Lãnh đạo Mỹ - Nhật khẳng định bảo vệ di sản của cựu Thủ tướng Abe
Ông Abe Shinzo, khi đương nhiệm Thủ tướng Nhật Bản, tháng 4/2015. Ảnh: AFP/TTXVN
* Cảnh sát Nhật Bản làm rõ động cơ của đối tượng tấn công ông Abe
Ngày 9/7, Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio đã có cuộc điện đàm với Tổng thống Mỹ Joe Biden.
Theo hãng tin Kyodo, tại cuộc điện đàm, Tổng thống Biden đã gửi lời chia buồn tới chính phủ, nhân dân và gia đình trước việc cựu Thủ tướng Abe Shinzo qua đời do bị tấn công trong lúc vận động tranh cử cho một ứng cử viên của Đảng Dân chủ Tự do (LDP) cầm quyền trước đó một ngày.
Phát biểu với báo giới, Thủ tướng Kishida cho biết ông đã khẳng định với Tổng thống Biden rằng Tokyo sẵn sàng bảo vệ nền dân chủ và không nhượng bộ với bạo lực.
Nhà Trắng dẫn lời Tổng thống Biden nhấn mạnh người dân Mỹ sẽ sát cánh cùng đồng minh châu Á trong thời khắc đau thương. Hai nhà lãnh đạo cũng đã thảo luận về cách thức bảo vệ di sản của cựu Thủ tướng Abe.
Tổng thống Biden đã ra lệnh treo cờ rủ tại Nhà Trắng và các tòa nhà liên bang khác cũng như cơ sở quân sự đến hết ngày 10/7 như một sự tôn trọng đối với cựu Thủ tướng Abe.
Các nhà lãnh đạo trên khắp thế giới cũng đã gửi lời chia buồn trước sự ra đi đột ngột của cựu Thủ tướng Abe Shinzo.
Hội đồng Bảo an LHQ đã dành một phút mặc niệm tưởng nhớ cựu Thủ tướng Abe. Trong tuyên bố, người phát ngôn của Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres đã bày tỏ sự đau buồn trước "vụ tấn công kinh hoàng" nhằm vào cựu Thủ tướng Abe.
Tuyên bố nêu rõ ông Abe sẽ luôn được nhớ tới với tư cách là "người bảo vệ trung thành cho chủ nghĩa đa phương, nhà lãnh đạo được tôn trọng và người ủng hộ Liên Hợp Quốc”. Thủ tướng Canada Justin Trudeau cũng cho biết cá nhân ông "bị sốc" và rất đau buồn trước vụ việc trên. Theo ông, "thế giới đã mất đi 1 người có tầm nhìn lớn, trong khi Canada đã mất đi một người bạn thân cận".
Nữ hoàng Anh Elizabeth II cũng đã bày tỏ sự đau buồn sâu sắc, đồng thời khẳng định "tình yêu của cựu Thủ tướng Abe dành cho đất nước Nhật Bản và mong muốn xây dựng mối quan hệ ngày càng chặt chẽ hơn với Vương quốc Anh" là rất rõ ràng.
Trong khi đó, cựu Tổng thống Mỹ Barack Obama gọi ông Abe là "bạn và là đối tác lâu năm". Ông nhấn mạnh cựu Thủ tướng Abe đã cống hiến hết mình cho Nhật Bản cũng như liên minh đặc biệt Mỹ và Nhật Bản. Cựu Tổng thống Donald Trump cũng ca ngợi cựu Thủ tướng Abe, đồng thời hy vọng thủ phạm sẽ nhanh chóng bị đưa ra xét xử.
Cũng trong ngày 8/7, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên đã chia buồn với gia đình của cựu Thủ tướng Nhật Bản Abe. Ông nêu rõ: "Cựu Thủ tướng Abe đã từng đóng góp cho việc cải thiện và phát triển mối quan hệ giữa Trung Quốc và Nhật Bản".
Bộ Ngoại giao Hàn Quốc cũng bày tỏ sự tiếc thương và gửi lời chia buồn tới gia quyến của cựu Thủ tướng Abe và người dân Nhật Bả. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Hàn Quốc Choi Young-sam khẳng định: “Chính phủ Hàn Quốc lên án mạnh mẽ vụ nổ súng, coi đây là một hành động bạo lực không thể chấp nhận được trong bất kỳ trường hợp nào".
Quốc vương Malaysia Al-Sultan Abdullah Ri'ayatuddin Al-Mustafa Billah Shah và Hoàng hậu Hajah Azizah Aminah Maimunah Iskandariah cũng đã gửi lời chia buồn tới gia đình của cựu Thủ tướng Nhật Bản Abe. Trong một bài đăng trên trang Facebook, Hoàng gia Malaysia đã bày tỏ đau buồn trước sự ra đi của cựu Thủ tướng Abe, đồng thời nhấn mạnh: “Sự ra đi của ngài Abe là một mất mát lớn đối với Nhật Bản và người dân nước này”.
Hãng thông tấn Bernama đưa tin Thủ tướng Malaysia Ismail Sabri Yaakob đã gửi lời chia buồn và cảm thông sâu sắc nhất tới Chính phủ và nhân dân Nhật Bản trước sự ra đi của cựu Thủ tướng Abe. Theo ông, cựu Thủ tướng Abe là người đóng vai trò quan trọng trong việc nuôi dưỡng mối quan hệ bền chặt giữa Malaysia và Nhật Bản và là người ủng hộ hàng đầu cho Chính sách hướng Đông của Malaysia.
Các nhà lãnh đạo khác tại châu Á gồm Thủ tướng Thái Lan Prayut Chan-o-cha, Tổng thống Indonesia Joko Widodo, Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long, Thủ tướng Campuchia Samdech Techo Hun Sen đã gửi lời chia buồn sâu sắc tới người dân Nhật Bản và gia đình cựu Thủ tướng Abe. Bên cạnh đó, các lãnh đạo của New Zealand, Pakistan, Brazil và Serbia cũng đã lên án vụ tấn công, đồng thời gửi lời chia buồn tới Chính phủ, nhân dân và gia đình cựu Thủ tướng Abe.
Tổng thống Brazil Jair Bolsonaro ngày 8/7 đã tuyên bố quốc tang trên toàn lãnh thổ trong thời gian 3 ngày để bày tỏ tình đoàn kết với nhân dân Nhật Bản sau khi cựu Thủ tướng nước này Abe Shinzo bị sát hại.
Tổng thống Bolsonaro chia sẻ trên mạng xã hội Twitter một bức ảnh chụp cùng chính trị gia Nhật Bản tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới ở Davos, Thụy Sĩ, hồi tháng 1/2019, đồng thời bày tỏ “phẫn nộ tột độ” và tiếc nuối trước sự ra đi đột ngột của cựu Thủ tướng Abe. Ông Bolsonaro ca ngợi cựu Thủ tướng Nhật Bản là “nhà lãnh đạo tài ba và người bạn tuyệt vời của Brazil”.
Cùng ngày, Bộ Ngoại giao Brazil lên án kịch liệt hành vi tấn công “hèn nhát” nhằm vào cựu Thủ tướng Abe, cam kết “cùng Chính phủ và nhân dân Nhật Bản bác bỏ mọi hình thức bạo lực chính trị đe dọa các giá trị chung của hai quốc gia là bảo vệ nền dân chủ và hòa bình”. Trong thông cáo chính thức, Chính phủ Brazil nhấn mạnh những nỗ lực không mệt mỏi của cựu Thủ tướng Abe thúc đẩy đối thoại với quốc gia Nam Mỹ ở cấp độ cao nhất nhằm làm sâu sắc hơn tình hữu nghị song phương, đã được nâng lên thành Đối tác Chiến lược và Toàn cầu, thể hiện tầm quan trọng của mối quan hệ trên mọi khía cạnh, từ chính trị, kinh tế đến con người.
Tổng thống Ecuador Guillermo Lasso bày tỏ tình đoàn kết với Nhật Bản, gửi lời chia buồn tới Chính phủ và nhân dân đất nước Mặt Trời mọc, đồng thời lên án vụ tấn công bạo lực đã tước đi mạng sống của cựu Thủ tướng Abe ở tuổi 67. Thay mặt người dân Cộng hòa Dominica, Tổng thống Luis Abinader cũng gửi điện chia buồn.
Tổng thống Colombia Iván Duque và Phó Tổng thống kiêm Thủ tướng Marta Lucía Ramírez thể hiện niềm tiếc thương ông Abe - “một nhà lãnh đạo rất gần gũi với Colombia”. Ngoại trưởng Honduras Eduardo Enrique Reina - người vừa thực hiện chuyến thăm Nhật Bản trong tuần trước - lên án vụ sát hại, chia buồn cùng gia đình cựu Thủ tướng Abe và mong muốn quá trình bầu cử của Nhật Bản, bất chấp sự kiện bi thảm này, tiếp tục diễn biến thuận lợi vì lợi ích của nền dân chủ và người dân.
Trước đó cùng ngày, thông qua mạng xã hội Twitter, Bộ trưởng Ngoại giao Cuba Bruno Rodríguez Parrilla đã lên án vụ sát hại cựu Thủ tướng Shinzo Abe, gửi lời chia buồn tới nhân dân và Chính phủ Nhật Bản, đồng thời nhấn mạnh đảo quốc Caribe sẽ mãi khắc ghi những đóng góp của vị chính khách kỳ cựu này cho mối quan hệ song phương. Trong một tuyên bố liên quan, Cộng đồng Caribe (Caricom) tưởng nhớ cựu Thủ tướng Abe - người đã tích cực thúc đẩy quan hệ giữa Nhật Bản và khu vực này.
* Ngày 9/7, cảnh sát Nhật Bản cho biết vẫn đang nỗ lực làm rõ động cơ gây án của đối tượng đã nổ súng vào cựu Thủ tướng Abe Shinzo, khiến ông qua đời một ngày trước đó.
Theo hãng tin Kyodo, cảnh sát đã thẩm vấn nghi phạm Tetsuya Yamagami, 41 tuổi. Đối tượng này cho biết có mối thù hận với một "tổ chức cụ thể", có thể là một tổ chức tôn giáo, mà y cho là có liên quan đến cựu Thủ tướng Abe. Tuy nhiên, đối tượng này phủ nhận việc tiến hành tấn công vì phản đối niềm tin chính trị của chính trị gia này.
Các nguồn tin điều tra cho biết Yamagami đã khai nhận với cảnh sát rằng ban đầu y dự định tấn công một lãnh đạo tôn giáo. Theo cảnh sát Nhật Bản, Yamagami đã sử dụng một khẩu súng tự chế bắn cựu Thủ tướng Abe từ phía sau khi ông đang có bài phát biểu vận động tranh cử cho một ứng cử viên của Đảng Dân chủ Tự do (LDP) cầm quyền ở TP Nara, phía Tây Nhật Bản, vào ngày 8/7. Khám xét nhà của đối tượng, cảnh sát đã tìm thấy nhiều vật dụng được cho là chất nổ và súng tự chế.
Yamagami làm việc tại một nhà máy ở vùng Kansai từ khoảng mùa thu năm 2020, song đã nghỉ việc vào tháng 5 vừa qua. Đối tượng này từng phục vụ cho Lực lượng Phòng vệ trên biển Nhật Bản trong ba năm và hiện đang cư trú tại TP Nara.
Sáng 9/7, xe chở thi thể của cựu Thủ tướng Abe Shinzo đã rời bệnh viện ở Nara và dự kiến về thủ đô Tokyo trong ngày.