Đến Phù Lãng, du khách dễ dàng bắt gặp hình ảnh các sản phẩm gốm với đủ hình dáng, màu sắc, được xếp dọc các con đường làng, ngõ, xóm. Ngoài các sản phẩm gia dụng như ang, chum, vại, gốm Phù Lãng còn được sử dụng để trang trí nội thất và ngoại thất như cổng nhà, cổng làng, cổng chợ. Ảnh: Bảo Ân
Thông tin từ TTXVN, làng gốm này đã hình thành và phát triển cách đây khoảng 800 năm, nổi tiếng với các sản phẩm thủ công truyền thống và đồ gia dụng. Ảnh: Bảo Ân
Theo Cổng TTĐT tỉnh Bắc Ninh, khác với gốm Thổ Hà sử dụng đất sét xanh hay gốm Bát Tràng dùng đất sét trắng, gốm Phù Lãng được làm từ đất đỏ hồng khai thác tại các vùng Thống Vát và Cung Khiêm (Bắc Giang). Ảnh: Bảo Ân
Sau khi lấy đất về, người thợ phải phơi cho bạc màu, trộn đất, đập nhỏ thành từng cục, rồi cho "ngậm" nước và xéo tròn nhiều lần để đất đạt độ nhuyễn mịn. Đất trước khi đưa lên bàn xoay phải được nhào nặn đến chục lần để đảm bảo đủ độ dẻo. Ảnh: Bảo Ân
Nét đặc trưng nổi bật của gốm Phù Lãng nằm ở kỹ thuật đắp nổi theo hình thức chạm bong. Người dân địa phương gọi kỹ thuật này là chạm kép, thường thể hiện các đề tài như tứ linh, nghê, hạc, mặt hổ phù, chữ Thọ, hồi văn, cánh sen, sóng nước... Ảnh: Bảo Ân
Đối với các sản phẩm gốm dân dụng sản xuất đại trà, người Phù Lãng thường hạn chế trang trí. Tuy nhiên, gốm Phù Lãng vẫn thu hút bởi lớp men tự nhiên bền, lạ. Dáng gốm mộc mạc nhưng khỏe khoắn, chứa đựng vẻ đẹp nguyên sơ của đất và mang đậm tính điêu khắc. Ảnh: Bảo Ân
Hiện nay, các sản phẩm gốm tín ngưỡng của Phù Lãng vẫn được tìm thấy tại nhiều di tích lịch sử ở vùng châu thổ sông Hồng như đình, đền, chùa. Những sản phẩm này vừa mang giá trị thẩm mỹ vừa góp phần bảo tồn văn hóa truyền thống. Ảnh: Bảo Ân
Năm 2016, nghề gốm Phù Lãng được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia, ghi nhận giá trị lịch sử, văn hóa và nghệ thuật độc đáo của làng nghề này. Ảnh: Bảo Ân
Đăng Huy Bảo Ân