Khoảng 100 năm trước, những người thợ rèn tại làng nghề rèn Hiền Lương (xã Phong Hiền, huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên - Huế) di cư đến lập nghiệp tại phố cổ Bao Vinh (phường Hương Vinh, thành phố Huế, tỉnh Thừa Thiên - Huế). Lâu dần, hình thành xóm rèn chuyên sản xuất các vật dụng, dụng cụ phục vụ cho đời sống, cũng như hoạt động sản xuất nông nghiệp của người dân. Ảnh: N.Q.
Nghề làm rèn gắn với đời sống văn hóa của người dân ở phố Bao Vinh từ những ngày đầu và tồn tại cho đến nay. Ảnh: N.Q.
Ông Huỳnh Hữu Tuấn (47 tuổi, chủ một cơ sở rèn tại Bao Vinh) cho biết, cơ sở của ông sản xuất quanh năm, đáp ứng nhu cầu của người dân trong và ngoài tỉnh. Các sản phẩm sau khi làm ra được đưa đi các tỉnh, thành lân cận và một số ít được đưa sang Lào. Ảnh: N.Q.
Theo các thợ rèn, nguyên liệu chính để tạo ra sản phẩm gồm thép, sắt, nhôm, đồng hoặc hợp kim đồng... Nguyên liệu phụ trợ thường dùng nung nóng là than hoặc khí đốt và nước hoặc dầu để làm nguội sản phẩm sau khi rèn. Ảnh: N.Q.
Để trở thành một thợ rèn giỏi, đòi hỏi phải có sức khỏe dẻo dai, bền bỉ và lòng kiên trì, nhẫn nại mới có thể bám trụ được với nghề. Ảnh: N.Q.
Theo nhiều người dân, những năm gần đây, các hộ làm nghề tại đây gặp nhiều khó khăn do nhiều yếu tố như thị trường, thu nhập, sự cạnh tranh đến từ các mặt hàng cùng chủng loại được sản xuất bằng máy móc với giá thành rẻ... đã ảnh hưởng đến đời sống của người dân. Ảnh: N.Q.
Cuối tháng 11/2024, UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế có quyết định công nhận làng nghề truyền thống đối với nghề rèn Bao Vinh. Đối với những người thợ rèn Bao Vinh, đây chính là niềm vinh dự và tự hào. Ảnh: N.Q.
Ông Tạ Dương Anh Tuấn, Chủ tịch UBND phường Hương Vinh cho biết, trên địa bàn hiện còn 13 cơ sở làm rèn. Trước đây, cơ sở làm rèn nhiều hơn, tuy nhiên do nhu cầu tiêu dùng nên những năm gần đây số lượng cơ sở làm nghề rèn giảm dần, một số người dân chuyển sang ngành nghề khác để tìm kế sinh nhai. Ảnh: N.Q.
Theo ông Tạ Dương Tuấn Anh, thời gian tới, địa phương sẽ tiếp tục quảng bá sản phẩm, liên kết với các đơn vị, giúp tiêu thụ sản phẩm, gìn giữ và phát triển làng nghề truyền thống. Ảnh: N.Q.
Nguyễn Quốc