Làng Nủ mãi không quên…
Đêm xuống là lúc đồng bào dân tộc Tày ở thôn Làng Nủ, xã Phúc Khánh, huyện Bảo Yên, tỉnh Lào Cai rì rầm kể chuyện về núi rừng, họ sẽ khắc ghi vào ký ức trận lũ quét kinh hoàng và ám ảnh. Cứ như vậy, bà con truyền miệng lại cho con cháu câu chuyện thảm họa sau cả trăm năm. Giữa những câu chuyện đó hình ảnh anh bộ đội Cụ Hồ luôn là nhân vật trung tâm.
Nước mắt và nỗi nhớ…!
Buổi chiều ngày 24/9, khoảng sân nhỏ trước Nhà văn hóa cộng đồng thôn Làng Nủ, bộ đội xếp hàng, ba lô trên lưng chờ lễ tiễn bộ đội rời Làng Nủ. Hàng trăm đồng bào và các cháu học sinh đến chia tay bộ đội rời làng, người già khóc, người trẻ cũng rơi nước mắt… Khung cảnh này gợi nhớ trước năm 1975, phần lớn thanh niên ở thôn Làng Nủ đều đeo ba lô và cũng cảnh chia tay để những người trẻ vượt Trường Sơn vào chiến trường miền Nam.
Cụ Hoàng Thị Chích thấy cảnh bộ đội khoác ba lô thì “nhớ…nhớ lắm…nhớ hồi đó cũng chia tay ông chồng để đi vào miền Nam”. Năm 1975, gia đình ông bà Hoàng Thị Nhâm và Chiêu Văn Khai có giấy gọi nhập ngũ lần lượt cả 3 người con trai là Chiêu Văn Qua, Chiêu Văn Úc và Chiêu Văn Ít.
Chủ nhiệm hợp tác xã Hoàng Văn Hách chỉ tay về phía cánh đồng dưới chân núi Tát Ma và nói: “Phải vào miền Nam để giải phóng đất nước rồi mang vinh quang về đây, tiếp tục làm ruộng”.
Cả đêm trước khi chia tay 3 người chồng lên đường, ba người phụ nữ Hoàng Thị Chích, Hoàng Thị Kiêu, Nguyễn Thị Khuê khóc rấm rứt trong ngôi nhà sàn, dưới tiếng lá cọ lay xào xạc. Trong làng có người vào tận chiến trường Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế, Quảng Nam Đà Nẵng, Quảng Ngãi… có người tham gia biệt động thành Sài Gòn. Cựu chiến binh Hoàng Thường Tín kể, gia đình có người thân vào tận Sài Gòn, sau đó hy sinh và chôn ở Phước Long (Bình Phước).
Hình ảnh bộ đội khoác ba lô, tiếng loa vang lên và từ “chia tay bộ đội lên đường” được lặp đi lặp lại trong khoảnh sân Nhà văn hóa cộng đồng thôn Làng Nủ. Sát cạnh bên vẫn còn 12 chiếc quan tài được phủ bạt, nhưng vẫn hở ra một góc. Trên những quan tài là chiếc giá treo lủng lẳng chiếc kẻng được treo vội bằng chiếc bình gas màu xanh có chữ Petrolimex.
Dù bận rộn thế nào, dù nước mắt tuôn chảy, nhưng suốt những ngày qua, người gõ kẻng vẫn luôn không được rời vị trí. Bởi chỉ cần các đài quan sát thông báo “có lũ quét” lập tức kẻng khắp nơi vang lên và mọi người hô hét nhau “chạy…chạy lên chỗ cao!”.
Ba người phụ nữ từng tiễn chồng khoác ba lô vào chiến trường miền Nam là Hoàng Thị Kiêu, Hoàng Thị Chích và Nguyễn Thị Khuê, tới giờ chỉ còn bà Chích và bà Kiêu còn sống. Ngày nào bà Chích cũng chạy ra ao cắt rau muống về tặng cho bộ đội. Còn vào chiều ngày 24/9, bà kể lại chuyện những đêm khóc thầm bên núi Tát Ma, cả 3 người phụ nữ ngồi với con trâu dưới gốc cây gạo trong cái rét căm căm, rét vì giá lạnh, rét vì xa vắng người thân…
Bánh lá giang
Thanh niên ở thôn Làng Nủ trước đây khoác ba lô vào chiến trường miền Nam, ai cũng nhớ đến bóng những đồi cọ xanh tươi mát trên lưng đồi. Nhớ đến ngọn núi Con Voi và những dòng suối chảy róc rách đã in dấu những năm tháng tuổi thơ. Nhớ cánh rừng bạt ngàn những cây gỗ vài người ôm không xuể trên đỉnh núi.
Nhớ đến lưng đồi với cánh rừng giang bạt ngàn và lá giang mang về gói bánh. Nhớ đến bát canh nấu lá vón vén với các loại cá suối như: Chày đất, cá đuôi đỏ, cá hột mít…Cựu chiến binh Chiêu Văn Qua, SN 1956 ngồi trên nhà sàn và hồi tưởng lại những năm tháng khoác ba lô rời Làng Nủ.
Đêm 23/9, những người phụ nữ ở thôn Làng Nủ hái lá giang về gói bánh để ngày mai chia tay bộ đội. Đã 15 ngày bộ đội tham gia các hoạt động tìm kiếm các nạn nhân mất tích, tính đến nay cả thôn còn 9 người mất tích, 58 người chết do trận lũ quét vào sáng sớm ngày 10/9. Lũ ập xuống từ đỉnh núi Con Voi, trườn theo bờ suối rồi ập xuống ngôi làng nằm ở ven suối. Lũ bùn có nơi cao đến 30 mét. Dấu tích của trận lũ in trên lưng núi, giống như “vạch khắc” và nhìn vào đó là ước tính được chiều cao của bùn đất.
Ngôi nhà của ông Chiêu Văn Qua nằm gần điểm đội quân khuyển của Trường Trung cấp 24 Biên phòng đóng quân. Ông đã quen mắt với cảnh buổi sáng bầy chó được đưa ra xe rồi lên bãi tìm kiếm, buổi trưa, cả chục chú chó được đưa vào rừng quế để nghỉ và những người lính tranh thủ tắm cho chó để trôi đi bớt bùn lầy dính bê bết trên thân…
Chiều 24/9, đông đảo người dân tại thôn Làng Nủ, xã Phúc Khánh, huyện Bảo Yên, tỉnh Lào Cai đã đến tiễn hơn 400 cán bộ, chiến sĩ thuộc lực lượng Quân khu 2, BĐBP Lào Cai và các huấn luyện viên, chó nghiệp vụ Trường Trung cấp 24 Biên phòng tham gia nhiệm vụ tìm kiếm cứu nạn cứu hộ trong vụ lũ quét kinh hoàng xảy ra vào sáng 10/9 tại thôn Làng Nủ.
Ở tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi, đồng bào dân tộc Cor, Cơ Tu thường gói bánh sừng trâu để tặng bộ đội vào những dịp tiễn con em lên đường nhập ngũ, còn ở thôn Làng Nủ, đồng bào dân tộc Tày lại gói bánh rợm, bánh gai (giống bánh ú, bánh đòn) để mang tặng bộ đội.
Bà Hoàng Thị En và nhiều phụ nữ kể, trước năm 1975, người thân trong gia đình khoác ba lô vào miền Nam, ai cũng khóc cạn nước mắt; sau năm 1975 tưởng được sống với gia đình, hàng ngày dắt trâu ra tắm dưới gốc cây gạo đầu làng, nhưng rồi họ lại tiếp tục tham gia Trung đoàn 356, Công an nhân dân vũ trang Hoàng Liên Sơn (Lào Cai) để tham gia bảo vệ biên giới phía Bắc. Còn hôm nay lại tiễn con em rời thôn Làng Nủ.
Mong ngày gặp lại!
Bà Hoàng Thị Den, vợ cựu chiến binh Hoàng Thế Nhiệm đi qua chiếc cầu nằm ở giữa làng dẫn đến cây gạo cổ thụ từng là nơi buộc trâu của bà con nông dân thời còn hợp tác xã để đến ngôi nhà sàn. Gia đình bà và con gái đều nhường nhà cho bộ đội đóng quân.
Người chồng của bà sinh năm 1965, tham gia nhập ngũ năm 1984, xuất ngũ năm 1987, là chiến sĩ Đồn Biên phòng Pha Long. Ngày đó chiến tranh biên giới phía Bắc đã nguội dần, vì vậy những người đàn bà trong làng là người mẹ, người vợ không còn cảnh dắt trâu ngồi dưới gốc cây gạo và ngóng mắt đợi chờ. Giờ, trong thời khắc chia tay, cái cảm giác mong chờ ngày gặp lại ùa đến…
Đêm 24/9, đêm đầu tiên vắng bộ đội ở Làng Nủ, bà con tập trung lại thành từng nhóm ở một số ngôi nhà để ngồi cùng nhau nhắc nhớ hình ảnh lính Cụ Hồ. Từ ngày xảy ra trận lũ quét, sạt lở núi, đồng bào luôn dành bên tai này để lắng nghe tiếng động của đất, dù đang nói chuyện, dù làm việc, nhưng bên tai kia vẫn hướng về phía núi Con Voi, phía những chiếc kẻng là bình gas treo lủng lẳng ở các khu dân cư ven suối. Đồng bào miền núi thường nói chuyện rù rì, truyền miệng lại những biến cố để con cháu lưu giữ. Với thôn Làng Nủ, biến cố mất mát, sập đổ, tan hoang và cả câu chuyện bộ đội về làng sẽ rủ rỉ mãi theo thời gian…