Lãnh đạo thời chuyển đổi số phải sẵn sàng thích ứng, không ngại thay đổi

Giảng bài cho các cán bộ quản lý cấp trưởng của Bộ TT&TT, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng chỉ rõ một phẩm chất cần có của người lãnh đạo thời chuyển đổi số là hiểu và dung được sự thay đổi, không ngại thay đổi.

Tạo ra thói quen lúc nào cũng học

Ngày 30/7, tại Hà Nội, trong khuôn khổ chương trình bồi dưỡng, cập nhật kiến thức, kỹ năng cho cán bộ quản lý cấp Vụ trưởng và tương đương thuộc Bộ TT&TT năm 2024, Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng đã trực tiếp đứng lớp, giảng bài cho cán bộ lãnh đạo cấp trưởng của 34 cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp trong Bộ.

Phiên bồi dưỡng chuyên đề “Bàn về lãnh đạo thời chuyển đổi số” còn có sự tham dự của các Thứ trưởng Bộ TT&TT Phạm Đức Long, Phan Tâm, Nguyễn Huy Dũng.

Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng giảng chuyên đề “Bàn về lãnh đạo thời chuyển đổi số" cho các cán bộ lãnh đạo cấp trưởng của 34 cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp thuộc Bộ TT&TT. Ảnh: Lê Anh Dũng

Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng giảng chuyên đề “Bàn về lãnh đạo thời chuyển đổi số" cho các cán bộ lãnh đạo cấp trưởng của 34 cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp thuộc Bộ TT&TT. Ảnh: Lê Anh Dũng

Nhấn mạnh sự cần thiết của việc định kỳ hàng năm cập nhật kiến thức, kỹ năng cho các lãnh đạo cấp trưởng đơn vị trong Bộ TT&TT, Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng chỉ rõ: Việc này sẽ giúp tránh tình trạng “Tân quan, tân chính sách” khi có sự thay đổi lãnh đạo, đồng thời cũng nhắc lại kiến thức cũ, bổ sung một số kiến thức mới cho đội ngũ này.

Không chỉ với các cán bộ lãnh đạo, người đứng đầu ngành TT&TT cho rằng, cần định kỳ hàng quý tổ chức các chương trình đào tạo nhỏ qua nền tảng MOOCs cho những nhóm đối tượng khác nhau để thường xuyên bổ sung kiến thức, và quan trọng hơn là tạo thói quen học tập cho các cán bộ, công chức, viên chức và người lao động. Bộ trưởng cũng gợi ý cách làm là Vụ Tổ chức cán bộ có thể phối hợp với VTC để xây dựng chương trình dạng game, có kiểm tra đánh giá.

Trong hơn 3 tiếng của phiên bồi dưỡng lãnh đạo cấp trưởng đơn vị thuộc Bộ, điểm mấu chốt, thông điệp quan trọng mà Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng truyền tải tới các học viên là người lãnh đạo thời chuyển đổi cần tư duy theo chữ “và” thay vì chữ “hoặc”. Bởi lẽ, bản chất cuộc sống là chữ “và”, mọi người cùng tồn tại, cùng sống, cùng làm việc và cùng hưởng thụ.

Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng mong muốn các cán bộ lãnh đạo cấp trưởng sẽ có thêm nhiều nhận thức mới từ lớp bồi dưỡng. Ảnh: Lê Anh Dũng

Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng mong muốn các cán bộ lãnh đạo cấp trưởng sẽ có thêm nhiều nhận thức mới từ lớp bồi dưỡng. Ảnh: Lê Anh Dũng

Dẫn ra nhiều minh chứng từ chính trải nghiệm, quan sát của bản thân, Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng khẳng định: Làm lãnh đạo thì phải dung được người; Làm lãnh đạo thời chuyển đổi số thì phải dung được sự thay đổi. Tuy nhiên, sự chấp nhận người khác, chấp nhận sự thay đổi phải dựa trên cơ sở thấy được cái hay, sự đóng góp của người khác; Hiểu thay đổi là xu thế, thấy được cái hay của sự thay đổi để không ngại, sợ thay đổi.

Tư duy theo chữ “và” cũng được thể hiện rõ trong nội dung chính được Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng chọn phân tích, lý giải kỹ càng với các học viên tham gia lớp bồi dưỡng, đó là khác nhau triết lý Đông - Tây thông qua hàng loạt cặp phạm trù thể hiện 2 lối tư duy khác biệt nhưng có sự bổ trợ cho nhau gồm Suy luận và Trực giác; Phân tích và Tổng hợp; Chủ thể và Khách thể; Mâu thuẫn và Hòa đồng; Tri và Hành; Duy và Tương; Động và Tĩnh; Ngoại và Nội...

Với mỗi cặp phạm trù nêu trên, bên cạnh chỉ ra những khác biệt trong lối tư duy của người phương Đông và người phương Tây, thông qua các ví dụ trực quan, Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng đã chỉ ra cho các học viên cách vận dụng đúng là phối 2 cách tư duy này để chúng bổ sung cho nhau, từ đó nâng cao hiệu quả trong công việc và cuộc sống.

Đơn cử như, với “Suy luận và Trực giác”, người phương Tây tư duy logic, họ đi đến kết luận qua các suy luận trung gian. Trong khi người phương Đông đi thẳng đến kết luận bằng trực giác. Cách vận dụng là sử dụng phối hợp người suy nghĩ theo 2 cách này để đổi mới tổ chức, cụ thể là khuyến khích người tư duy trực giác đưa ra các ý tưởng sáng tạo, dùng người tư duy logic để đánh giá, sàng lọc ý tưởng. Các việc thường xuyên, ổn định thì dùng tư duy logic, và dùng trực giác cho cho những việc mới.

Đối với cặp “Phân tích và Tổng hợp”, Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng giải thích: Phân tích là việc chia nhỏ để dễ hiểu hơn, tổng hợp là quá trình cộng lại để hiểu.

“Làm lãnh đạo thì phải chia việc ra, nhưng cũng cần nhớ là phải cộng lại để hiểu tổng thể, tạo ra giá trị cuối cùng. Cuộc sống cần cả phân tích, tổng hợp và người lãnh đạo phải làm cả 2 việc này”, Bộ trưởng Bộ TT&TT khuyến nghị.

Làm lãnh đạo thời chuyển đổi số giống như lái ô tô

Bên cạnh thông điệp cần thấy được cái hay, dung và sử dụng phối hợp được cả 2 lối tư duy phương Đông và phương Tây, người đứng đầu ngành TT&TT cũng lưu ý các học viên về “Học hỏi và học hành”.

Theo đó, hiện nay học qua hỏi là chính, lấy tri thức giờ đây chủ yếu qua hỏi, không phải qua đọc; Và hành là cách học tốt nhất. Thời chuyển đổi số, logic ngược lại so với trước đây. Thay vì học trước, hỏi và hành sau; Logic bây giờ là hành, gặp khó thì hỏi, dùng câu trả lời nhận được để xử lý công việc và sau khi thấy hay thì học, đọc sâu.

Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng và các Thứ trưởng chụp ảnh lưu niệm cùng học viên tham dự lớp bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng. Ảnh: Lê Anh Dũng

Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng và các Thứ trưởng chụp ảnh lưu niệm cùng học viên tham dự lớp bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng. Ảnh: Lê Anh Dũng

Đánh giá rằng, hỏi để lấy được thông tin mình cần là việc không dễ, Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng cũng nhận xét: Những người biết hỏi là những người làm, và khi gặp khó thì mới hỏi. Ngoài lưu ý phải có kỹ năng khi hỏi trợ lý ảo, Bộ trưởng Bộ TT&TT còn nhắc các cán bộ lãnh đạo việc sử dụng ChatGPT và trợ lý ảo của đơn vị mình. Theo đó, dùng ChatGPT khi tìm hiểu các kiến thức chung, và dùng trợ lý ảo chuyên ngành của đơn vị khi xử lý công việc.

Đáng chú ý, người đứng đầu ngành TT&TT nhận xét, làm lãnh đạo thời chuyển đổi số hơi giống với lái ô tô, cần làm tốt 3 việc, trong đó đầu tiên là xác định đúng tầm nhìn, đích đến; Xử lý tốt các tình huống hàng ngày để không xảy ra tai nạn; Cuối cùng là cần đi nhanh.

Ngoài ra, qua việc chỉ rõ những khác biệt căn bản giữa ứng dụng CNTT và chuyển đổi số, Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh, người lãnh đạo thời chuyển đổi số cần chuyển từ tư duy ứng dụng CNTT sang tư duy chuyển đổi số. Khi hiểu rõ sự khác biệt này, lãnh đạo tổ chức có thể vận dụng, giải quyết được nhiều vấn đề.

Vân Anh

Lê Anh Dũng

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/lanh-dao-thoi-chuyen-doi-so-phai-san-sang-thich-ung-khong-ngai-thay-doi-2307045.html
Zalo