Làng phật thủ Đắc Sở mất trắng do lũ lụt

400 hộ chuyên trồng cây phật thủ tại xã Đắc Sở (huyện Hoài Đức, Hà Nội) đang rơi vào cảnh 'trắng tay', nợ nần, khi hơn 300ha phật thủ được trồng trải khắp ở các huyện lân cận, cạnh bãi sông Hồng đã bị thiệt hại hoàn toàn do mưa lũ, ngập lụt sau khi bão đi qua.

Cánh đồng phật thủ ở xã Trung Châu chết khô sau lũ lụt.

Cánh đồng phật thủ ở xã Trung Châu chết khô sau lũ lụt.

Đã từ lâu, người dân xã Đắc Sở nổi tiếng khắp cả nước bởi nghề trồng phật thủ. Tính đến tháng 9/2024, toàn xã có 500 hộ trồng phật thủ với tổng diện tích khoảng 350ha, vùng trồng tập trung chủ yếu tại huyện Hoài Đức, huyện Đan Phượng, huyện Phúc Thọ, huyện Ba Vì, huyện Yên Lạc, quận Hà Đông, thành phố Sơn Tây… Bình quân mỗi năm, tổng doanh thu từ cây phật thủ mang về cho người dân Đắc Sở số tiền khoảng 500 tỷ đồng.

Từng vườn phật thủ xanh mướt, trĩu quả ngày nào là niềm hy vọng thoát nghèo, đổi đời của nhiều người dân ở nơi đây.

Những ngày này chúng tôi về vùng trồng phật thủ tại xã Trung Châu (huyện Đan Phượng, Hà Nội) - nơi có gần 80 hộ dân xã Đắc Sở đang canh tác, trồng phật thủ, thay vì không khí hăng say lao động của người trồng với niềm hy vọng mang lại thu nhập tiền tỷ vào dịp Tết Nguyên Đán, thì nay chỉ còn lại cảnh hàng trăm héc-ta phật thủ chết khô, trắng xóa cả một vùng, ai nấy đều nặng trĩu nỗi buồn, lo âu hiện trên gương mặt những người nông dân nơi này.

Sau khi bão số 3 đi qua, nước lũ tràn về, cánh đồng bạt ngàn cây phật thủ, với diện tích hơn 200ha bị chết do ngâm trong nước lũ quá lâu, cây thối rễ, sau vài ngày cành lá đã héo khô.

Bà Đinh Thị Trang, Chủ tịch Hội Nông dân xã Đắc Sở cho biết: Phật thủ là loài cây “khó tính”, chỉ ưa đất tơi xốp, pha cát ven sông, nên người nông dân phải mất nhiều công sức chăm sóc, rất vất vả, tốn thời gian. Do không thể trồng trên mảnh đất của mình được nữa, người Đắc Sở đã đi tìm, thuê lại những diện tích đất bãi ven sông Đáy, sông Hồng ở các huyện Phúc Thọ, Đan Phượng để trồng phật thủ.

Ngậm ngùi nhìn vườn phật thủ hơn 4ha đã chết khô, không thể phục hồi, ông Lương Anh Đức, người có hơn 10 năm theo nghề trồng phật thủ, nghẹn ngào kể: Nước lên rất nhanh, chúng tôi không kịp trở tay, trong chốc lát 4ha cây phật thủ chìm trong nước lũ đục ngầu...

Vay hơn 2 tỷ đồng từ người thân trong gia đình và ngân hàng, cộng với công sức gần một năm vất vả chăm bón cây, gia đình dự tính sẽ dành lại những quả đẹp, to sẽ đưa ra thị trường bán vào dịp rằm tháng 8 và Tết Nguyên đán thì bất ngờ nước lũ tràn về nhấn chìm tất cả công sức, cây trái... Bà con chúng tôi trắng tay rồi!

Theo ông Đức, vòng đời của cây phật thủ chỉ 5-6 năm, bắt đầu cho trái từ năm thứ hai, trung bình một cây phật thủ cho khoảng gần 40 quả/vụ, cây cho năng suất cao nhất là từ năm thứ 3 đến năm thứ 5 thì hết lứa, phải đầu tư trồng lại.

“Mấy hôm nay không ăn, không ngủ được, tôi không dám ra khu vườn trồng phật thủ của mình... Tan hoang quá! Bây giờ tôi không biết phải bắt đầu lại từ đâu, chỉ mong bà con đồng cảnh như tôi được động viên tinh thần, hỗ trợ nguồn vốn, nguồn giống để tiếp tục bám, sống với nghề trồng phật thủ...”, ông Lương Anh Đức chia sẻ thêm.

Cùng cảnh trắng tay, nợ nần, ông Nguyễn Quang Khải, chủ hộ có 2ha phật thủ tại xã Trung Châu không cầm được nước mắt, xúc động chia sẻ: Bão lụt đi qua gia đình mất trắng toàn bộ tài sản, công sức... Nhưng hy vọng, còn người còn của, chúng tôi tiếp tục dọn dẹp, thu gom vật tư và hoàn trả lại mặt bằng cho chủ đất theo đúng cam kết trong hợp đồng.

Ông Nguyễn Quang Khải thất thần nhìn 2ha vườn phật thủ đã bị lũ tàn phá, thiệt hại...

Ông Nguyễn Quang Khải thất thần nhìn 2ha vườn phật thủ đã bị lũ tàn phá, thiệt hại...

Hiện, gia đình tôi đang vay nợ ngân hàng 500 triệu đồng, với mong muốn lớn nhất của tôi là được ngân hàng khoanh nợ, gia hạn nợ, giảm lãi suất, cho vay tiếp để chúng tôi còn cơ hội làm lại, duy trì cuộc sống...

Nhìn vào hàng cây phật thủ màu bạc phếch, khô cong, bám đầy bùn đất ông Khải tiếc hùi hụi bảo: "Khi nước lũ lên, bà con chúng tôi nghĩ lũ chỉ hai ngày rồi rút thì vườn phật thủ còn có thể cứu vãn. Thế nhưng nước ngập đến 4-6 ngày thì cây nào chịu được, mất mát lớn quá, bây giờ không biết làm thế nữa... Tôi ước tính thiệt hại hơn 500 triệu đồng, chưa tính công sức của gia đình bỏ ra một năm qua”.

Theo ông Nguyễn Văn Khương, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Đắc Sở, mưa lụt vừa qua đã gây thiệt hại nặng nề cho 400 hộ trồng phật thủ tại địa phương, với tổng diện tích khoảng 300ha. Trong đó, 150ha bị thiệt hại hoàn toàn, 100ha bị thiệt hại từ 70-80% và 50ha bị thiệt hại 50%. Tổng thiệt hại ước tính khoảng 250 tỷ đồng.

Sau khi bão lũ đi qua, Ủy ban nhân dân xã Đắc Sở đã khẩn trương phối hợp cùng Hội Sản xuất và kinh doanh phật thủ tiến hành thống kê, kiểm đếm thiệt hại, đồng thời rà soát nhu cầu, kiến nghị của các hộ dân bị thiệt hại.

Đại diện chính quyền xã Đắc Sở và Hợp tác xã phật thủ Đắc Sở động viên các hộ dân bị thiệt hại do lũ lụt.

Đại diện chính quyền xã Đắc Sở và Hợp tác xã phật thủ Đắc Sở động viên các hộ dân bị thiệt hại do lũ lụt.

Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Đắc Sở Nguyễn Văn Khương cho biết: Trên cơ sở này, xã sẽ kiến nghị Quỹ Hỗ trợ nông dân, ngân hàng cùng các sở, ngành chức năng để xuất có cơ chế, chính sách như phân bổ thêm nguồn vốn, hỗ trợ giảm phí vay, giúp người dân tái sản xuất...

Sở dĩ nhiều hộ gia đình trong xã Đắc Sở phải đi thuê đất, có hộ di chuyển cách nhà hơn 60 cây số để canh tác bởi cây phật thủ chỉ sống được khoảng 4 đến 5 năm, bắt đầu từ khi trồng đến khi thu hoạch là khoảng 1,5 năm. Sau khi cây chết thì không thể trồng lại ở đất cũ mà phải bỏ công cải tạo khoảng 2 đến 3 năm.

Anh Nguyễn Quang Định, Chủ tịch Hội đồng quản trị Hợp tác xã phật thủ Đắc Sở cho biết: Trước mắt, các hộ dân mong muốn được hỗ trợ cây giống, vật tư sản xuất, phân bón… để tái sản xuất. Về lâu dài, người trồng phật thủ mong muốn chính quyền xã Đắc Sở, huyện và thành phố Hà Nội có những giải pháp tháo gỡ khó khăn về công tác hoàn trả mặt bằng cho chủ đất; hỗ trợ phân bón, thuốc bảo vệ thực vật... Nhất là có đề xuất, khuyến nghị giúp bà con lựa chọn vị trí canh tác bảo đảm an toàn, giảm thiểu tối đa thiệt hại do thiên tai.

Dù bị thiệt hại nặng nề, khả năng khôi phục lại vườn phật thủ sau lũ không còn, nhưng hầu hết người dân tại làng phật thủ Đắc Sở không ai muốn chuyển đổi sang cây trồng khác. Bởi nghề trồng phật thủ đã gắn bó, mang đến niềm vui, cơ hội làm giàu cho nhiều thế hệ người dân nơi đây.

Cánh đồng phật thủ chết khô sau lũ lụt.

Đa số các hộ trồng phật thủ ở Đắc Sở có chung mong muốn, các ngân hàng cần sớm có chính sách hỗ trợ vay vốn với lãi suất ưu đãi để bà con có cơ hội để phục hồi lại sản xuất. Đồng thời giãn, khoanh nợ đối với các hộ đang vay vốn.

Bên cạnh đó, các địa phương nơi nông dân xã Đắc Sở đến thuê đất canh tác tạo điều kiện tốt nhất để người dân sớm phục hồi sản xuất sau lũ.

Dẫu trước mắt là một vụ mùa ảm đạm, bộn bề với những buồn, lo của hàng trăm hộ nông dân trồng phật thủ, song hy vọng với sự chung tay, giúp sức và đồng lòng của người dân cùng các cấp chính quyền của thành phố, các hộ trồng phật thủ Đắc Sở có thể gượng dậy để tái thiết những vườn phật thủ, tiếp tục mang đến cho người dân cả nước một loại quả có ý nghĩa tâm linh và là biểu tượng của sự may mắn, bình an...

CÔNG NHẤT-HƯƠNG TRÀ

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/lang-phat-thu-dac-so-mat-trang-do-lu-lut-post832092.html
Zalo