Lạng Sơn gìn giữ văn hóa truyền thống
Thời gian qua, các cấp, ngành của tỉnh Lạng Sơn đẩy mạnh khai thác giá trị các lễ hội gắn với phát triển du lịch. Toàn tỉnh có hơn 280 lễ hội truyền thống diễn ra hằng năm; trải qua các thế hệ, nhiều nét đẹp, giá trị văn hóa được gìn giữ, bảo tồn, phát huy, góp phần vào sự phát triển bền vững của tỉnh.
Tiếp tục bảo tồn văn hóa
Những năm qua, công tác bảo tồn, phát huy giá trị lễ hội gắn với phát triển du lịch, dịch vụ, xây dựng và phát triển lễ hội trở thành nguồn tài nguyên du lịch nhân văn đặc biệt, đây là mô hình mới đem lại hiệu quả thiết thực, giúp người dân ý thức bảo tồn những nét văn hóa độc đáo của dân tộc mình. Nhiều giá trị, nét đẹp văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc như: Dân ca, dân vũ; nghệ thuật trình diễn dân gian; nghề truyền thống; nghệ thuật ẩm thực… được bảo tồn, phát huy, tạo nên không gian, môi trường văn hóa lành mạnh, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân.
Từ năm 2017 đến nay, tỉnh Lạng Sơn tổ chức Tuần Văn hóa, Thể thao và Du lịch gắn với lễ hội hoa Đào; khai hội Lễ hội đền Kỳ Cùng - đền Tả Phủ (TP Lạng Sơn), diễn ra từ ngày 22 - 27 tháng Giêng âm lịch hằng năm với quy mô cấp tỉnh. Cùng các nghi thức, nghi lễ gắn với lễ hội; nhiều hoạt động, sự kiện liên hoan được tổ chức, tiêu biểu là: Liên hoan trình diễn Chầu Văn; Hội thi "Hương sắc ẩm thực Xứ Lạng"; Hội hát Sli, lượn và thi Lày cỏ dân tộc Nùng, Tày Lạng Sơn; Đua bè mảng trên sông Kỳ Cùng…
Phần lễ đảm bảo trang nghiêm, thành kính; phần hội được tổ chức với nhiều trò chơi, trò diễn truyền thống và hiện đại theo đặc thù riêng. Lạng Sơn đã lồng ghép việc trình diễn, giới thiệu một số loại hình di sản văn hóa tiêu biểu của tỉnh được đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, UNESCO công nhận và ghi danh là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại như: Then, Múa sư tử dân tộc Tày, Nùng, sli.
Ông Trịnh Tuấn Đông - Chủ tịch UBND huyện Lộc Bình, tỉnh Lạng Sơn cho biết: Các lễ hội trên địa bàn huyện trong thời gian trước, trong và sau Tết Nguyên đán Ất Tỵ được chuẩn bị nội dung và điều kiện tham gia theo kế hoạch đề ra. Trong đó, tăng cường quản lý, tổ chức các hoạt động lễ hội và di tích, danh lam thắng cảnh; đảm bảo an ninh trật tự, an toàn giao thông, an toàn vệ sinh thực phẩm, vệ sinh môi trường và công tác phòng chống dịch bệnh theo quy định.
Gìn giữ giá trị di sản Lễ hội đền Kỳ Cùng - Tả Phủ
Lễ hội mùa Xuân ở xứ Lạng gắn liền với cư dân nông nghiệp trồng lúa nước và sống bằng nghề nông, nghề rừng. Một số lễ hội đưa việc biểu diễn tích truyện gắn với nhân vật lịch sử vào ngày khai hội, như các lễ hội: Ná Nhèm, chùa Tam Thanh, chùa Tiên, đền Tả Phủ… góp phần giáo dục truyền thống lịch sử, văn hóa của dân tộc cho Nhân dân trên địa bàn, nhất là thế hệ trẻ.
Một trong những lễ hội hấp dẫn là lễ hội đền Kỳ Cùng - Tả Phủ (được đưa vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia năm 2015). Nghi lễ rước kiệu trên các đường phố giữa đền Tả Phủ và đền Kỳ Cùng được Nhân dân, du khách chào đón. Dọc hai bên đường, người dân dâng lễ rất trọng thịnh, tươm tất trước cửa nhà để nghênh đón đoàn rước kiệu, đồng thời chiêm bái, cầu mong những điều may mắn tốt lành “nhân khang, vật thịnh” cho gia đình. Nhiều gia đình quan niệm các đội sư tử, lân, rồng dẫn đầu đoàn rước kiệu vào chúc mừng gia chủ là mang may mắn, tài lộc đến cho gia chủ.
Ông Nguyễn Đặng An - Giám đốc Sở VHTT&DL cho biết: Thời gian qua, Lạng Sơn đã phát huy tinh thần trách nhiệm của các Sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố; các đơn vị, địa phương và Nhân dân trong tỉnh tham gia, phối hợp chuẩn bị, tổ chức triển khai thực hiện các nội dung kế hoạch. Trong đó, các hoạt động phải được chuẩn bị kỹ lưỡng, giàu bản sắc văn hóa dân tộc, đồng thời phù hợp với xu thế mới, truyền thống kết hợp yếu tố văn minh, hiện đại; góp phần tuyên truyền, quảng bá tốt các tiềm năng, thế mạnh của tỉnh Lạng Sơn và nâng cao sự hưởng thụ về đời sống văn hóa tinh thần trong Nhân dân.