Làng nghề cá chép đỏ chuẩn bị vào vụ
Dù còn khoảng một tháng nữa mới đến Tết ông Công, ông Táo, tuy nhiên ngay từ những ngày cuối tháng 12 dương lịch, các hộ nuôi cá tại làng nghề sản xuất cá chép đỏ Thủy Trầm, xã Tuy Lộc, huyện Cẩm Khê đã bắt đầu tích cực kiểm tra, chăm sóc những ao cá chép đỏ để chuẩn bị nguồn cung ứng ra thị trường, phục vụ nhu cầu văn hóa tâm linh của người dân Việt Nam.
Nghề nuôi cá chép đỏ ở làng Thủy Trầm bắt đầu từ những năm 1960 và phát triển cho đến bây giờ, trở thành làng nghề truyền thống nổi tiếng trong và ngoài tỉnh. Năm 2017, UBND xã Tuy Lộc đã thành lập “Hợp tác xã (HTX) cá chép đỏ và dịch vụ tổng hợp nông nghiệp Thủy Trầm” nhằm hỗ trợ người dân sản xuất, kinh doanh cây, con giống nói chung và cá chép đỏ nói riêng. Năm 2018, HTX được cấp giấy chứng nhận nhãn hiệu tập thể “Cá chép đỏ Thủy Trầm” góp phần khẳng định thương hiệu, đẩy mạnh sản xuất, kết nối tiêu thụ, đưa cá chép đỏ vượt cổng làng đến mọi miền Tổ quốc.
Gần 30 năm gắn bó với nghề nuôi cá chép đỏ, bà Trần Thị Hồng, khu Thượng Thọ cho biết: “Gia đình tôi không chỉ nuôi cá chép đỏ mà còn thu mua của các hộ trang trại nhỏ lẻ khác trong xã, vì thế từ cuối tháng 12 dương lịch tôi bắt đầu đến các hộ nuôi để xem chất lượng cá và đặt giữ mối. Đầu tháng Chạp nhà tôi thu gom về sau đó từ ngày 18 tháng Chạp sẽ giao cho các thương lái từ các tỉnh, thành đến mua. Trung bình bán ra khoảng 3 tấn mỗi vụ”.
Theo chia sẻ của bà con nơi đây, người nuôi cá chép đỏ ai cũng phải trải qua nhiều lần “được, mất” mới đúc rút được kinh nghiệm. Cá giống được nuôi từ giữa năm, ban đầu những con cá giống bố mẹ đẹp về màu sắc, ngoại hình, khỏe về thể chất được chọn để nhân giống và chăm sóc đặc biệt trong bể riêng, khi trứng nở 4 ngày, cá con được đưa ra ao nuôi. Thông thường đến khi thu hoạch, cá có kích cỡ bằng 3 ngón tay là đạt tiêu chuẩn. Khoảng từ ngày 17 tháng Chạp, các hộ bắt đầu hút ao, đánh bắt cá để bán cho người dân địa phương và các thương lái trong, ngoài tỉnh.
Theo ông Bùi Văn Chữ - Trưởng làng nghề cá chép đỏ Thủy Trầm: Toàn xã có trên 40ha nuôi cá chép đỏ với hơn 400 hộ dân, trong đó tại làng nghề nuôi cá chép đỏ Thủy Trầm có 250 hộ trực tiếp sản xuất, kinh doanh cá, tổng sản lượng lên đến 40 tấn.
Bình quân, mỗi hộ gia đình tại làng nghề nuôi thả khoảng 8.000-10.000 cá giống, thu hoạch được khoảng 1-2 tạ chép đỏ mỗi vụ. Trước khi đem bán, cá được đánh bắt từ ao và chuyển sang một bể nước trong để quen với môi trường mới và ép cho cá khỏe mạnh, không bị “sốc” khi vận chuyển. Cá chép đỏ Thủy Trầm có các ưu điểm là hình thức đẹp, màu đỏ rực rỡ, vây nhọn, có đôi mắt xanh đen, khỏe mạnh nên được thị trường khắp nơi ưa chuộng.
Thời gian qua, xã Tuy Lộc đã được sự quan tâm, đầu tư hệ thống thủy lợi, đường giao thông nên bà con nuôi trồng thuận lợi, thương lái từ Hà Nội, Sơn La, Hà Giang, Lào Cai... đến tận bờ thu mua, vận chuyển dễ dàng.
Đặc biệt, những năm trở lại đây, để nghề nuôi cá phát triển đem lại hiệu quả kinh tế cao, các hộ gia đình trong làng đã tích cực dồn điền, đổi thửa, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật nên năng suất và sản lượng ngày một tăng. Như những năm trước, giá bán cá chép đỏ tại bờ từ khoảng 80.000-100.000 đồng/kg trở lên, trừ chi phí, bình quân thu nhập 25 triệu đồng/sào, trên 40 triệu đồng/người/năm.
Nghề nuôi cá chép đỏ không chỉ góp phần gìn giữ và phát triển làng nghề truyền thống mà còn mang lại thu nhập ổn định cho người dân nơi đây, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần đồng thời đóng góp chung vào công cuộc xây dựng nông thôn mới tại địa phương.