Lãnh đạo Cà Mau mừng Tết cổ truyền của đồng bào Khmer
Nhân dịp Tết cổ truyền Chôl Chnăm Thmây năm 2025 của đồng bào Khmer Nam Bộ, những ngày gần đây, lãnh đạo Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Cà Mau, cùng nhiều đoàn công tác của tỉnh đến thăm, tặng quà các điểm chùa Nam Tông, sư sãi, người có uy tín, phật tử… và nhân dân tại các vùng có đông đồng bào Khmer.

Lãnh đạo Ủy ban nhân dân tỉnh Cà Mau tặng quà mừng Tết cổ truyền Chôl Chnăm Thmây 2025 của đồng bào Khmer nhân buổi họp mặt.
Trong buổi chiều 15/4, Bí thư Tỉnh ủy Cà Mau Nguyễn Hồ Hải, cùng đoàn công tác của Tỉnh ủy Cà Mau đến thăm, chúc Tết gia đình bà Hữu Thị Lan (Ấp 11, xã Thới Bình, huyện Thới Bình, tỉnh Cà Mau). Đây là một trong số những hộ đồng bào Khmer có hoàn cảnh khó khăn, vừa được Nhà nước hỗ trợ 60 triệu đồng để xây dựng căn nhà mới trong diện xóa nhà tạm, nhà dột nát.

Bí thư Tỉnh ủy Cà Mau Nguyễn Hồ Hải (giữa, đeo kính) cùng Đoàn công tác của Tỉnh ủy Cà Mau tặng quà, mừng Tết gia đình bà Hữu Thị Lan (huyện Thới Bình).
Cùng thời gian trên, Đoàn công tác của Phó bí thư Thường trực Tỉnh ủy Cà Mau Nguyễn Đức Hiển, cùng lãnh đạo cấp ủy và chính quyền địa phương đến thăm hỏi, tặng quà Tết, chúc mừng các vị sư sãi, chư tăng cùng đồng bào Phật tử Khmer tại chùa Rạch Cui (xã Khánh Bình Đông) và chùa Tam Hiệp (xã Trần Hợi), huyện Trần Văn Thời; Đoàn công tác do Phó Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh Cà Mau Phan Hoàng Vũ làm Trưởng đoàn đến thăm, chúc tết, tặng quà tại chùa Cao Dân (xã Tân Lộc) và chùa Đầu Nai (xã Tân Lộc Bắc), huyện Thới Bình.

Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Cà Mau Nguyễn Đức Hiển (bìa phải) tặng quà tết chùa Rạch Cui, xã Khánh Bình Đông, huyện Trần Văn Thời.
Tại các nơi đến, thay mặt Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Cà Mau, các đồng chí lãnh đạo tỉnh Cà Mau gửi lời chúc mừng năm mới đến các vị trụ trì nhà chùa, các sư sãi, đồng bào dân tộc Khmer đón năm mới mạnh khỏe, vui tươi, đầm ấm, hạnh phúc…

Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Cà Mau Nguyễn Minh Luân (bìa trái) tặng quà cho Hòa thượng Thạch Hà, trụ trì chùa Monivongsa.
Trong không khí trò chuyện thân tình, ấm áp, lãnh đạo tỉnh Cà Mau bày tỏ vui mừng trước những đổi thay tại các phum, sóc, cũng như những đóng góp tích cực của bà con đồng bào dân tộc Khmer đối với các mặt trong đời sống kinh tế-xã hội của quê hương Cà Mau, góp phần ổn định quốc phòng, an ninh và sự phát triển của tỉnh.

Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tồ quốc Việt Nam tỉnh Cà Mau Lê Thanh Triều (giữa) tặng quà mừng Tết Chôl Chnăm Thmây tại Hội sư sãi đoàn kết yêu nước tỉnh Cà Mau.
Trong thời gian tới, lãnh đạo tỉnh Cà Mau mong muốn các sư sãi, chư tăng, chức sắc… và cộng đồng dân tộc Khmer Cà Mau tiếp tục phát huy truyền thống đoàn kết, vững tin vào sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước, chung tay xây dựng đời sống ngày càng ấm no, hạnh phúc, đóng góp vào sự phát triển chung của quê hương Cà Mau…
Lãnh đạo tỉnh Cà Mau cũng lưu ý chính quyền các địa phương trong tỉnh tiếp tục quan tâm quán triệt, triển khai thực hiện tốt các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đối với đồng bào dân tộc Khmer. Nhất là chương trình xóa đói giảm nghèo, giải quyết việc làm, hỗ trợ phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số, góp phần nâng cao hơn nữa chất lượng cuộc sống người dân....

Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Cà Mau Nguyễn Minh Luân (giữa) tặng quà chúc mừng Tết Chôl Chnăm Thmây các sư sãi tại chùa Monivongsa.
Trước đó vào 14/4, Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Cà Mau tổ chức họp mặt mừng tết cổ truyền Chôl Chnăm Thmây năm 2025, đồng thời thành lập đoàn đến thăm, tặng quà, chúc Tết cổ truyền Chôl Chnăm Thmây năm 2025tại chùa Monivongsa và Hội sư sãi đoàn kết yêu nước tỉnh Cà Mau (Phường 1, thành phố Cà Mau, tỉnh Cà Mau).
Cà Mau hiện có 21 thành phần dân tộc thiểu số, với hơn 12.100 hộ. Trong đó, đông nhất là đồng bào dân tộc Khmer với gần 10.000 hộ, hơn 41.000 dân. Đồng bào Khmer Cà Mau sinh sống chủ yếu tại các vùng nông thôn, quần tụ gần các khu vực có chùa Nam Tông Khmer để tiện bề thực hiện các nghi lễ truyền thống.