Làng quê đổi mới
Kể từ ngày thực hiện mở rộng địa giới hành chính Thủ đô Hà Nội, thôn An Hiền, xã Hoàng Diệu, huyện Chương Mỹ đã vươn mình đổi mới và là điểm sáng về xây dựng nông thôn mới của Thủ đô.
Phố trong làng
Tôi có dịp ghé thăm thôn An Hiền vào một chiều trung tuần tháng 9, đến nơi, tôi rất bất ngờ về sự tiện ích, ấm no, hạnh phúc ở ngôi làng ngoại ô. “Đường có hoa, nhà có số, tường bích họa, thư viện sách, sân thể dục thể thao, camera an ninh, bảng đèn lấp lánh và các điểm phòng cháy, chữa cháy”, nghe những thứ được kể trên, tưởng chừng như đang ở một khu trung tâm thành phố với đa tiện ích, nhưng nó lại đang hiển hiện tại làng An Hiền, một ngôi làng đáng sống ở miền quê Chương Mỹ.
Theo chân người dân trong làng, tôi tìm đến nhà Trưởng thôn An Hiền ở giữa làng để tìm hiểu rõ hơn về sự “thay da đổi thịt” của ngôi làng này. Ông Nguyễn Văn Hùng, Trưởng thôn An Hiền chia sẻ: “Kể từ năm 2008 đến nay, khi thôn An Hiền chính thức trở thành một phần của Thủ đô Hà Nội, Ban lãnh đạo thôn đã vận động bà con nhân dân cố gắng xây dựng một làng quê xanh, sạch, đẹp, an toàn, văn minh và hiện đại, góp phần làm đẹp hình ảnh Thủ đô yêu dấu”.
Để những câu chuyện về làng được cụ thể hơn, ông Hùng dẫn tôi đi tham quan một vòng làng quê “đặc biệt” này. Trên con đường nông thôn mới, hoa lá tốt tươi, ông Hùng chỉ tay về phía nhà văn hóa cũng là nơi thư viện của làng, tự hào cho biết: “Nhận thấy tri thức là yếu tố quan trọng trong việc thay đổi nhận thức, hành vi trong xây dựng nếp sống văn hóa, năm 2015, Ban lãnh đạo cùng nhân dân thôn đã quyết tâm xây dựng thư viện với hơn 2.000 đầu sách từ nguồn xã hội hóa trị giá 270 triệu đồng. Thư viện mở cửa vào hai buổi chiều mỗi tuần, tạo cơ hội cho bạn đọc nâng cao kiến thức về văn hóa, lịch sử và pháp luật”.
Với mong muốn tạo cho con em một không gian vui chơi và tập luyện thể thao lành mạnh, giúp các em tránh xa tệ nạn xã hội, năm 2011, Ban lãnh đạo thôn đã vận động nhân dân hiến gần 4.000m² đất để xây dựng sân vận động. Ban đầu gặp không ít khó khăn vì đây là mảnh đất "vàng" nằm ngay trung tâm thôn. Tuy nhiên, nhờ sự vận động tích cực của Ban lãnh đạo, mọi việc đã được thực hiện. Hiện nay, sân vận động đã được trang bị đầy đủ các thiết bị tập luyện hiện đại phục vụ người dân, các cháu thiếu nhi có khu vui chơi với đu quay, bập bênh và cầu trượt.
Chị Trần Thị Loan, người dân thôn An Hiền bày tỏ: “Kể từ ngày làng có thư viện sách và sân thể dục thể thao, bà con trong khu vực rất phấn khởi. Những công trình công cộng này không chỉ giúp nâng cao đời sống tinh thần mà còn tạo ra không gian cho cộng đồng giao lưu, học hỏi và rèn luyện sức khỏe. Trẻ em có chỗ để học tập và đọc sách, người lớn thì có nơi để tập thể dục, giúp cải thiện sức khỏe và tinh thần cho mọi lứa tuổi”.
Quyết tâm đổi mới
Điều “kỳ tích” ở thôn An Hiền không thể không kể đến là việc quy tập hơn 300 ngôi mộ rải rác trên các xứ đồng và khu dân cư, tập trung thành khu văn hóa tâm linh trong thôn. Ban lãnh đạo thôn đã tổ chức vô số cuộc họp, vì ban đầu nhiều người cho rằng động chạm đến phần mộ của tiền nhân là việc làm bất khả thi, chỉ có một số ít gia đình đồng thuận. Tuy nhiên, sau gần 3 năm kiên trì tuyên truyền và vận động theo tinh thần dân chủ, đến năm 2014, Ban lãnh đạo thôn đã thành công vận động xã hội hóa hơn 1 tỷ đồng để quy tập 306 ngôi mộ, xây dựng một nghĩa trang nhân dân thôn khang trang.
Nhằm thi đua xây dựng nông thôn mới nâng caodo huyện Chương Mỹ phát động, năm 2019, Ban lãnh đạo thôn đã triển khai đề án “Đường có hoa, nhà có số, tường bích họa” với tổng kinh phí gần 90 triệu đồng. Sau một tháng tuyên truyền và vận động xã hội hóa, tất cả các hộ dân trong thôn đều được gắn biển số nhà theo thứ tự, những con đường được phủ đầy cây xanh và hoa, hai bên tường là những bức tranh bích họa thể hiện rõ nét bản sắc quê hương.
Năm 2023, nhờ sự vận động tích cực của Ban lãnh đạo thôn, thôn An Hiền đã huy động xã hội hóa được 1,5 tỷ đồng để chỉnh trang diện mạo nông thôn, cải tạo nhà văn hóa và các công trình tâm linh. Ngoài ra, người dân trong thôn cũng tự nguyện đóng góp hơn 38 triệu đồng để lắp đặt 31 camera giám sát tại các trục đường chính của thôn.
Nhân kỷ niệm 69 năm Ngày giải phóng Thủ đô (tháng 10-2023), Ban lãnh đạo thôn An Hiền đã vận động xã hội hóa lắp đặt 12 hệ thống bảng đèn trang trí trên trục đường chính của làng với nội dung tuyên truyền, cổ động người dân cùng chung tay xây dựng làng quê ngày một văn minh, giàu đẹp hơn.
Năm 2024, nhận thấy tình trạng cháy nổ trên địa bàn thành phố Hà Nội những năm gần đây đã gây ra nhiều hậu quả nghiêm trọng, Ban lãnh đạo thôn đã vận động bà con trên địa bàn chung tay, góp sức lắp đặt mô hình phòng cháy chữa cháy. Sau hơn 1 tháng vận động, trên địa bàn thôn An Hiền đã lắp đặt 20 điểm phòng cháy, chữa cháy, góp phần bảo vệ bình yên cho cộng đồng và nâng cao chất lượng nông thôn mới.
Ông Đào Danh Dũng, Chủ tịch UBND xã Hoàng Diệu, chia sẻ: “Nhờ sự nỗ lực và đoàn kết của Ban lãnh đạo cùng người dân địa phương, diện mạo thôn An Hiền không ngừng đổi mới, trở thành một miền quê đáng sống với sự văn minh và hiện đại. Sự phát triển của An Hiền không chỉ thay đổi về mặt vật chất mà còn nâng cao đời sống tinh thần, giúp người dân ngày càng hạnh phúc và tự hào về quê hương. Những mô hình sáng tạo mà Ban lãnh đạo và nhân dân thôn An Hiền triển khai rất đáng trân trọng và cần được nhân rộng tại các vùng ngoại thành Hà Nội”.
Dù đã trải qua quá trình đổi mới và phát triển mạnh mẽ sau khi sáp nhập vào Hà Nội, thôn An Hiền, xã Hoàng Diệu, huyện Chương Mỹ vẫn giữ được vẻ yên bình và nét đẹp mộc mạc đặc trưng của một làng quê Việt Nam. Sự kết hợp hài hòa giữa hiện đại và truyền thống đã tạo nên một bức tranh đầy sức sống, nhưng vẫn không làm mất đi không khí thanh bình vốn là "linh hồn" của ngôi làng.