Cột khói về trời
Nhớ hồi nhỏ, tôi hỏi: 'Bộ nhà mình nghèo hả má?'. Má cười sặc sụa, trả lời: 'Chưa! Nhà mình chưa có cái sổ hộ nghèo!'. Lớn xíu tôi mới biết là nhà tôi cũng không có luôn sổ hộ khẩu. Cái gọi là 'nhà' đó chỉ là cái chòi nhỏ má tự dựng lên, nhờ năn nỉ ỉ ôi với chủ bãi rác suốt cả tháng trời ròng rã.
Nhà tôi nằm trên một cái cù lao lớn, rất lớn. Lớn tới nỗi nhiều người còn không biết đó là cù lao, tưởng đất liền. Mỗi năm một lần, được bỏ hết xô bồ xô bộn ở thành phố, tôi nôn nao trở về nhà để ăn Tết với má. Về nhà, là nhất định phải đi phà qua sông. Mà làm như trùng hợp, lần nào tôi đứng trên boong-ke, ngó qua bờ quê hương bên kia cũng thấy một cột khói đen kịt chọc thẳng đứng lên lòng trời. Thấy cái cột chống trời đó nghĩa là sắp tới nhà rồi đó!
Một vài người trên phà thắc mắc: “Cột khói gì ta? Đốt đồng hả?”. Tôi cười thầm, chắc họ là người xứ khác đi ngang. Khói đốt đồng nào mà đen kịt như trời mưa vậy được? Trên cù lao thì không bao giờ có đồi núi, nhưng mà quê tôi có. Nhà tôi ở ngay bên chân núi, ngọn núi chót vót, chơi vơi, không bao giờ có du khách lui tới. Nhà tôi tí tẹo, nép mình hiền khô ngay dốc triền nham nhở. Núi phủ bóng bao trùm hết khu nhà lá chung quanh. Núi đó là núi rác.
Nhớ hồi nhỏ, tôi hỏi: “Bộ nhà mình nghèo hả má?”. Má cười sặc sụa, trả lời: “Chưa! Nhà mình chưa có cái sổ hộ nghèo!”. Lớn xíu tôi mới biết là nhà tôi cũng không có luôn sổ hộ khẩu. Cái gọi là “nhà” đó chỉ là cái chòi nhỏ má tự dựng lên, nhờ năn nỉ ỉ ôi với chủ bãi rác suốt cả tháng trời ròng rã. Nhà nhỏ nhưng ấm cúng, mái lợp lá dừa nước, vách bên này ván, bên kia gạch, còn cái cửa thì là một miếng bạt nilon sọc xanh, trắng, đỏ.
Cái bạt đó rất đẹp, sáng nào tôi ngủ nướng cũng thấy nắng chiếu xuyên vô làm đồ đạc trong nhà nhuộm đủ các màu. Khoảng màu đỏ rất thấy ghét, nó hay rọi trúng ngay mắt làm tôi tỉnh giấc. Thường thì tôi sẽ trườn lên một tấc, cho rớt vô khoảng xanh, nó dịu hơn. Vậy là tôi có thể tiếp tục say giấc nồng.
Nhưng chỉ có mình tôi là được ngủ thôi, vì từ nửa khuya là má đã phải thức dậy đi làm việc. Công việc của má có đồng phục rất ngầu! Nón lá, khẩu trang, áo sơ mi dài tay bằng vải nỉ dày cộm, bao tay len và ủng cao su. Má cầm theo một cây cào, đầu gắn đèn pin, lưng đeo cần xé. Rồi đó, cứ vậy má leo dốc ào ào, lầm lũi từ từ tới sáng là lên tới đỉnh núi. Má là nhà leo núi giỏi nhứt trên đời!

Minh họa: Đỗ Dũng
Hồi đó tôi khờ hết biết, luôn tin vô câu chuyện của má. Đi học bị bạn chọc không có cha, khóc lóc về hỏi má lý do, má tỉnh queo: “Lụm con ở bãi rác!”. Ờ he, gần sát bên mà, hợp lý quá! Sau đó, tôi kể với tụi bạn, tụi nó cười rần lên, câu đó là mấy vị phụ huynh nói xạo con cho vui thôi. Đứa thì lụm ở chợ, đứa thì bụi chuối, có đứa còn được đẻ ra từ nách nữa. Tôi giận má lắm, giãy nảy cả thời gian dài. Tôi không biết khi trả lời tôi kiểu cà rỡn đó má đang nghĩ gì? Thấy má tần ngần ngó lên đỉnh núi rác, nơi mặt trời ngày nào cũng mọc, rọi lên nóc nhà mình. Núi rác đó coi như là vốn quý nhứt cuộc đời của má ngoài tôi rồi, còn gì nữa.
Sống ở núi rác, người ta nhất định phải làm quen với ba việc. Thứ nhứt, mùi thúi. Thứ hai, nước đen. Và thứ ba, nó rất vô hình, khó diễn tả lắm. Phải dạn dày kinh nghiệm như hai má con tôi mới vượt qua được.
Cái thứ mùi hương đó, phải nói, tôi cũng đã đi rất nhiều nơi, không đâu có thứ mùi nhức đầu kinh khủng như núi rác. Người lạ lỡ có ghé vô thì thế nào cũng bị xú uế đấm vô mũi một cú đau điếng nhớ đời. Thứ mùi thúi mà không bút mực nào tả được, không trí tưởng tượng nào khắc họa ra nổi.
Rác hữu cơ như cơm thiu, rau củ dập, cá chết, chó chết, heo chết, mèo chết, sẽ hòa vào rác vô cơ như vỏ sò, vỏ ốc, cao su cháy, tất cả trộn chung một đống, xào lên thành một dãy núi cao mười mấy mét, dài ngoằn. Trời nắng thì rác phân hủy, mùi hương bốc lên ngùn ngụt, tỏa ra bát ngát mười phương tám hướng. Trời mưa thì còn đỡ xíu, nhưng mưa tạnh thì nước ủ chung vô rác sẽ thăng hoa lên bảy, tám lớp hương khác nhau.
Rồi dòng nước đen cứ vậy mà chảy ra, men theo đất cát xối xả. Thứ nước đó mang theo hết tinh túy của triệu thứ bẩn thỉu, ngập ngụa sình đất khắp núi. Có khi bão, nó còn tràn vô nhà tôi. Nhớ năm nó thành lũ, má vừa lấy bao cát chặn cửa vừa hét lớn: “Tát nước!”. Cặp chân như hai que củi của tôi sau mùa đó mọc lên biết bao nhiêu là nấm mốc. Đời hai má con thuở ấy cũng mốc meo theo.
Sống trong không gian đó, chúng tôi phải tự tập cho mình khả năng miễn dịch. Đau mắt đỏ, viêm hô hấp, rối loạn tiêu hóa, rồi cả dịch tả, chưa bệnh nào mà tôi chưa từng trải qua. Dân cào rác non nghề đi vô là phải đổ dầu xanh lên mũi, rồi thiếu điều tắm dầu xanh thay nước, để hòng dùng cái mùi the the kia át đi. Nhưng làm sao được, cũng vậy thôi. Phải như mẹ con tôi, tự phong bế khứu giác cho tới khi nó thành phản xạ vô điều kiện, tới lúc đó mới không còn cảm thấy thúi nữa.
Hồi nhỏ, núi rác là sân chơi của tôi. Gió đưa mùi thúi qua hướng Nam, tôi chạy qua hướng Bắc mà nhảy dây. Gió đẩy qua hướng Tây, tôi lại lòn qua triền Đông mà đá banh. Dần dà sau này, tôi chẳng thèm né hướng gió nữa. Thậm chí, tôi còn có riêng một bộ sưu tập đồ chơi nhặt nhạnh từ núi rác. Tôi là con trai mà chơi tuốt luốt từ búp bê gãy giò, gấu bông sứt tai, xe hơi rớt bánh. Đống đồ chơi của tôi chất cao trong góc nhà, đảm bảo trong lớp không đứa nào nhiều bằng.
Còn nạn ruồi. Hơn hai phần ba dân số ruồi của cả cù lao đều tập trung về núi rác. Ruồi ở chỗ tôi không còn kêu là cá thể, mà phải gọi là quần thể. Chúng đi thành đàn như vịt chạy đồng, to lớn dị thường, vo ve đinh tai nhức óc. Tới mùa nóng, tôi chỉ cần quơ tay một cái là có thể chụp cả nắm ruồi. Tụi nó đẻ nhiều và nhanh, dân số tăng cao chóng mặt. Khi đó, giơ một cục đá lên là thấy giòi bò lúc nhúc. Khi ăn cơm, má phải giăng mùng. Từng đàn ruồi ầm ĩ oanh tạc chung quanh, thiếu điều muốn xé toạc mùng mà chui vô ăn ké.
Ở núi rác không có điện và cũng không có nước. Má phải sạc bình ắc quy ở tiệm tạp hóa ngoài chợ để mở đèn, còn nước là cũng mua từng can. Sinh hoạt rất khó khăn nếu chưa quen, nhưng nhà vệ sinh của chúng tôi thì rộng mênh mông, có thể nhìn trời xanh mây trắng và nghe được gió thổi vi vu khắp chốn. Đêm ở đây lắng đọng. Không gian đen đặc mịt mùng, nhúng ngập vào mùi xú uế, chỉ thấy anh ánh mớ chai nhựa và bịch nilon trên núi. Giữa vùng đen tịch mịch hãi hùng đó, bóng đèn cà na nhỏ xíu trong nhà mà vẫn rọi sáng từng đêm lên trang tập của tôi, dù leo lét. Thớ giấy nào cũng ướp thắm đượm mùi rác đang phân hủy.
Còn chuyện cuối cùng mà tôi nói trừu tượng, đó chính là “mặc cảm”. Thường thì người sống ở núi rác rất ghét phóng viên, báo đài. Có cái gì thơm tho, đẹp đẽ đâu mà quay, mà viết? Nhất là đàn bà, họ thường che mặt kín mít suốt ngày, không bao giờ tháo ra. Họ còn sợ mình đã quen với cái thúi, không cảm nhận được, biết đâu trong tóc mình sau ba lần gội vẫn còn một chút xíu nào đó mùi xú uế? Bước ra chợ người khác vẫn ngửi ra, hỏi trổng lên: “Ủa? cái gì thúi dữ vậy ta?”.
Ai hỏi tên tuổi, quê quán, họ cũng lờ đi chẳng thèm trả lời. Chắc là họ còn hy vọng một ngày nào đó thoát được khỏi núi rác, được tự hào nói ra cái tên cha sanh mẹ đẻ, gốc ở Cà Mau hay Bạc Liêu, hãnh diện nói với đời rằng tôi làm nghề đạp xe lôi hoặc bán ve chai, chưa từng dính vô cái nghiệp tay trái cào tay phải phân loại?
Ai sao tôi không biết, má tôi thì không vậy. Nhớ có lần phóng viên vô quay, má đã cười toe, dõng dạc nói đùng đùng vô mi-cờ-rô: “Tui tên Thắm, ba mư chín, quê Chắc Cà Đao, khổ quá nên đi cào rác được mười tám năm rồi! Bây giờ con tui đã vô năm nhứt Trường Sư phạm! Nó là thầy giáo, nó giỏi lắm đó mấy cô mấy cậu ơi!”. Con giỏi chỗ nào đâu má? Con giỏi mà còn để má đi cào rác tới bây giờ sao má?
Chuyện in vô trong đầu tôi tới lớn là vòng lặp làm việc một ngày của má. Má làm ba trăm sáu mươi lăm ngày một năm, không tính mấy bận một trong hai chúng tôi bệnh liệt giường. Một giờ ba mươi phút sáng là rác về. Khi đó, hàng mấy chục người “ăn rác” phải đứng tụ lại trước núi, không được manh động. Giờ đó là đợt hàng đầu tiên trong ngày, là nước một, là ẩn chứa bao nhiêu huyền cơ trong đó.
Chủ bãi sẽ xuất hiện với tiếng nạt nộ, vàng vòng đỏ chóe, xe đắt tiền, đèn pin sáng rực. Sau đó, ông thu lệ phí từng nhà leo núi, và đúng hai giờ thì khai mạc trận đua vượt chướng ngại vật, mà đối thủ không ai khác chính là lối xóm của mình. Người ta giành nhau leo lên đầu tiên, ai lên trước, cào trước thì có cơ hội lụm được của quý cao hơn.
Má luôn là người nhanh nhứt. Cái đèn pin trên đầu má sẽ dễ dàng lia trúng những gờ rác chắc chắn. Đôi ủng cao su dưới chân má sẽ vững chãi trụ lên những mỏm rác nhấp nhô. Bàn tay trái sẽ quét lia lịa qua từng mớ bịch, hộp, thùng, bị. Những ví, bóp, balo, túi xách và áo quần luôn được săn đón nhất. Người ăn rác vẫn nuôi hy vọng lận trái một cái ví rớt ra tờ năm trăm ngàn, hoặc dưới đáy một cái vali vẫn còn sót lại một khoen vàng sáng loáng. Hễ ai la “Á!” lên là hết thảy sẽ đổ dồn ánh mắt tới đó. Chừng vài trăm lần thất vọng thì sẽ có một lần thấy người đó nhảy tưng tưng, dù chỉ là một tờ hai chục ngàn nhàu nát nhăn nheo.
Có lần má tôi cào trúng một túi đựng đầm cưới. Những cái đầm lộng lẫy, bung xòe trắng xóa ra nền chai nhựa, lon bia, bịch nilon. Người nào đó nói ới qua, hay bà lấy chồng nữa đi cho đỡ khổ? Xong người ta cười ha ha lên, trong khi má ngó xuống thấy một tấm hình ép gỗ tổ bố, có in hình cô dâu chú rể chu mỏ hun nhau trong mớ rác. Má cuộn tấm áo đắt tiền, quăng cái sột vào cần xé sau lưng.
Lần khác, một bọc nilon xổ ra cả nắm kim tiêm, trong xilanh còn dính miếng gì đo đỏ. Tay má lỡ quệt trúng một cái, mũi kim xuyên qua bao tay. Mặt má xanh rờn, tức tốc bỏ ngang công việc, tụt thẳng xuống núi rồi chạy như bay về nhà. Lần đó má khóc rức, vô tới bịnh viện, cầm tờ xét nghiệm trên tay rồi mà vẫn hỏi đi hỏi lại bác sĩ: “Vậy là tui không có sida phải không bác? Tui không có bịnh đúng không bác?”. Má sống khổ vậy mà vẫn còn muốn sống tiếp. Chắc má sợ má mà đi thì tôi phải nối tiếp khúc đời cào rác, phải đâm đầu vào những thứ phế thải tới già, giống như má.
Chuyện mò trúng miểng chai, đinh sét, lưỡi dao là như cơm bữa. Có lần má mò trúng thứ đáng sợ hơn nhiều. Lần đầu tiên trong đời tôi nghe người đàn bà cứng cỏi như má phải hét rú lên vang vọng giữa những núi rác, rồi khóc tới thảm thiết. Má quỵ xuống giữa đỉnh núi, moi cái bọc, nâng lên tay mà nước mắt tuôn như mưa. Bà con xúm lại coi, trên tay má là một đứa nhỏ. Đứa nhỏ khô đét, quay quắt, còn nguyên cuốn rún. Tôi đã khóc lên theo má vì sợ. Hình ảnh đó khủng khiếp thật sự, giữa muôn vàn rác rến, chất thải bỏ đi của loài người. Sau đó, má đóng cái hộp cây nhỏ, để đứa nhỏ vô rồi mang ra bụi cây ven sông mà chôn cất. Dù má có lên chùa cầu siêu cho nó, nhưng thỉnh thoảng tôi vẫn có cảm giác nó còn ở bụi cây, ngó mắt qua coi má leo lên đỉnh núi rác mỗi ngày.
Tôi được nghỉ lễ, về nhà ở với má mấy ngày Tết. Không năm nào nhà tôi có cây mai. Má nói: “Xung quanh toàn rác rến, biết để nó ở đâu?”. Thật ra, những ngày Tết đối với chúng tôi là ngày làm việc. Sau rượu thịt, chè chén, lễ tiệc của ba ngày Tết, khối lượng rác tăng vọt không ngờ. Đây mới là dịp chúng tôi kiếm “tiền thưởng Tết”. Tôi đã lớn nên cũng đi theo làm phụ má. Chúng tôi cào quần quật qua mùng bốn, năm, sáu,… tới rã rời tứ chi mà má vẫn còn muốn cào tiếp.
Tôi nói má nghỉ ngơi đi, tiền kiếm đủ rồi, ăn Tết thôi má. Rác đâu có bao giờ hết mà má cào hoài? Má cười: “Ráng đi, hết nghèo mới có Tết!”. Vậy đó, nên cuối năm, thứ thôi thúc tôi về quê không phải là bao lì xì, bánh tét, thịt kho, dưa giá. Thứ giày xéo ruột gan và thôi thúc đẩy tôi trôi ngược về cù lao là má và những buổi đi cào rác. Dù là có tôi thì sản lượng cũng không tăng thêm bao nhiêu. Nhưng khi đó, xen giữa những nhát cào sẽ là nụ cười của má. Tôi nghĩ đó chính là cái Tết trong lòng má.
Mỗi ngày, khi mặt trời lên cao, xe rác hoạt động, người ăn rác lũ lượt về tổ. Những thứ tái chế được rồi sẽ bị lọc lại, cân ký tính tiền. Tiền không ít, cũng không nhiều, nhưng đủ. Đồng tiền dơ bẩn mà sạch sẽ đó nuôi tôi suốt từ nhỏ cho tới lớn. Núi rác dưới chân má vơi dần rồi lại cao vút. Má đạp dưới chân lon bia, sắt vụn, ve chai, lông vịt, nhớp nháp, ti tiện và hèn mọn. Má đạp luôn đời mình dưới đôi ủng cao su cũ xì. Má đạp hết. Cái ngọn núi ngút trời trước cửa nhà tôi đó, má dẫm nát nó biết bao nhiêu lần mà kể, từ ngày ròng qua năm rã. Đâu có đỉnh núi nào cao hơn má tôi được đâu?
Rồi về sau, dịp cận Tết, tôi về quê không còn nhìn thấy cột khói đen chống trời sừng sững bên cù lao nữa. Người ta không còn đốt rác. Không, rác thì vẫn còn hoài, vô tận luôn đó, nhưng người ta đã có cách khác xử trí nó rồi! Người ta rải hóa chất, phủ bạt cho rác tự phân hủy. Rồi những thứ tái chế được sẽ tự lọc mình sót lại, rơi ra, không cần phải cào. Bây giờ núi rác phân thành lô, phải có tiền đấu thầu thì mới được đi vô, xúc cái đống hỗn tạp đó về mà sinh kế. Người ăn rác đã biến sang hình thái khác. Má ngác ngơ, không hiểu sao thời bây giờ tới rác mà cũng phải bỏ tiền mua. Khi ấy, má yếu rồi. Đời má có hai thứ à, tôi và núi rác. Rác đã bỏ má mà đi, bây giờ, má chỉ còn có mình tôi.
Tôi đi làm, dành dụm cất cái nhà nhỏ cho má ở. Tôi chọn mảnh đất xa tít đầu bên kia cù lao, khuất mắt núi rác sau những tàng cây xanh um tươi tốt. Tôi muốn dắt má chạy trốn khoảng đời nồng nặc đó. Nửa đêm nằm cạnh má, một giờ ba mươi sáng, má giật mình ú ớ: “Con… ngủ đi… má đi cào nha con…”.
Một cột khói đen xa xăm ở nơi nào đó đang bay tít về trời.