Lạng Sơn hướng đến phát triển toàn diện

Lạng Sơn huy động mọi nguồn lực đẩy nhanh tiến độ xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, trọng tâm là các dự án hạ tầng giao thông, đô thị trọng điểm có tính liên vùng.

Tỉnh Lạng Sơn phấn đấu trong năm 2025 tốc độ tăng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) đạt từ 7,7 - 8%, tăng trưởng kinh tế nhanh và bền vững; phát triển kinh tế đi đôi với phát triển toàn diện, đồng bộ các lĩnh vực văn hóa, xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân...

Bức tranh sáng về kinh tế

Năm 2024, với những giải pháp phát triển kinh tế - xã hội phù hợp, tỉnh Lạng Sơn đã đạt được nhiều kết quả ấn tượng trên các lĩnh vực. Sản xuất nông lâm nghiệp ổn định; công nghiệp, xây dựng tiếp tục tăng trưởng; kim ngạch xuất nhập khẩu tăng cao; thương mại, dịch vụ, du lịch phát triển mạnh; kết cấu hạ tầng được quan tâm đầu tư, các dự án lớn, trọng điểm đang tiếp tục được triển khai, nhất là các dự án có tính chất kết nối vùng, liên vùng. Số doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại thị trường tăng; chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh được cải thiện.

Đoàn Đại sứ Cộng hòa Singapore tại Việt Nam tìm hiểu cơ hội đầu tư tại Lạng Sơn. Ảnh: Văn Đạt/TTXVN

Đoàn Đại sứ Cộng hòa Singapore tại Việt Nam tìm hiểu cơ hội đầu tư tại Lạng Sơn. Ảnh: Văn Đạt/TTXVN

GRDP bình quân đầu người ước đạt 61,9 triệu đồng. Tổng thu ngân sách Nhà nước ước đạt trên 9.805 tỷ đồng, đạt 131% dự toán, tăng 25,8% so với cùng kỳ; trong đó, thu nội địa đạt trên 3.195 tỷ đồng, đạt hơn 128% dự toán, tăng 19,6%; thu từ hoạt động xuất nhập khẩu 6.600 tỷ đồng, đạt 132% dự toán, tăng 29,3%, các khoản huy động, đóng góp 9,8 tỷ đồng. Hoạt động xúc tiến, thu hút đầu tư được đẩy mạnh và đạt kết quả cao.

Tỉnh đã cấp mới chủ trương đầu tư/giấy chứng nhận đầu tư 12 dự án, tổng vốn đầu tư 6.112,2 tỷ đồng; điều chỉnh chủ trương đầu tư/giấy chứng nhận đầu tư 26 dự án, số vốn tăng thêm 625,7 tỷ đồng. Số doanh nghiệp thành lập mới tăng cao với hơn 1.040 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới (tính đến tháng 12/2024), đạt 174% kế hoạch, tăng 87% so với cùng kỳ. Tổng vốn đăng ký hơn 8.400 tỷ đồng, tăng 75%; có 196 doanh nghiệp hoạt động trở lại, tăng 17%.

Kinh tế cửa khẩu có bước phát triển tích cực. Hoạt động xuất, nhập khẩu duy trì ổn định tại 5 cửa khẩu và 2 đường chuyên dụng, lối thông quan với hiệu suất cao, trung bình đạt khoảng 1.300 lượt xe/ngày, cao điểm 1.500 lượt xe/ngày. Tính đến ngày 24/10/2024, tổng kim ngạch hàng hóa xuất nhập khẩu của tất cả các loại hình qua địa bàn tỉnh đạt 51.269,8 triệu USD, tăng 38,8% so với cùng kỳ; trong đó riêng kim ngạch hàng hóa mở tờ khai tại Cục Hải quan tỉnh đạt 4.476,9 triệu USD, tăng 9%, trong đó xuất khẩu 2.079 triệu USD, giảm 13%; nhập khẩu 2.397,8 triệu USD, tăng 39%. Dự ước tổng kim ngạch xuất nhập khẩu mở tờ khai tại Hải Quan Lạng Sơn năm 2024 đạt 5.660 triệu USD, đạt 111% kế hoạch, tăng 18,4% so với cùng kỳ; xuất khẩu hàng địa phương ước 122 triệu USD, đạt 72,2% kế hoạch, tăng 2,5% so với cùng kỳ.

Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới được triển khai hiệu quả, đã hỗ trợ được 85 mô hình phát triển sản xuất; trong đó 63 mô hình chuyển tiếp, 22 mô hình hỗ trợ mới, đầu tư xây dựng 89 công trình cơ sở hạ tầng thiết yếu trong xây dựng nông thôn mới, tổng mức đầu tư trên 386,1 tỷ đồng. Dự ước năm 2024 toàn tỉnh có thêm 11 xã đạt chuẩn nông thôn mới, đạt 110% kế hoạch, 6 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, 4 xã nông thôn mới kiểu mẫu; số tiêu chí bình quân trên địa bàn tỉnh đạt 14,8 - 15 tiêu chí/xã...

Thúc đẩy tăng trưởng kinh tế

Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn Hồ Tiến Thiệu cho biết, năm 2025 có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, là năm cuối cùng thực hiện nghị quyết đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 - 2025 tạo tiền đề cho việc xác định các mục tiêu, nhiệm vụ của nhiệm kỳ giai đoạn 2026 - 2030. Vì vậy, tỉnh phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) 7,7 - 8%; cơ cấu kinh tế nông lâm nghiệp chiếm 21 - 22%; công nghiệp - xây dựng 24 - 25%; dịch vụ 50 - 51%; thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm 4 - 5%.

Giá trị sản xuất công nghiệp năm 2024 tỉnh Lạng Sơn tăng cao. Ảnh: Văn Đạt/TTXVN

Giá trị sản xuất công nghiệp năm 2024 tỉnh Lạng Sơn tăng cao. Ảnh: Văn Đạt/TTXVN

Lạng Sơn đặt mục tiêu, tổng sản phẩm bình quân đầu người trên địa bàn đạt 69 - 70 triệu đồng. Lượng khách du lịch đạt 4.400 nghìn lượt, doanh thu đạt 5.400 tỷ đồng. Kim ngạch xuất khẩu hàng địa phương tăng 8 - 9%. Tổng thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn 9.937,8 tỷ đồng. Tổng vốn đầu tư phát triển trên địa bàn khoảng 40 - 41 nghìn tỷ đồng...

Để hoàn thành các chỉ tiêu đặt ra, tỉnh tập trung phát triển nhanh kinh tế cửa khẩu để thúc đẩy tăng trưởng và chuyển dịch cơ cấu kinh tế; nâng cao chất lượng công tác quy hoạch, hoàn thiện đồ án Điều chỉnh Quy hoạch chung xây dựng Khu Kinh tế cửa khẩu Đồng Đăng - Lạng Sơn và đồ án Quy hoạch chung xây dựng khu vực cửa khẩu chính Chi Ma đến năm 2045 trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; đẩy mạnh huy động nguồn lực xã hội hóa để đầu tư, xây dựng các công trình kết cấu hạ tầng và phát triển sản xuất kinh doanh khu vực cửa khẩu.

Cùng với đó, Lạng Sơn cũng tăng cường hội đàm, trao đổi với phía Trung Quốc để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh thông quan hàng hóa, thúc đẩy việc khôi phục hoạt động của các cặp cửa khẩu còn lại; triển khai hiệu quả Đề án thí điểm xây dựng cửa khẩu thông minh, dự án Hỗ trợ kỹ thuật xây dựng Khu hợp tác thương mại, du lịch Tân Thanh (Việt Nam) - Pò Chài (Trung Quốc); tạo môi trường thuận lợi phát triển thương mại, thu hút đầu tư và thông quan xuất nhập khẩu hàng hóa...

Tỉnh huy động mọi nguồn lực đẩy nhanh tiến độ xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, trọng tâm là các dự án hạ tầng giao thông, đô thị trọng điểm có tính liên vùng như: Dự án tuyến cao tốc cửa khẩu Hữu Nghị - Chi Lăng; dự án cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh, Khu công nghiệp VSIP Lạng Sơn; các cụm công nghiệp. Đồng thời thực hiệu quả Quy hoạch vùng trung du và miền núi phía Bắc; kế hoạch thực hiện Quy hoạch tỉnh Lạng Sơn thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Đặc biệt, Lạng Sơn tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, tạo môi trường đầu tư thông thoáng, thu hút các nhà đầu tư; chủ động nắm bắt tình hình, kịp thời tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ các nhà đầu tư, doanh nghiệp, hợp tác xã và hộ kinh doanh khôi phục hoạt động sản xuất kinh doanh, tham gia vào thị trường. Lạng Sơn phấn đấu chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh xếp ở nhóm khá so với cả nước.

Tỉnh phát triển đồng bộ các thành phần kinh tế, trong đó khuyến khích phát triển kinh tế tư nhân, phấn đấu thành lập mới khoảng 700 doanh nghiệp; phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã năng động, hiệu quả, góp phần tạo việc làm, tăng thu nhập, xây dựng nông thôn mới và bảo đảm an sinh xã hội.

Vũ Văn Đạt/TTXVN

Nguồn Bnews: https://bnews.vn/lang-son-huong-den-phat-trien-toan-dien/356461.html
Zalo