Làng nghề bận rộn ngay từ đầu năm
Mặc dù bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus Corona (Covid - 19) gây ra đang diễn biến phức tạp làm ảnh hưởng đến sản xuất (SX), giao thương hàng hóa, tuy nhiên, theo ghi nhận của phóng viên tại một số làng nghề của TP những ngày đầu tháng 2/2020, mức độ ảnh hưởng không đáng kể.
Ghi nhận không khí nhộn nhịp tại nhiều làng nghề
Ngày 7/2, phóng viên có mặt tại làng nghề La Phù, huyện Hoài Đức, địa phương nổi tiếng SX bánh kẹo, dệt kim xuất khẩu sang nhiều nước và trong nước. Dọc tuyến đường điểm công nghiệp làng nghề nhận thấy lượng người và xe ô tô tải ra vào nhập hàng hóa rất nhộn nhịp. Chỉ có điều các tiểu thương cẩn thận hơn ngày thường, tích cực đeo khẩu trang, rửa tay kỹ càng, ý thức trong việc phòng, chống dịch Covid - 19.
Tại cơ sở bánh kẹo của chị Tạ Thị Ngát, chị cho biết: Mặc dù mới ra Tết được vài ngày nhưng hôm nào cũng vậy, lượng khách đến cơ sở của chị nhập hàng đông không kém gì trước Tết. Chỉ trong buổi sáng, chị với 5 người giúp việc đã phải tất bật giao hàng cho 14 khách, đồng nghĩa với 14 xe ô tô tải. Tại phía cuối điểm công nghiệp, đại lý bánh kẹo của anh Tạ Tương Đức trong buổi sáng giao dịch được mười khách ở các tỉnh đến nhập bánh kẹo về bán dịp đầu năm.
Tại làng nghề mộc điêu khắc Định Quán, xã Tiền Phong, huyện Thường Tín, đi đến bất kỳ ngõ, ngách nào cũng nghe thấy tiếng đục, chạm tượng gỗ lách cách. Ông Phạm Văn Nhuận, một trong những chủ cơ sở SX lớn ở đây cho hay: Do là địa phương làng nghề nên cứ hết Tết bà con chỉ biết bắt tay vào công việc với thu nhập mỗi người từ 500.000 đến 1 triệu đồng/ngày, vì vậy ai cũng ham công tiếc việc. Để phòng dịch, theo hướng dẫn của UBND xã mọi người phải đeo khẩu trang để bảo vệ cho chính mình. Trong khi đó, Công ty Hahanco do ông Vũ Thanh Liêm làm giám đốc tại làng nghề Lược Sừng (Thụy Ứng, xã Hòa Bình), hàng chục công nhân đang miệt mài đóng gói các sản phẩm mỹ nghệ để chuẩn bị giao chuyến hàng trị giá hàng tỷ đồng đầu năm...
Chủ động phòng chống dịch bệnh
Chủ tịch UBND xã La Phù Tạ Văn Thắng chia sẻ, La Phù hiện có 119 DN, 487 cơ sở SX bánh kẹo và dệt kim giải quyết việc làm cho 16.000 lao động, trong đó có 8.000 lao động của xã với mức thu nhập hơn 90 triệu đồng/người/năm. Từ việc phát triển làng nghề giúp đẩy lùi số hộ nghèo trên địa bàn. “Bất kỳ ai vào đây đều có thể nhận thấy tỷ lệ khách hàng đến làng nghề giao dịch đầu năm 2020 chẳng kém gì mọi năm. Điều này cho thấy người dân hăng say lao động nhưng không quên phòng chống dịch bệnh. Nhằm đảm bảo tốt cho công tác phòng chống dịch bệnh, UBND xã đã phun thuốc CloraminB, rắc 2 tấn vôi bột tại khu vực công cộng, trường học. Cùng với đó, phát hơn 15.000 khẩu trang y tế miễn phí cho người dân, tiểu thương đến địa phương giao dịch” - ông Thắng nói.
Phấn khởi nói về việc người dân địa phương làng nghề đã trở lại lao động bình thường sau dịp nghỉ Tết, Chủ tịch UBND huyện Thường Tín Kiều Xuân Huy cho biết, Thường Tín là địa phương có nhiều làng nghề nên lượng khách đến giao dịch hàng hóa hàng ngày một tăng. Do vậy, ngay từ đầu năm UBND huyện chỉ đạo Trung tâm y tế tổ chức tập huấn công tác giám sát phát hiện dịch bệnh tại cộng đồng cho đội xung kích và hàng trăm cán bộ ngành y tế. Ông Huy khẳng định: “Ngày 31/1, UBND TP ban hành Kế hoạch số 23/KH-UBND về công tác phòng chống dịch nCoV, UBND huyện và các xã, thị trấn đã thành lập ban chỉ đạo phối hợp với Trung tâm Y tế sử dụng 350kg thuốc CloraminB, tổng vệ sinh, phun khử khuẩn 148 trường học. Cùng với đó, cấp phát 46.000 tờ rơi, 350 tờ áp phích cho các gia đình, cơ quan, đặc biệt là làng nghề để chủ động trong công tác tuyên truyền, giúp người dân nhận thức đúng về dịch bệnh, không bị hoang mang. Nhờ đó, những ngày qua người dân làng nghề yên tâm lao động, SX”.
Chủ động phòng chống dịch, nhiều làng nghề của Hà Nội đã bận rộn với công việc ngay từ tháng đầu năm. Đây là tín hiệu đáng mừng đóng góp vào sự phát triển chung của kinh tế Thủ đô.