Lắng nghe, chia sẻ, từng bước tháo gỡ những vướng mắc của nông dân

Ngày 31-12, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị đối thoại với nông dân Việt Nam năm 2024 với chủ đề: 'Khơi dậy khát vọng làm giàu để phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc, vững tin bước vào kỷ nguyên mới'. Hội nghị được kết nối trực tuyến tới điểm cầu của 63 tỉnh, thành phố, với sự tham gia của hơn 4.500 hội viên nông dân, đại diện trên 2.000 hợp tác xã.

Thủ tướng Phạm Minh Chính và các đại biểu dự Hội nghị đối thoại với nông dân Việt Nam năm 2024. Ảnh: nhandan.vn

Thủ tướng Phạm Minh Chính và các đại biểu dự Hội nghị đối thoại với nông dân Việt Nam năm 2024. Ảnh: nhandan.vn

Dự Hội nghị tại điểm cầu tỉnh Thái Nguyên có đồng chí Nguyễn Thanh Bình, Phó Chủ tịch UBND tỉnh.

Dự Hội nghị tại điểm cầu tỉnh Thái Nguyên có đồng chí Nguyễn Thanh Bình, Phó Chủ tịch UBND tỉnh.

Phát biểu định hướng, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết cuộc đối thoại nhằm tri ân nông dân, các hợp tác xã, những người làm việc trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn đã đóng góp phần rất quan trọng trong năm 2024 để cả nước cơ bản hoàn thành các mục tiêu, trong đó, lĩnh vực nông nghiệp đạt kết quả rất ấn tượng: xuất nhập khẩu đạt kỷ lục khoảng 62,5 tỷ USD (cao hơn mục tiêu 55 tỷ USD); khẳng định vị thế, vai trò của nông nghiệp, nông dân, nông thôn trong sự phát triển chung của đất nước.

Với tinh thần tri ân, tương tác, tìm ra giải pháp để tăng tốc, bứt phá trong năm 2025, Thủ tướng mong muốn nông dân, các chủ thể sản xuất chia sẻ những trăn trở, băn khoăn trong phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, nâng cao đời sống nông dân; hiến kế, góp ý với Đảng, Nhà nước và cấp ủy, chính quyền các cấp; chia sẻ những kinh nghiệm hay, bài học quý; cùng nhau xây dựng đất nước, phát triển nông nghiệp sinh thái, xây dựng nông thôn hiện đại, nông dân văn minh.

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại Hội nghị. Ảnh: nhandan.vn

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại Hội nghị. Ảnh: nhandan.vn

Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định: Đảng, Nhà nước đang đẩy mạnh 3 đột phá chiến lược là thể chế, hạ tầng chiến lược và nguồn nhân lực; đồng thời nhấn mạnh 9 vấn đề quan trọng để tháo gỡ khó khăn cho nông dân, đưa nền nông nghiệp ngày càng phát triển mạnh. Trong đó tập trung tháo gỡ điểm nghẽn, thể chế, cơ chế, chính sách; quan tâm công tác quy hoạch; quan tâm vốn, bảo hiểm cho nông dân; mở rộng thị trường xuất khẩu; xây dựng thương hiệu chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm; ứng dụng khoa học - kỹ thuật, chuyển đổi số, xây dựng cơ sở dữ liệu ngành Nông nghiệp, chuyển giao công nghệ tiên tiến, công nghiệp xanh; khai thác sức mạnh mềm của truyền thống văn hóa, lịch sử…

Bà Vũ Thị Thương Huyền (Giám đốc Hợp tác xã chè Thịnh An, thị trấn Sông Cầu, Đồng Hỷ, Thái Nguyên) nêu ý kiến tại Hội nghị. Ảnh: nhandan.vn

Bà Vũ Thị Thương Huyền (Giám đốc Hợp tác xã chè Thịnh An, thị trấn Sông Cầu, Đồng Hỷ, Thái Nguyên) nêu ý kiến tại Hội nghị. Ảnh: nhandan.vn

Hội Nông dân tỉnh Thái Nguyên hiện có 177 cơ sở Hội, gần 163 nghìn hội viên. Những năm qua, nông dân trên địa bàn tỉnh có sự thay đổi tư duy từ sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp; phát triển theo hướng nông nghiệp xanh, nông nghiệp tuần hoàn, nhiều nông dân, chủ thể hợp tác xã đã tập trung chế biến sâu theo hướng liên kết tạo chuỗi giá trị; khai thác lợi thế văn hóa, cảnh quan để phát triển gắn với du lịch cộng đồng… Tuy nhiên trong quá trình chuyển đổi, nông dân còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc.

Hội nghị Thủ tướng Chính phủ đối thoại với nông dân là hoạt động thường niên. Qua diễn đàn này, Thủ tướng, lãnh đạo các ban, bộ, ngành, cơ quan Trung ương và địa phương lắng nghe, tiếp thu để từng bước tháo gỡ, giải quyết các kiến nghị của bà con nông dân, hợp tác xã, doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp; những bất cập trong thực hiện chính sách nông nghiệp, nông dân, nông thôn.

Lưu Phượng

Nguồn Thái Nguyên: https://baothainguyen.vn/chinh-tri/202412/lang-nghe-chia-se-tung-buocthao-go-nhung-vuong-mac-cua-nong-dan-ce913c0/
Zalo