Lãng phí tài năng trẻ trong lĩnh vực văn hóa nghệ thuật: Vì sao nên nỗi?

Trong khi nhiều đơn vị nghệ thuật kêu ca thiếu nhân lực trẻ tài năng kế cận, thực trạng 'thầy già, con hát cũng già' khiến các loại hình nghệ thuật truyền thống lâm vào tình trạng khủng hoảng thiếu khán giả, thì có một thực tế khác, đó là 'lãng phí tài năng trẻ'.

“Chảy máu” tài năng trẻ

Tại hội thảo “Tài năng trẻ - Nguồn lực sáng tạo và phát triển văn hóa, nghệ thuật” mới đây, những câu chuyện về việc tài năng trẻ “phải dứt áo ra đi” đã được đề cập.

Đến từ Nhà hát Nhạc Vũ kịch Việt Nam, những chia sẻ của tài năng ballet trẻ Nguyễn Đức Hiếu gây nhiều chú ý và cả sự xót xa. Nguyễn Đức Hiếu từng du học ballet ở Mỹ bằng học bổng do phía Mỹ tài trợ và anh trở về làm việc tại Nhà hát Nhạc Vũ kịch Việt Nam. Với nhiệt huyết của tuổi trẻ, Hiếu mong mỗi năm được làm 9-10 vở mới. Nhưng hiện nay mỗi năm nhà hát chỉ dựng được không quá 2 vở. Thời gian còn lại, Hiếu cùng nhiều nghệ sĩ trẻ khác loay hoay không biết làm gì, diễn ở đâu, hay cứ đến nhà hát tập các động tác cơ bản để “đợi” vở mới.

 Một buổi trình diễn nghệ thuật truyền thống giao lưu với dự án Aesop về chủ đề Oral Tradition and Local Development (Truyền thống truyền miệng và phát triển địa phương) của nhóm Chèo 48h - Tôi Chèo về quê hương. Ảnh: NVCC

Một buổi trình diễn nghệ thuật truyền thống giao lưu với dự án Aesop về chủ đề Oral Tradition and Local Development (Truyền thống truyền miệng và phát triển địa phương) của nhóm Chèo 48h - Tôi Chèo về quê hương. Ảnh: NVCC

Nghệ sĩ trẻ cho biết, theo quy định, các nhà hát không được dùng cơ sở vật chất để kinh doanh dịch vụ. Điều này khiến nhiều đơn vị không có nguồn thu nên phải cắt hợp đồng với nhiều nghệ sĩ trẻ. Một diễn viên múa ballet phải đào tạo mất từ 6 đến 7 năm, nhưng chỉ sau một năm về nhà hát, do không có chỗ làm nghề, do khó khăn, nhiều nghệ sĩ phải rời đi tìm công việc khác. Đó là chưa kể nhiều người trẻ khác được cho là có tài, đã không về Việt Nam mà ở lại nước ngoài làm việc.

Hiện tại có một thế hệ vàng lĩnh vực múa ballet gồm 6 bạn lứa tuổi chúng tôi đã bỏ nghề… Đối với ballet, để đào tạo ra một lứa nghệ sĩ tốn rất nhiều thời gian, mất 6 đến 7 năm. Nhưng chỉ trong vòng 1 năm, các bạn đã cảm thấy không có chỗ làm nghề, không có chỗ duy trì việc tập luyện. Vì thế, các bạn phải đi tìm các cơ quan khác để đảm bảo cuộc sống”, Nguyễn Đức Hiếu nói.

Trong khi đó, Đinh Thảo - người sáng lập dự án “Chèo 48h - Tôi Chèo về quê hương” chia sẻ, hơn 10 năm trước, khi thi vào Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam với số điểm cao, cô giành được học bổng du học tại Nga nhưng vẫn chọn học trong nước bằng học bổng tài năng trẻ của Toyota. Yêu thích nghệ thuật truyền thống, ngay từ khi còn là sinh viên, cô đã sáng lập ra dự án “Chèo 48h”.

Khi ra trường, cô và nhiều bạn cùng lớp chọn phát triển theo hướng nghệ sĩ độc lập ở môi trường bên ngoài. Để sống, những nghệ sĩ như cô phải “làm nhiều nghề”, trong đó có người phải làm những công việc hoàn toàn không liên quan đến chuyên ngành được đào tạo. Cũng có vài người đã vào cơ quan Nhà nước rồi lại bỏ, vì nhiều lý do. Ngoài ra, khi hoạt động cùng dự án “Chèo 48h”, cô nhận thấy ở cộng đồng có nhiều tài năng trẻ trong lĩnh vực văn hóa nghệ thuật truyền thống, nhưng chưa được phát hiện và tạo cơ hội phát triển.

Nhiều ý kiến tại hội thảo đều thống nhất rằng, tài năng trẻ trong lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật là vốn quý đối với mỗi quốc gia, dân tộc. Những tài năng ấy sẽ thăng hoa, tỏa sáng, đóng góp nhiều cho cộng đồng, xã hội nếu được “ươm” trong một môi trường tốt, được chăm lo, bồi dưỡng. Ngược lại, nếu không có chính sách phù hợp, những tài năng ấy sẽ khó phát triển, thậm chí sẽ bị thui chột, nhạt phai. Thực tế cho thấy, liên quan đến vấn đề này vẫn còn nhiều vướng mắc, bất cập; nhiều chính sách chưa thực sự khơi nguồn, tạo động lực cho tài năng trẻ có đất dụng võ…

Theo NSND Tống Toàn Thắng - Giám đốc Liên đoàn Xiếc Việt Nam, việc phát hiện tài năng của chúng ta thường thiếu một hệ thống đánh giá đồng bộ và khoa học, thiếu định hướng rõ ràng và mang tính dài lâu. “Nhiều tài năng trẻ phải đối mặt với áp lực từ gia đình và xã hội, dẫn đến stress và giảm động lực phát triển. Có những tài năng trẻ không được tạo điều kiện để thực hành và thể hiện khả năng của mình do thiếu cơ hội và môi trường hỗ trợ. Sự phát triển không đồng đều giữa các khu vực cũng tạo ra sự chênh lệch trong việc phát hiện và nuôi dưỡng tài năng”, ông Thắng nhận định.

Các nghệ sĩ trẻ phải vật lộn mưu sinh để tồn tại với nghề - đây là thực trạng của nhiều lĩnh vực văn học nghệ thuật, khi chế độ chính sách đãi ngộ đối với tài năng trẻ quá thấp. Thực trạng này thấy rõ hơn trong lĩnh vực nghệ thuật truyền thống như chèo, tuồng, múa rối, cải lương…

Theo GS. TS. Lê Thị Hoài Phương (Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia), nỗi lo lớn nhất của các sinh viên trẻ tốt nghiệp ra trường là tìm được nơi làm việc phù hợp, có thu nhập. Nhưng rào cản về tinh giản biên chế, mà theo bà, chính sách quản lý hành chính này khi áp vào một ngành có tính đặc thù là nghệ thuật làm nảy sinh nhiều bất cập, bế tắc.

Các nhà hát vẫn kêu về tình trạng “thầy già, con hát trẻ”. Nhưng ở hầu hết các đơn vị nghệ thuật, số diễn viên đã luống tuổi, không còn biểu diễn được nữa, nhưng chưa đến tuổi nghỉ hưu thì họ vẫn nằm trong biên chế, vì vậy, không thể tuyển thêm người là các nghệ sĩ trẻ đang sung sức. Đây là vấn đề tồn tại từ lâu, đến nay vẫn chưa được giải quyết”, bà Phương cho hay.

Không để nghệ sĩ trẻ “cô đơn”

Kiến nghị và đề xuất giải pháp tạo nguồn và nuôi dưỡng nguồn nhân lực trẻ trong lĩnh vực văn hóa nghệ thuật, NSND Tống Toàn Thắng cho rằng cần bắt đầu từ cơ chế, chính sách. Ông khuyến nghị thành lập quỹ hỗ trợ tài năng trẻ để cung cấp, tài trợ cho học bổng, dự án nghệ thuật và các hoạt động phát triển nghề nghiệp. Bên cạnh đó cần chính sách ưu đãi thuế cho các tổ chức, cá nhân đầu tư vào các dự án văn hóa nghệ thuật liên quan đến tài năng trẻ; đảm bảo quyền lợi cho các nghệ sĩ trẻ, bao gồm bản quyền tác phẩm và các chế độ đãi ngộ hợp lý.

 Tài năng ballet trẻ Nguyễn Đức Hiếu chia sẻ tại hội thảo. Ảnh: Tuấn Minh/Tạp chí Văn hóa Nghệ thuật.

Tài năng ballet trẻ Nguyễn Đức Hiếu chia sẻ tại hội thảo. Ảnh: Tuấn Minh/Tạp chí Văn hóa Nghệ thuật.

Thành lập hệ thống đánh giá và công nhận tài năng một cách công bằng và minh bạch, đảm bảo rằng các tài năng trẻ được công nhận đúng với khả năng của họ. Tạo ra các giải thưởng đặc biệt dành cho tài năng trẻ trong lĩnh vực văn hóa nghệ thuật, khuyến khích sự sáng tạo và đổi mới”, ông Thắng đề xuất.

Nhấn mạnh đến vai trò của đào tạo, GS. TS Lê Thị Hoài Phương cho rằng, để tài năng trẻ có thể “cất cánh”, thăng hoa cần có một chu trình gồm: Phát hiện, nuôi dưỡng/Đào tạo và tự tu dưỡng/Sáng tạo, cống hiến. Ngoài ra, vai trò của các hội nghề nghiệp cũng rất quan trọng. Hàng năm, các hội nghề nghiệp tổ chức nhiều cuộc thi tài năng trẻ về các loại hình nghệ thuật, đây là cơ hội cho các nghệ sĩ trẻ phấn đấu nâng cao danh hiệu nghề nghiệp. Tuy nhiên, bà Phương lưu ý, nếu tổ chức quá nhiều các cuộc thi như vậy sẽ dẫn tới tư tưởng quá chú trọng vào mục đích tìm kiếm huy chương, để rồi mất đi ý nghĩa tốt đẹp của các cuộc thi.

Còn TS. Trần Đoàn Lâm, nguyên Chủ tịch Quỹ Văn hóa Đan Mạch - Việt Nam cho rằng, muốn xử lý được thực trạng chảy máu tài năng thì cần đồng bộ từ thể chế, chính sách tới việc thực hiện. “Nhật Bản họ duy trì cả một dàn Nhã nhạc, nơi tuyển chọn nghệ sĩ và yêu cầu tập luyện rất khắt khe nhưng lương bổng rất cao. Tại sao nghệ sĩ ở đó lại yên tâm làm việc?”, ông Lâm gợi ý.

Theo TS Trần Đoàn Lâm, để lưu giữ di sản văn hóa thì tài năng trẻ đóng vai trò là những nhân tố sẽ trở thành “bậc thầy để giữ mạch truyền thừa”. Khi toàn cầu hóa diễn ra mạnh mẽ thì nhu cầu định vị lại chỗ đứng của mình như một thực thể khác biệt trong cộng đồng nhân loại lại càng trở nên cấp thiết.

Tạo ra động cơ, duy trì nó và tạo điều kiện để tài năng trẻ cống hiến hết mình cho nghề nghiệp là yêu cầu sống còn cho chính thân phận của mỗi tài năng trẻ và số phận của nền văn hóa - nghệ thuật dân tộc. Nếu không có sự hỗ trợ, bản thân tài năng trẻ sẽ khó tự phát triển. Trong trường hợp xấu nhất, xã hội sẽ mất đi một nguồn vốn quý để phát triển công nghiệp văn hóa”, ông Lâm nhìn nhận.

Khánh Ngọc

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/lang-phi-tai-nang-tre-trong-linh-vuc-van-hoa-nghe-thuat-vi-sao-nen-noi-post327498.html
Zalo