ha canh tác đạt 110 triệu đồng/năm; thu nhập bình quân đầu người đạt 72,8 triệu đồng/năm; huyện còn 4,72 % hộ nghèo; tỷ lệ hộ khá, giàu chiếm 46,35%. Năm 2020, Bảo Thắng là huyện đầu tiên của tỉnh đạt chuẩn huyện nông thôn mới và đang phấn đấu đạt chuẩn huyện nông thôn mới nâng cao...

Thực hiện lời Người căn dặn trong Di chúc: “Đảng cần phải có kế hoạch thật tốt để phát triển kinh tế và văn hóa, nhằm không ngừng nâng cao đời sống của Nhân dân”, 55 năm qua, Đảng bộ và Nhân dân các dân tộc tỉnh Lào Cai luôn năng động, sáng tạo, không ngừng nỗ lực vượt qua khó khăn, thử thách, phấn đấu và đạt nhiều thành tựu trong công cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước cũng như trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ quê hương.

Trong suốt chặng đường 55 năm thực hiện Di chúc của Người (1969 - 2024), mặc dù trải qua các giai đoạn với nhiều khó khăn, thử thách nhưng Đảng bộ tỉnh luôn đề ra các chương trình, kế hoạch phù hợp với yêu cầu và đòi hỏi của thực tiễn để không ngừng nâng cao đời sống Nhân dân với tư tưởng xuyên suốt và hàng đầu: “Lấy dân làm gốc”. Đặc biệt, kể từ khi thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ IX và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XII đến Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI, Lào Cai có cách làm mới, sáng tạo trong công tác lãnh đạo và là một số ít địa phương ban hành và triển khai thực hiện các chương trình công tác trọng tâm toàn khóa gắn với kế hoạch, đề án, nghị quyết chuyên đề.

Các chương trình, đề án trọng tâm là sản phẩm trí tuệ tập thể của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, thể hiện tư duy và tầm nhìn chiến lược, vừa tập trung giải quyết những khó khăn trước mắt, vừa hướng vào khai thác những tiềm năng, thế mạnh nổi trội của tỉnh để tạo ra sự đột phá, đáp ứng với yêu cầu đổi mới, phát triển của địa phương trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Các quyết sách của Đảng bộ tỉnh luôn hướng đến mục tiêu vì sự ấm no, hạnh phúc của Nhân dân. Riêng trong nhiệm kỳ 2020 - 2025, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh đề ra mục tiêu phấn đấu đến năm 2030 Lào Cai trở thành tỉnh khá, đến năm 2045 trở thành tỉnh phát triển của cả nước. Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XVI đã cụ thể bằng 18 đề án cùng với 24 mục tiêu, 7 nhiệm vụ trọng tâm, 9 nhóm giải pháp và 2 khâu đột phá. Nhiều đề án, chương trình kinh tế - xã hội được triển khai hiệu quả, làm thay đổi diện mạo từ thành thị đến nông thôn. Công tác củng cố quốc phòng, an ninh, đối ngoại và hợp tác quốc tế, xây dựng Đảng và hệ thống chính trị được coi trọng và thực hiện đạt nhiều kết quả to lớn.

Lần dở cuốn “Lào Cai làm theo lời Bác” còn lưu lại những bút tích xúc động của đồng chí Hoàng Trường Minh, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban Hành chính tỉnh Lào Cai trong giờ phút tiễn biệt vị lãnh tụ vĩ đại của dân tộc cách đây 55 năm, có viết: “Núi Hoàng Liên có cao, sông Hồng Hà có dài, nhưng công ơn Bác Hồ không núi sông nào sánh nổi”. Cùng với đó là 4 lời thề của Đảng bộ và Nhân dân các dân tộc Lào Cai, trong đó có lời thề “Kiên trì vận dụng lời Bác chỉ dẫn cho Lao Cai để đưa tỉnh miền núi Lao Cai tiến kịp miền xuôi…”. Cho đến hôm nay, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân các dân tộc Lào Cai luôn giữ trọn lời thề với Bác.

Nguyện làm theo Di chúc của Người, vùng biên Lào Cai hôm nay bừng sáng, đời sống Nhân dân ngày càng thêm ấm no. Từ 1 trong 6 tỉnh nghèo nhất cả nước (năm 1991), giờ đây Lào Cai trở thành tỉnh phát triển của khu vực Trung du và miền núi phía Bắc. Quy mô nền kinh tế của tỉnh có sự tăng trưởng khá, hết năm 2023 đạt gần 74.000 tỷ đồng, đứng thứ 4/14 tỉnh Trung du và miền núi phía Bắc. Thu ngân sách trên địa bàn đạt gần 10.000 tỷ đồng. Tỷ lệ hộ nghèo đa chiều giảm bình quân 4,43%/năm. Công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị, công tác quốc phòng, an ninh, đối ngoại đạt kết quả toàn diện.

Năm 2023, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tỉnh Lào Cai thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, trong đó xác định 3 khâu đột phá; bố trí không gian phát triển trên cơ sở tập trung phát triển 1 trục động lực, 2 cực phát triển, 3 vùng kinh tế, 4 trụ cột và 5 nhiệm vụ trọng tâm. Đây là tiền đề quan trọng để phấn đấu đưa Lào Cai trở thành cực tăng trưởng, trung tâm kết nối giao thương giữa ASEAN với Việt Nam và vùng Tây Nam Trung Quốc.

Đồng chí Dương Đức Huy, Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy khẳng định: Suốt hành trình 55 năm qua, di huấn của Bác trong bản Di chúc lịch sử, cùng với những điều Người căn dặn đối với Đảng bộ và đồng bào Lào Cai cách đây 66 năm khi người lên thăm Lào Cai vẫn vẹn nguyên giá trị. Đó không chỉ là “kim chỉ nam”, là “ngọn hải đăng” dẫn đường cho Đảng bộ và Nhân dân Lào Cai vượt qua khó khăn, thách thức mà còn là văn kiện quan trọng, có giá trị định hướng cho sự phát triển của Lào Cai hôm nay và mai sau.

Quỳnh Trang

Nguồn Lào Cai: https://baolaocai.vn/lao-cai-nguyen-lam-theo-di-chuc-cua-nguoi-post389312.html
Zalo