Làng nghề khô cá cơm Sông Ðốc
Nghề làm khô cá cơm ở Sông Ðốc có từ rất lâu đời, nhưng chỉ phát triển mạnh những năm gần đây. Nhiều cơ sở quy mô lớn với hàng trăm lao động, cơ sở vật chất được đầu tư mới, hiện đại, mỗi năm xuất ra thị trường hàng ngàn tấn, doanh thu hàng trăm tỷ đồng, góp phần tăng ngân sách và giải quyết việc làm cho lao động nhàn rỗi ở địa phương.
Thị trấn Sông Ðốc, huyện Trần Văn Thời có hàng chục cơ sở thu mua và chế biến khô cá cơm, trong đó có 5 cơ sở quy mô lớn. Máy sấy, máy hấp được đầu tư hiện đại, dàn phơi rộng hàng héc-ta. Từ thị trấn Sông Ðốc, qua cầu Rạch Ruộng, giáp ranh với ấp Kinh Giữa, xã Khánh Hải là làng nghề khô cá cơm mút tầm mắt. Vào con nước chính vụ, không khí lao động nhộn nhịp, tấp nập, những mẻ cá cơm vừa hấp ra lò khói bốc nghi ngút, các dàn phơi đầy ắp cá. Mùi cá hòa quyện với gió biển lan xa hàng cây số.
Cá cơm được khai thác và chế biến quanh năm, nhưng nhiều nhất là từ tháng 7 đến tháng 2 (âm lịch) năm sau. Cao điểm, mỗi cơ sở thu mua và chế biến hàng trăm tấn, với hàng trăm lao động. Mỗi lao động thu nhập từ 150-200 ngàn đồng/ngày.
Cá cơm sau khi hấp được phơi nắng khoảng 4 giờ là đóng gói sản phẩm giao cho khách hàng. Sản phẩm được tiêu thụ tại thị trường nội địa và xuất khẩu sang Trung Quốc, Ðài Loan và một số nước Ðông Nam Á thông qua các công ty đầu mối.
Mời bạn đọc tham quan các công đoạn chế biến khô cá cơm của Cơ sở Phước Thành, một trong những cơ sở có quy mô lớn của làng nghề khô cá cơm ở Sông Ðốc.