Làng Nủ - ký ức đau thương và nỗ lực hồi sinh
Làng Nủ - ngôi làng nhỏ bé, yên bình dưới chân núi Con Voi, với dòng suối Nủi chảy qua, bao quanh là những khu rừng xanh mướt, ngôi làng của người Tày, người Dao sống đoàn kết, gắn bó. Vậy mà, dường như chỉ sau vài cái chớp mắt, chốn bình yên đó đã hóa thành một bãi bùn mênh mông, hoang tàn.
Không còn tiếng cười, không còn tiếng người gọi nhau trên những cánh đồng đang màu xanh cốm. Dòng nước đục ngầu đã cuốn phăng mọi dấu tích của sự sống. Nếu không đi đến tận nơi, chứng kiến cảnh tượng tang thương, chúng tôi không thể nghĩ rằng, nơi đây từng là tổ ẩm hạnh phúc của hàng trăm con người.
Chỉ còn trong ký ức
Người dân Làng Nủ sống rất ấm no, hạnh phúc, bình yên với niềm tin rằng, nơi đây là nơi che chở an toàn giữa thiên nhiên bao la. Thế nhưng, khi mẹ thiên nhiên nổi giận, cũng là lúc tai họa ập đến. Buổi sáng định mệnh 10/9 ấy, "Con Voi" bất ngờ trở mình với hàng triệu khối đất đá, mảnh đất an bình, màu mỡ, trù phú với những cánh đồng lúa bạt ngàn đó bỗng chốc chỉ còn là những mảnh vỡ trong ký ức và trở thành nỗi đau dai dẳng không thể xóa nhòa của những người ở lại. Họ lặng lẽ, với những khuôn mặt thất thần, đôi mắt đỏ hoe, vô hồn, cứ mãi hướng ánh nhìn về nơi xa xăm như đang tìm kiếm một phép mầu.
Họ, không còn đủ nước mắt để khóc nữa. Cơn lũ dữ chẳng khác nào một cơn ác mộng quét qua cuộc đời họ, cướp đi người thân, họ hàng của họ. "Sợ lắm, đến giờ tôi vẫn còn sợ. Giờ nghe tiếng mưa rơi ở Làng Nủ cũng sợ", một người dân chưa hết hoàn hồn chia sẻ. Tới thời điểm tối 14/9, còn 36 người vẫn đâu đó rải rác ngoài kia dưới lớp bùn đất nặng trĩu. Họ có thể là những người ông, người bà, người bố, người mẹ, người con… của những người ở lại.
Thật xót xa, đau lòng khi tận mắt chứng kiến những đôi tay run rẩy đào bới từng lớp bùn tìm kiếm người thân, tìm kiếm những gì còn lại của cuộc đời trước kia. Và nỗi đau càng khắc sâu hơn mỗi khi một thi thể được tìm thấy. Dòng người đứng ở hiên Nhà văn hóa thôn Làng Nủ lại ào tới nhận xem có phải người thân của mình hay không. Tiếng khóc than vang lên khi có người nhận thấy họ hàng của mình, gào gọi tên người thân. Xót xa hơn, trong số những thi thể được tìm thấy, có nhiều thi thể không còn nguyên vẹn.
Như trường hợp mẹ của anh Hoàng Văn Thợi, khi tìm thấy bà vào chiều 10/9, chỉ là phần trên cơ thể. Phải đến sáng 11/9, nửa còn lại mới được tìm thấy. Hay trường hợp các cháu Khôi, Long, Lan, khi tìm được, "các cháu quần áo rách nát, thiếu tay thiếu chân, không còn hoàn chỉnh nữa, có người mất cả đầu", theo lời kể của cô Hoàng Thị Nự, giáo viên Trường Mầm non số 1 Phúc Khánh.
Ở phía trước bên phải sân Nhà văn hóa, trên bậc thềm xi măng bên cạnh dòng suối đang cuộn chảy đục ngầu bùn đất là cơ man những chiếc áo quan lạnh lẽo. Trong mỗi chiếc áo quan đó là một cuộc đời, một gia đình, một người ông, một người bà, một người cha, người mẹ, người con đã ra đi mãi mãi. Cạnh đó là chiếc xe tải chờ để đưa họ thêm một đoạn đường trong hành trình cuối cùng rời cõi tạm. Chủ của chiếc xe này cũng là một nạn nhân của cơn lũ dữ và hiện anh vẫn bặt vô âm tín.
Khóe mắt chúng tôi đã ướt nhòe trước cảnh một bà mẹ già chạy theo xe và gọi với trong tận cùng nỗi đau: "Con ơi, ở lại với mẹ, con ơi!". Rồi một người đàn ông trung niên thều thào chia sẻ, tất cả những người thân của ông đã bị dòng nước cuốn trôi. Tới giờ, chỉ chưa tìm được duy nhất thi thể của con trai ông. "Đợi khi tìm được thi thể của cháu, tôi sẽ đi đoàn tụ với họ", ông cố gắng phát ra từng từ.
Còn cô bé tầm 3-4 tuổi kia thì hồn nhiên "Mẹ cháu được tìm thấy rồi, mọi người cuốn chiếu, đưa đi đâu rồi" khiến mọi người xung quanh không cầm được nước mắt. Họ đã không còn người thân, không còn nhà cửa, không còn đất đai canh tác, không còn tài sản. Trước mắt họ giờ là một tương lai vô định với một chặng đường dài đầy gian nan để hồi phục.
Nỗ lực của lực lượng y tế cơ sở
Tại phòng Hồi sức Cấp cứu, Bệnh viện đa khoa huyện Bảo Yên, bà Hoàng Thị Thanh (53 tuổi) đang ngồi bó gối chăm cháu ngoại - cháu Hoàng Ngọc Lan (6 tuổi). Cô bé vừa trải qua lễ khai giảng đầu tiên trong cuộc đời thì 5 ngày sau, tai họa đã ập đến với gia đình cháu. Bố mẹ cháu và người anh trai 13 tuổi đã không thoát khỏi lưỡi hái của tử thần. Cháu bị lũ cuốn văng ra ngoài bờ ruộng, may mắn bị giắt lại và được người làng đưa tới bệnh viện.
Khi hay tin, bà Thanh hớt hải chạy vào viện chăm cháu. Sau 2 ngày được các bác sỹ tích cực cứu chữa, cháu đã tỉnh táo trở lại, đã nhúc nhắc ăn được cháo nhưng do bị đa chấn thương phần mềm nên cháu còn rất đau ở lưng và chân. Cùng chung câu chuyện, chị Hoàng Thị Đàn (41 tuổi) ngồi chăm sóc cháu Hoàng Gia Bảo (7 tuổi). Cả bố mẹ và cháu Bảo - anh Hoàng Văn Tuân (37 tuổi) và chị Hoàng Thị Quyến (34 tuổi) là em của chị Đàn - đều bị lũ quét vùi lấp trong đống đổ nát.
Chiều 11/9, lực lượng tìm kiếm tìm thấy thi thể của anh Tuân và đưa đi chôn cất, còn chị Quyến vẫn đang mất tích. Cháu Bảo là con trai thứ 2 của vợ chồng anh Tuân may mắn thoát nạn, được người dân tìm thấy cách khu vực sạt lở gần 500m, được chẩn đoán qua cơn nguy kịch nhưng việc điều trị vẫn còn phải kéo dài do cháu bị đa chấn thương phần mềm. Ngoài cháu Bảo, người con trai đầu của vợ chồng anh Tuân là cháu Hoàng Xuân Phúc (15 tuổi) đang học tại trường nội trú huyện Bảo Yên. Trước khi xảy ra lũ quét một ngày, anh Tuân có đưa cháu Phúc lên trường huyện để học nên cháu may mắn thoát nạn.
Hôm 10/9, sau khi lực lượng cứu nạn tìm thấy thi thể của anh Tuân, người nhà đã đưa cháu Phúc về nhìn mặt bố lần cuối, khi biết bố mất, mẹ chưa tìm thấy, em trai phải nằm viện cấp cứu, cháu Phúc đã gào thét khóc cạn nước mắt. Hiện cả bà Thanh và chị Đàn không chỉ phải đối mặt với nỗi đau mất đi người thân mà còn thương và lo cho tương lai của những người cháu tội nghiệp.
Sau thảm họa lũ quét tại Làng Nủ, những em nhỏ mồ côi đang phải đối diện với muôn vàn khó khăn. Không chỉ là nỗi đau khi mất đi gia đình, người thân, mà các em còn phải học cách thích nghi với cuộc sống thiếu thốn và bất định, khi tương lai phía trước là cả một khoảng trống mênh mông.
Cháu Mông Thị Bảo Ngọc (11 tuổi) không may mắn như Lan và Bảo. Là bệnh nhân đầu tiên của trận lũ quét, Ngọc được bác của mình tìm thấy sau khi bị lũ cuốn trôi gần 1km và được đưa tới bệnh viện vào khoảng 8h05 ngày 10/9 trong tình trạng từ đầu đến chân quần áo nhuộm bùn đất, tóc bết bùn, da mặt nhợt nhạt, tái tím vì ngâm nước lâu; toàn thân đầy những vết trầy xước… Những biện pháp khẩn cấp ngay lập tức được thực hiện: Trước tiên phải cởi bỏ quần áo đầy bùn đất, xối nước rửa sạch bùn đất trên người nạn nhân sau đó tiến hành các biện pháp nghiệp vụ; nội soi ngay trên giường bệnh…
Bác sĩ Phạm Hồng Việt, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa huyện Bảo Yên kể lại: "Nạn nhân bị đa chấn thương, nội thương nặng bên trong. Nguy hiểm nhất là sặc do hít phải bùn gây tổn thương phổi trầm trọng; chấn thương sọ não; bùn đất bít kín lỗ tai, mũi, mắt… ". Tiên lượng tình trạng bệnh nhân rất nghiêm trọng, kíp bác sĩ dồn sức cố giành lại cháu từ tay tử thần. Nhưng cuối cùng, mọi nỗ lực vẫn trắng tay. Cháu Ngọc không qua khỏi. Bố mẹ cháu cũng bị cơn lũ dữ cướp đi sinh mạng.
Trong số 158 nhân khẩu sinh sống tại Làng Nủ, có 18 cháu đang trong độ tuổi mầm non (0 - 5 tuổi), trong đó 10 cháu đi học tại Trường Mầm non số 1 Phúc Khánh. Sau 3 ngày tìm kiếm, tới nay đã tìm thấy 8 cháu tử vong, 1 cháu 3 tuổi bị thương đã được đưa đi viện, còn 1 cháu (Nông Hoàng Nam - sinh năm 2019) vẫn đang mất tích. Đây đều là học sinh của trường mầm non nơi cô giáo Nông Thị Nự giảng dạy.
Vừa khóc nức nở, cô giáo Nự chia sẻ: "Các con ngoan ngoãn, sống tình cảm. Bạn Nông Hoài Nam rất thích sưu tập siêu nhân, thích mặc áo cờ đỏ sao vàng. Lúc nào con cũng bảo thích mặc áo cờ đỏ sao vàng. Bạn hay cười là bạn Hoàng Phúc Lộc (4 tuổi). Mỗi khi cô khen "bạn Lộc đẹp trai thế" là Lộc lại cười tủm tỉm. Hay con Nguyễn Minh Khôi có điểm yếu là sợ ăn các món đậu, đỗ, phần ăn của con khi nào có món này con đều để lại. Cô phải động viên con, ăn nhiều đậu, đỗ để thông minh hơn. Con đang hứa sẽ sớm làm quen với món ăn này…
Bạn Quân thì ước mơ lớn lên làm bác sĩ cứu chữa bệnh cho mọi người. Sau này lên lớp 1 con thích được mẹ mua cho xe đạp đi học. Nhưng giờ cả mẹ, cả Quân và anh trai đã bị nước lũ cuốn trôi, chỉ còn lại chiếc khăn, gối thìa của con ở lớp mầm non. Bạn Lương Gia Huy (4 tuổi), mới chuyển khẩu từ Vĩnh Phúc về Làng Nủ ở cùng ông bà nội. Chỉ còn chờ thông báo nhập trường đi học mà không kịp".
Rối bời sắp xếp lại kỷ vật của các con, cô Nự bùi ngủi: "Chúng em sẽ lưu giữ những kỷ vật này của các con. Sau này, khi đã ổn định lại cuộc sống, nhà trường sẽ tra trả những vật dụng còn lại của các con cho gia đình. Nếu cháu nào may mắn còn bố mẹ hoặc anh em họ hàng thì giữ làm kỷ niệm hoặc làm thủ tục khai tử cho các cháu. Những gia đình nào đã mất hết, các cô sẽ giữ lại, là kỷ vật cuối cùng mà cô trò mình được học, ăn ngủ với nhau với rất nhiều kỷ niệm. Năm học mới bắt đầu từ 28/8, vừa khai giảng được mấy ngày thì lại bị như thế".
Cô giáo Nự chia sẻ thêm rằng, đa số các học sinh của cô đều là hộ nghèo, gia đình khó khăn. Có những hoàn cảnh thương tâm các con mất cả gia đình. Những cháu may mắn sống sót thì mất cả cha mẹ, anh chị, trở thành những đứa trẻ mồ côi trong chốc lát. Năm học mới, nhà trường sẽ khắc phục khó khăn để cho các em được đến trường, thắp tiếp ước mơ của người dân vùng lũ.