Làng cổ tích dưới chân cột cờ Lũng Cú
Giữa mênh mông cao nguyên đá Đồng Văn, có một ngôi làng mang tên Lô Lô Chải níu chân du khách bởi không khí yên bình, vẻ đẹp nguyên sơ và nếp sống vùng cao độc đáo.

Quang cảnh làng Lô Lô Chải. (Ảnh: Bùi Văn Hải)
Chuyến đi đến ngôi làng nhỏ nằm ngay dưới chân cột cờ Lũng Cú – điểm cực Bắc của Tổ quốc, đã mang lại cho chúng tôi những trải nghiệm thú vị.
Điểm đến của văn hóa bản địa
Lô Lô Chải (xã Lũng Cú, huyện Đồng Văn, Hà Giang) là nơi sinh sống chủ yếu của cộng đồng người dân tộc Lô Lô, Mông, Dao. Ngôi làng chỉ vỏn vẹn hơn 100 hộ dân nhưng vẫn gìn giữ lối sống truyền thống với những ngôi nhà trình tường cổ kính có tuổi đời hàng trăm năm.
Kiến trúc nhà của người Lô Lô mộc mạc, đơn giản nhưng mang những nét đặc trưng riêng: tường đất kiên cố, dày từ 40 đến 50cm; mái ngói âm dương tránh được cái rét mùa Đông và dịu mát vào mùa Hè; những nếp nhà màu nâu sậm, hàng rào đá xám xếp chồng lên nhau. Không chỉ là nơi cư ngụ, nhà của người Lô Lô còn là một phần của di sản văn hóa, thể hiện sự thích nghi với khí hậu khắc nghiệt vùng cao.
Đặc biệt, giữa nhịp sống hiện đại, phụ nữ Lô Lô vẫn giữ thói quen mặc trang phục truyền thống với những đường thêu tinh xảo, sắc màu rực rỡ thể hiện tay nghề khéo léo và tâm huyết gìn giữ bản sắc. Những bộ trang phục này là một phần không thể thiếu trong các lễ hội gắn liền với đời sống tâm linh của đồng bào qua bao thế hệ như lễ cúng thần Rừng, lễ mừng lúa mới, mừng nhà mới…
Đến Lô Lô Chải, ngoài chiêm ngưỡng vẻ đẹp tự nhiên của núi non, đồng cỏ, rừng sa mộc đặc trưng, du khách còn cơ hội trải nghiệm cuộc sống thường nhật và đời sống văn hóa của đồng bào Lô Lô như dệt vải, may trang phục truyền thống, tham gia các trò chơi và điệu múa dân gian.
Ngôi làng mang lại một cảm giác rất thanh bình, giúp du khách dễ dàng hòa mình vào cuộc sống của người dân bản địa. Với sự chân thành và hiếu khách, bà con nơi đây sẵn lòng chào đón và cởi mở chia sẻ những câu chuyện về cuộc sống, phong tục của họ.

Ngắm cột cờ Lũng Cú từ làng Lô Lô Chải. (Ảnh: NVCC)
Trải nghiệm lưu trú độc đáo
Một trong những điểm ấn tượng khi đến Lô Lô Chải chính là trải nghiệm lưu trú tại các homestay do người dân vận hành. Trong những ngôi nhà bằng đất và gỗ đơn sơ, du khách được coi như một thành viên trong gia đình và trực tiếp tham gia các hoạt động thường nhật của họ.
Buổi sáng, du khách có thể cùng người dân lên nương, học cách dệt vải, thêu thùa hoặc thưởng thức những món ăn dân dã như mèn mén (bột ngô hấp), thắng cố. Buổi tối, bên bếp lửa hồng, du khách nghe người dân kể chuyện xưa hoặc nhâm nhi chén trà trong không gian tĩnh lặng của núi rừng. Một số homestay ở đây còn cung cấp thêm hoạt động dạy thêu thổ cẩm giúp du khách hiểu sâu hơn về đời sống và văn hóa của cộng đồng người Lô Lô.
Anh Bình, du khách đến từ Hà Nội, chia sẻ: “Nghỉ đêm ở Lô Lô Chải, nghe tiếng gió lùa qua mái nhà và sáng sớm thức dậy với tách trà nóng bên bếp lửa thực sự là một trải nghiệm đáng nhớ”.
Từ lời mời gọi của anh Bình, chúng tôi quyết định chọn lưu trú ở homestay mang tên Cực Bắc nằm dưới cột cờ Lũng Cú chỉ khoảng chừng 500m. Vừa bước vào căn nhà nhỏ của vợ chồng anh Vàng Dỉ Phò – Bí thư Đoàn Thanh niên xã Lũng Cú, chúng tôi cảm nhận được sự ấm áp bởi hơi nóng từ một bếp củi lớn cùng hơi thơm nồng của thịt lợn gác bếp, trà tam giác mạch...
Chị Lễ - vợ anh Phò nhanh nhẹn phục vụ cơm khách với các món ăn được chế biến từ nguyên liệu vườn nhà, mang hương vị đặc trưng vùng cao Hà Giang. Mọi thứ diễn ra giản dị, tự nhiên từ bữa cơm dân dã đến những câu chuyện kể bên bếp lửa.
Tại Lô Lô Chải, anh Vàng Dỉ Phò được biết đến như một tấm gương thanh niên điển hình có khát vọng và ý chí vươn lên làm giàu. Tốt nghiệp trường Đại học Công nghệ thông tin và Truyền thông (Đại học Thái Nguyên), sau khi ra trường, chàng trai trẻ quyết định trở về quê hương lập nghiệp.
Anh Phò cho biết, khi các cấp chính quyền có chủ trương hỗ trợ nguồn vốn phát triển du lịch tại Lô Lô Chải, anh là một trong những thanh niên tiên phong mạnh dạn đầu tư xây dựng homestay. Không chỉ phát triển kinh tế tư nhân, anh còn thường xuyên vận động, chia sẻ kinh nghiệm, hỗ trợ một số thanh niên trong thôn cùng làm du lịch, tạo nên phong trào khởi nghiệp mạnh mẽ nơi đây.
Đến nay, trên địa bàn xã Lũng Cú đã có nhiều mô hình phát triển kinh tế tiêu biểu do thanh niên làm chủ, vươn lên làm giàu từ chính thế mạnh của quê hương. Đặc biệt, song song với việc phát triển kinh tế, người dân nơi đầy đều ý thức về quyền và nghĩa vụ bảo vệ chủ quyền lãnh thổ nơi biên cương cực Bắc của Tổ quốc.

Vợ chồng anh Vàng Dỉ Phò tại homestay Cực Bắc. (Ảnh: NVCC)
Hướng tới du lịch bền vững
Thời gian qua, Lô Lô Chải đã trở thành mô hình du lịch cộng đồng kiểu mẫu ở Hà Giang, mang đến trải nghiệm chân thực, góp phần cải thiện sinh kế cho người dân.
Là người tiên phong mang du lịch về làng, Trưởng thôn Sình Dỉ Gai cho biết, từ năm 2011, thôn được hỗ trợ xây dựng làm du lịch homestay và gia đình ông được chọn là một trong những hộ tham gia làm du lịch đầu tiên của thôn. Sau khi tìm hiểu và đi học hỏi kinh nghiệm ở một vài nơi về du lịch cộng đồng, ông đã tích cực tuyên truyền và hướng dẫn bà con dần thay đổi nếp nghĩ, cách làm để phù hợp với phát triển du lịch.
Đặc biệt, từ năm 2022, khi được công nhận Làng Văn hóa Du lịch, người dân trong thôn dần dần ý thức hơn về việc bảo vệ môi trường, giữ gìn cảnh quan thiên nhiên và phát huy giá trị văn hóa truyền thống.
Nếu những ngày đầu thôn chỉ có vài hộ làm homestay, thì giờ đây toàn thôn đã có khoảng 50 hộ gia đình tham gia, thành lập tổ hợp tác du lịch và kinh doanh một cách bài bản, chuyên nghiệp.
Các hộ gia đình đều được hỗ trợ cài đặt thiết bị và vận hành có hiệu quả các phần mềm Internet để phục vụ công tác truyền thông, quảng bá, kết nối với các đơn vị lữ hành, khách du lịch.
Nhờ làm dịch vụ du lịch, những hộ gia đình như Trưởng thôn Sình Dỉ Gai, Bí thư Chi bộ Vàng Dỉ Tình, Bí thư Chi đoàn Vàng Dỉ Phò cùng nhiều bà con đã có cuộc sống tốt đẹp hơn, góp phần thay đổi diện mạo Lô Lô Chải, theo tiêu chí “sáng - xanh - sạch - đẹp - bản sắc”. Các dịch vụ du lịch còn tạo việc làm thường xuyên cho hơn 100 lao động là người địa phương, với thu nhập hàng tháng từ 5-7 triệu đồng/người.
Theo chính quyền địa phương, một trong những yếu tố quan trọng để phát triển du lịch ở Lô Lô Chải là phải gìn giữ nét văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống để phục vụ du khách, không phá vỡ cảnh quan và môi trường. Tại ngôi làng, các căn nhà vẫn giữ nguyên kiến trúc của người Lô Lô, với nhà trình tường đất kín ba mặt, cổng và tường rào bằng đá xếp thủ công. Trong nhiều căn homestay, các hiện vật cổ của người Lô Lô cũng được trưng bày trong các gian phòng, tạo nên sự gần gũi và thân thiện.
Dù cuộc sống còn nhiều khó khăn, nhưng người dân ở Lô Lô Chải đã kể câu chuyện văn hóa của dân tộc mình bằng một bức tranh sinh động và tươi mới. Lô Lô Chải cũng là một minh chứng sống động cho sự giao thoa giữa bảo tồn và phát triển. Giữa những con đường đất quanh co, những nếp nhà trình tường cổ kính ấy, tiếng khèn, tiếng hát của người Lô Lô vẫn vang lên, như một khúc ca về sự bền vững và trường tồn của bản sắc dân tộc.