Lãnh đạo tỉnh Đồng Nai đối thoại với người dân trồng rừng phòng hộ

Lãnh đạo UBND tỉnh Đồng Nai có cuộc tiếp và đối thoại với người dân trồng rừng tại Ban quản lý rừng phòng hộ Xuân Lộc để giải quyết những kiến nghị, vướng mắc của dân.

Ngày 27-12, lãnh đạo UBND tỉnh Đồng Nai cùng sở, ngành, đại diện UBND huyện Xuân Lộc có buổi tiếp và đối thoại với 82 công dân xã Xuân Tâm, huyện Xuân Lộc, hiện đang canh tác đất liên quan đến Ban Quản lý rừng phòng hộ Xuân Lộc.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai Nguyễn Thị Hoàng chủ trì buổi tiếp và đối thoại.

Tại cuộc đối thoại, người dân nêu ý kiến về nguồn gốc đất. Cụ thể, từ năm 1987, các hộ dân ký hợp đồng liên kết với Lâm trường Xuân Lộc. Nhiều hộ cũng tự khai hoang, trồng cây rừng, cây sao đen, dầu rái, tự tổ chức sản xuất, nộp thuế nông nghiệp đầy đủ.

Do đó, các hộ dân đề nghị các cấp thẩm quyền xem xét cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho từng hộ.

Ngoài ra, cây rừng do người dân tự bỏ vốn đầu tư trồng. Tuy nhiên, khi khai thác rừng do người dân tự bỏ vốn đầu tư thì bị cơ quan chức năng cho rằng là khai thác rừng trái pháp luật

 Đại diện người dân trồng rừng nêu kiến nghị tại buổi đối thoại. Ảnh: VH

Đại diện người dân trồng rừng nêu kiến nghị tại buổi đối thoại. Ảnh: VH

Trả lời ý kiến của người dân, ông Lê Văn Gọi, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT cho rằng Lâm trường Xuân Lộc được thành lập vào năm 1977 theo quyết định của Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai, với tổng diện tích được giao quản lý hơn 18.350 ha.

Vào những năm 1985-1986, một số hộ dân tộc Mán đến khai phá rừng làm rẫy ở khu vực phân trường 5, sát hồ Núi Le (nay là khu vực tiểu khu 206, phân trường Núi Le) nên lực lượng bảo vệ rừng kiểm tra ngăn chặn.

Sau đó, những người này đã chuyển đến khu vực rừng tự nhiên thuộc tiểu khu 204, 205, phân trường Trản Táo (xã Xuân Tâm) để phát rừng làm rẫy.

Lực lượng lâm trường và phân trường Trản Táo đã tổ chức kiểm tra ngăn chặn, giải tỏa nhưng các hộ dân vẫn tiếp tục lén lút khai phá rừng làm rẫy theo kiểu “da beo”.

Để ngăn chặn tình trạng phá rừng, phục hồi diện tích rừng đã bị phá, ổn định đời sống và sản xuất cho bà con, năm 1987, UBND tỉnh Đồng Nai có quyết định cho phép Lâm trường Xuân Lộc làm hợp đồng giao khoán trồng rừng theo mô hình nông lâm kết hợp theo hình thức hợp đồng tập thể.

 Ông Hoàng Đình Long, Giám đốc Ban Quản lý rừng phòng hộ Xuân Lộc nêu thông tin tại cuộc đối thoại. Ảnh: VŨ HỘI

Ông Hoàng Đình Long, Giám đốc Ban Quản lý rừng phòng hộ Xuân Lộc nêu thông tin tại cuộc đối thoại. Ảnh: VŨ HỘI

Trong giai đoạn 1985-1993, UBND tỉnh Đồng Nai điều chỉnh lại diện tích của lâm trường, cắt một phần đất lâm trường chuyển giao cho địa phương quản lý nhưng các khu vực làng Mán, làng Tàu (thuộc ấp Gia Ui, xã Xuân Tâm) và ấp 3, xã Xuân Hưng, huyện Xuân Lộc, vẫn nằm trong phạm vi ranh giới của lâm trường.

Tuy nhiên, nhận thấy toàn bộ diện tích hơn 412 ha khu vực làng Mán, làng Tàu không đạt tiêu chí là rừng phòng hộ. Do đó, Ban Quản lý rừng phòng hộ Xuân Lộc có Tờ trình gửi Sở NN&PTNT Đồng Nai xin chủ trương, rà soát chuyển đổi quy hoạch rừng phòng hộ thành quy hoạch rừng sản xuất.

Hiện nay, tại khu khu vực làng Mán (tiểu khu 204 và một phần tiểu khu 205), làng Tàu (tiểu khu 205), phân trường Trản Táo có 149 hộ đang canh tác trên diện tích đất hơn 412 ha đất được nhà nước giao cho Ban quản lý rừng phòng hộ Xuân Lộc. Riêng Làng Mán, Làng Tàu có hợp đồng khoán 139 hộ, chưa có hợp đồng khoán 10 hộ.

Về việc khai thác cây rừng, đại diện Sở NN&PTNT cho biết tại Nghị định 156/2018 quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Lâm nghiệp (được sửa đổi, bổ sung tại Nghị định 91/2025), quy định: Khai thác chọn cây trồng chính với cường độ mỗi lần không quá 20% trữ lượng trong lô, sau khai thác bảo đảm độ tàn che tối thiểu là 0,6 và phân bố đều trong lô. Khai thác trắng theo đám với diện tích đám khai thác không quá 3 ha, tổng diện tích khai thác hằng năm không vượt quá 20% tổng diện tích rừng”.

 Quang cảnh buổi tiếp và đối thoại. Ảnh: VH

Quang cảnh buổi tiếp và đối thoại. Ảnh: VH

Kết luận buổi làm việc, bà Nguyễn Thị Hoàng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai, ghi nhận kiến nghị của người dân.

Để làm rõ hơn những nội dung kiến nghị của người dân theo đúng quy định, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai giao Thanh tra tỉnh rà soát lại hồ sơ để kiểm tra, đánh giá xem có đủ điều kiện để thanh tra lại vụ việc.

Lãnh đạo UBND tỉnh cũng yêu cầu Sở NN&PTNT phối hợp UBND huyện Xuân Lộc hướng dẫn quy trình, thủ tục khai thác cây trồng để giải quyết cho các hộ theo đúng quy định.

Đồng thời, giao UBND huyện Xuân Lộc chủ trì phối hợp với Sở NN&PTNT, Ban Quản lý rừng phòng hộ Xuân Lộc rà soát về hoàn cảnh, đối tượng, tiêu chí... để đề xuất được hưởng các chế độ chính sách hiện hành.

 Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai kết luận tại buổi tiếp và đối thoại với người dân. Ảnh: VH

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai kết luận tại buổi tiếp và đối thoại với người dân. Ảnh: VH

Phó Chủ tịch UBND tỉnh giao UBND huyện Xuân Lộc chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan rà soát các chính sách về đất đai cho bà con và các chính sách hỗ trợ khác theo Nghị quyết của HĐND tỉnh Đồng Nai.

Trước đó, PLO đã có bài viết: "Để xử lý dứt điểm nạn chặt phá rừng phòng hộ ở Đồng Nai" và "Để xử lý dứt điểm nạn chặt phá rừng phòng hộ ở Đồng Nai: Sẽ sửa đổi, bổ sung các quy định" nêu nội dung vướng mắc về các quy định của Luật Lâm nghiệp, Luật bảo vệ rừng, Nghị định, Thông tư.

Do đó, UBND tỉnh Đồng Nai và Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Nai đã có nhiều văn bản gửi Bộ NN&PTNT về việc hướng dẫn địa phương trong quản lý, sử dụng đất đai trong các Nông lâm trường.

Tuy nhiên, Bộ NN&PTNT vẫn chưa có văn bản hướng dẫn cụ thể nên đến nay những kiến nghị vướng mắc của người dân được giao khoán trồng rừng trong rừng phòng hộ Xuân Lộc chưa thể giải quyết dứt điểm.

VŨ HỘI

Nguồn PLO: https://plo.vn/video/lanh-dao-tinh-dong-nai-doi-thoai-voi-nguoi-dan-trong-rung-phong-ho-post827191.html
Zalo