Làng cổ Đường Lâm 'Viên ngọc thô' xứ Đoài với tiềm năng đánh thức di sản Thủ đô
Cách trung tâm Hà Nội khoảng 50km về phía Tây, làng cổ Đường Lâm (thuộc thị xã Sơn Tây, Hà Nội) là ngôi làng đầu tiên trong cả nước được công nhận là Di tích Lịch sử - Văn hóa Quốc gia (2005).

Tựa như một viên ngọc thô giữa lòng xứ Đoài, Đường Lâm ẩn chứa nhiều giá trị văn hóa quý giá nhưng vẫn chưa được khai thác tương xứng với tiềm năng vốn có. Nơi đây sở hữu hệ thống di sản phong phú với khoảng 50 di tích các loại, trong đó có 7 di tích cấp quốc gia, 10 ngôi nhà cổ được xếp hạng cấp tỉnh, cùng gần 100 ngôi nhà cổ có niên đại trên 100 năm tuổi.

Đường Lâm cũng là ngôi làng duy nhất hiện nay còn lưu giữ gần như nguyên vẹn không gian kiến trúc và cảnh quan đặc trưng của một làng quê Bắc Bộ truyền thống với mái ngói nâu trầm, tường đá ong, cổng làng rêu phong và nhịp sống thôn dã bình yên. Nơi đây có những câu chuyện hàng ngàn năm vẫn tiếp nối: Câu chuyện của một miền di sản "sống" giữa lòng Thủ đô.



Nằm tựa lưng vào chân núi Tản Viên huyền thoại, mặt hướng ra dòng sông Hồng đỏ nặng phù sa, làng cổ Đường Lâm được bao quanh bởi “tứ giác nước” của bốn con sông: sông Đà, sông Tích, sông Đáy và sông Hồng. Theo phong thủy cổ, mảnh đất này mang thế “tọa sơn vọng thủy”, lại thêm địa hình gò đồi nhấp nhô cùng những huyệt đế vương linh thiêng. Đây cũng là những yếu tố thường được người xưa lý giải về huyền sử của vùng đất mang tên "địa linh nhân kiệt", nơi phát tích của nhiều bậc anh hùng.


Theo truyền thuyết dân gian, Đường Lâm là quê hương của bà Man Thiện - thân mẫu của Hai Bà Trưng, hai nữ anh hùng đầu tiên phất cờ khởi nghĩa chống ách đô hộ phương Bắc. Mảnh đất này cũng gắn với tên tuổi của hai vị vua lẫy lừng trong lịch sử: Bố Cái Đại Vương Phùng Hưng (761-801), người có sức khỏe phi thường, từng vật hổ dữ, lãnh đạo nhân dân nổi dậy chống quân Đường; và Tiền Ngô Vương - Ngô Quyền (898-944), người chỉ huy trận thủy chiến trên sông Bạch Đằng, đánh tan quân Nam Hán, mở ra thời kỳ độc lập lâu dài cho dân tộc sau hơn một nghìn năm Bắc thuộc.


Ngày nay, đền thờ hai vị vua Phùng Hưng và Ngô Quyền vẫn được người dân Đường Lâm gìn giữ trang nghiêm như biểu tượng của niềm tự hào dân tộc. Đền Phùng Hưng nằm giữa làng Cam Lâm, mang kiến trúc cổ truyền với mái ngói cong, đầu đao chạm khắc rồng phượng, lối vào rợp bóng cây cổ thụ. Cách đó không xa, đền Ngô Quyền tọa lạc trên thế đất cao, lưng tựa núi, mặt hướng sông Tích - nơi phát tích vương nghiệp của ông. Ngôi đền thu hút đông đảo du khách thập phương đến thắp hương tưởng nhớ bậc khai quốc công thần của dân tộc.
Đường Lâm còn là quê hương của nhiều danh nhân văn hóa, trong đó có Thám hoa, sứ thần Giang Văn Minh (1573-1638) nổi tiếng với trí tuệ và khí phách hơn người, từng đối đáp đanh thép với vua nhà Minh bằng câu đối lưu danh thiên cổ: “Đằng Giang tự cổ huyết do hồng” (Sông Bạch Đằng từ xưa máu còn đỏ). Cùng thời ông có Bà chúa Mía Nguyễn Thị Ngọc Giao, vương phi của chúa Trịnh Tráng, người đã cho dựng nên chùa Mía - công trình Phật giáo tiêu biểu với hơn 280 pho tượng cổ vẫn còn nguyên vẹn đến ngày nay



Không chỉ là vùng đất “địa linh nhân kiệt”, Đường Lâm còn mang giá trị đặc biệt về mặt kiến trúc khi được ví như “bảo tàng sống” của nông thôn đồng bằng Bắc Bộ. Trên cùng một dải đất chưa đầy 5 km², ngôi làng cổ hơn 1000 năm tuổi này vẫn gìn giữ nguyên vẹn một hệ sinh thái kiến trúc phong phú, kết hợp hài hòa giữa yếu tố tâm linh, tín ngưỡng và sinh hoạt cộng đồng: đình, đền, chùa, miếu, điếm canh, cây đa, giếng nước, sân đình, cổng làng, giếng nước, gò đồi,... và cả nhà thờ công giáo - dấu tích phản ánh sự giao thoa văn hóa Đông - Tây ngay trong lòng một làng quê Việt cổ.



Làng cổ Đường Lâm được xem là bức tranh di sản “sống” giữa lòng Hà Nội nhờ quá trình hình thành và phát triển liên tục 400 - 500 năm, nơi mà nhịp sống, nếp sinh hoạt truyền thống và những nét đẹp văn hóa dân gian vẫn được người dân gìn giữ và lưu truyền một cách tự nhiên, mộc mạc như chính hơi thở của làng.


Đường Lâm gồm 9 làng: Mông Phụ, Đông Sàng, Đoài Giáp, Cam Thịnh, Cam Lâm, Phụng Khang, Hà Tân, Hưng Thịnh và Văn Miếu. Với khoảng 956 ngôi nhà cổ, Đường Lâm là một trong số rất ít làng Việt cổ còn giữ được cấu trúc nguyên vẹn của một làng trung du Bắc Bộ truyền thống. Trong đó, làng Mông Phụ được xem là đẹp và tiêu biểu nhất.

Có nhiều lối vào Đường Lâm, tuy nhiên chiếc cổng quay mặt về hướng Đông Nam, chếch phía Tây ngoảnh ra núi Tổ (núi Tản Viên) nằm ở thôn Mông Phụ, là chiếc cổng cổ duy nhất còn sót lại đến ngày nay.
Nơi đây chào đón du khách thập phương bằng chiếc cổng làng phảng phất hình dáng của những mái nhà nông thôn quen thuộc, theo lối "thượng gia hạ môn" (trên là nhà, dưới là cổng). Cổng làng Mông Phụ khoác trên mình màu nâu của mái ngói rêu phong, bức tường đá ong cổ kính và khung gỗ thâm trầm, phía trước là cánh đồng và ao sen đưa hương thơm ngát,... mở ra một bức tranh mang đậm hồn quê vùng đồng bằng Bắc Bộ, và chất chứa một phong vị hoài cổ rất riêng của mảnh đất xứ Đoài. Có nhiều lối vào Đường Lâm, tuy nhiên chiếc cổng quay mặt về hướng Đông Nam, chếch phía Tây ngoảnh ra núi Tổ (núi Tản Viên) nằm ở thôn Mông Phụ, là chiếc cổng cổ duy nhất còn sót lại đến ngày nay.

Tọa lạc ở trung tâm của làng, đình Mông Phụ là ngôi đình tiêu biểu cho lối kiến trúc truyền thống vùng đồng bằng Bắc Bộ thời xưa. Ngôi đình là nơi thờ Tản Viên Sơn Thánh - vị đứng đầu trong tứ bất tử của người Việt làm Thành hoàng làng.
Điều đặc biệt là, đường vào làng phải qua sáu con ngõ nhỏ mới đến được đình, và từ tâm đình, sáu ngõ ấy lại tỏa ra bốn phương tám hướng như những cánh hoa bung nở, tỏa ra những con đường dẫn đến mọi ngõ ngách của làng.
Theo các bậc cao niên, Đình Mông Phụ đặt trên đầu rồng mà hai chiếc giếng ở hai bên được ví như hai mắt rồng. Sân đình đào thấp hơn so với mặt bằng xung quanh, khi mưa xuống, nước từ ba phía ào ạt đổ vào, sau đó thoát ra theo hai cống nhỏ chạy dọc theo bên như hai râu rồng. Trong đó xóm Sui là một trong những xóm lâu đời nhất, được ví như “râu rồng cái” - nơi cư dân quần tụ đông đúc từ bao đời, gìn giữ nếp sống đậm đà tình làng nghĩa xóm cho đến tận ngày nay.
Đây là khu vực nhộn nhịp nhất của làng, khi mọi hoạt động sinh hoạt cộng đồng đều diễn ra tại sân đình. Đình làng không có tường bao, chỉ là những hàng lan can gỗ mở rộng ra không gian chung tạo sự kết nối cởi mở, thuận tiện cho các hoạt động tập thể như họp làng, lễ hội, hát chèo, rước kiệu hay tổ chức các nghi thức truyền thống,...

Trải qua hàng thế kỷ, làng cổ Đường Lâm vẫn gìn giữ được gần trọn vẹn diện mạo kiến trúc truyền thống với 956 ngôi nhà cổ, trong đó có nhiều ngôi nhà đã tồn tại gần 400 năm. Tiêu biểu là nhà của ông Nguyễn Văn Hùng (xây dựng từ năm 1649 với 12 đời sinh sống), ông Hà Hữu Thể, ông Hà Nguyên Huyến… Đây là những điểm tham quan quen thuộc dành cho du khách muốn tham quan, tìm hiểu về kiến trúc và văn hóa làng cổ.

Phần lớn những ngôi nhà cổ ở Đường Lâm được xây dựng bằng đá ong - loại đá đặc trưng của vùng đất xứ Đoài, với sắc nâu đỏ mộc mạc, bền vững theo thời gian. Ngoài ra còn một số chất liệu khác như tre, nứa, gạch đất nung, đất nện, trấu, bùn, mùn cưa, vôi, cát, sỉ, rơm rạ cũng được dùng làm chất liệu phổ biến. Nhà thường làm theo lối “chữ Nhất” (năm gian hai chái), với kết cấu gỗ xoan, gỗ mít hoặc gỗ tứ thiết trong các gia đình khá giả. Một số ngôi nhà cổ còn giữ được nhà kiểu “chữ Khẩu”, tức là bốn ngôi nhà quây quanh một sân chung, tạo không gian khép kín, ấm cúng và gắn kết.

Dạo bước qua những mái ngói rêu phong, những hiên nhà cổ kính, du khách như được sống lại không gian làng Việt xưa, như đi lạc vào một khoảnh khắc thời gian lắng đọng trên từng viên gạch, phiến đá, từng hàng rào duối, hàng cau… với thoáng hoài niệm và bâng khuâng khó tả.
Cổ trấn yên bình và lặng lẽ, khiến đôi lúc ta nhầm tưởng như nó đã sớm ngủ quên…

Tháng 9/2019, Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội ban hành Quyết định số 4851/QĐ-UBND, chính thức công nhận làng cổ Đường Lâm là điểm du lịch cấp thành phố. Đây được xem là một dấu mốc quan trọng trong hành trình đánh thức tiềm năng của “miền di sản sống” giữa lòng xứ Đoài, hướng đến thúc đẩy du lịch văn hóa độc đáo và giàu tính trải nghiệm cho cả du khách trong và ngoài nước.


Hành trình khám phá Đường Lâm sẽ không thể trọn vẹn nếu thiếu đi “bản đồ ẩm thực” độc đáo - nơi những món ăn truyền thống đã giữ chân nhiều du khách thưởng thức ẩm thực địa phương. Đó là hương vị tương nếp Mông Phụ sánh mịn, đậm đà, mang dấu ấn đặc trưng của miền quê xứ Đoài; là thớ thịt dai ngọt của món gà mía trứ danh; là lớp bì giòn rụm, thơm lừng của món thịt quay đòn công phu; hay vị ngọt thanh của chè lam, chút bùi béo từ kẹo dồi, kẹo lạc, chè con ong, chè kho truyền thống… Tất cả đều được làm từ những sản vật quen thuộc, mộc mạc của đồng quê, qua đôi bàn tay khéo léo của người dân địa phương.

Ẩm thực là con đường ngắn nhất để chạm vào văn hóa một vùng đất. Nếu muốn trải nghiệm trọn vẹn những nét đặc trưng trong văn hóa ẩm thực của Đường Lâm, du khách không nên bỏ qua "mâm cỗ sen" - mâm cỗ độc đáo chỉ có duy nhất vào những ngày hè, khi sen vào mùa đẹp nhất.
Lấy cảm hứng từ những đầm sen bát ngát bao quanh làng, "cỗ sen" là bản giao hưởng tinh tế được chế biến công phu từ mọi bộ phận của cây sen, mang đến mâm cỗ truyền thống vừa ngon miệng, vừa mãn nhãn. Hương sen len lỏi vào từng món ăn: từ nộm ngó sen giòn ngọt, cá diếc kho tương ăn kèm lá sen non, canh củ sen thanh dịu, cơm hấp lá sen thơm lừng, đến chè sen long nhãn thanh mát. Cách bài trí tinh tế của "mâm cỗ sen" không chỉ làm hài lòng vị giác mà còn chiều lòng thị giác, mở ra một trải nghiệm độc đáo cho ẩm thực xứ Đoài.

Các lễ hội truyền thống tại Đường Lâm là dịp tuyệt vời để chứng kiến và hòa mình vào những nghi thức cổ xưa, với những trò chơi dân gian đầy màu sắc. Tiêu biểu là Lễ hội làng Mông Phụ (mùng 8 tháng Giêng âm lịch), nơi diễn ra các nghi lễ rước kiệu trang nghiêm, những điệu múa lân sôi động, hay các trò đấu vật, chọi gà, hát chèo... Những hoạt động này không chỉ thể hiện tín ngưỡng và tinh thần cộng đồng của người dân, mà còn mang đến không khí tươi vui, rộn ràng, giúp du khách cảm nhận rõ hơn hồn cốt của một ngôi làng quê Bắc Bộ.

Bên cạnh đó, du khách còn có cơ hội tham gia các chương trình trải nghiệm văn hóa như lớp học sơn mài với các chất liệu truyền thống tại Phat Studio của Nghệ nhân Nguyễn Tấn Phát; hay hòa mình vào những hoạt động thủ công sáng tạo tại Tổ hợp Đoài - nơi du khách có thể thử sức làm gốm, nhuộm vải thủ công, khắc họa tiết lên gạch cổ và tham gia các workshop nghệ thuật mang đậm dấu ấn văn hóa làng nghề. Những trải nghiệm này không chỉ mở ra cơ hội khám phá văn hóa làng cổ, mà còn giúp kết nối sâu sắc hơn với di sản và con người Đường Lâm.

Sinh ra tại quê hương xứ Đoài và lớn lên trong gia đình có truyền thống mỹ thuật, nghệ nhân Nguyễn Tấn Phát đã sớm có cơ hội bén duyên với hội họa. Những kiến trúc đình, chùa cổ kính tại Đường Lâm không chỉ vun đắp hồn nghệ thuật dân gian trong anh, mà còn trở thành nguồn cảm hứng bất tận cho nhiều tác phẩm điêu khắc sơn mài độc đáo của anh.
Hơn hai thập kỷ làm nghề, nghệ nhân Phát luôn miệt mài nghiên cứu, ứng dụng những chất liệu địa phương như vỏ trứng, vỏ dừa, đá ong, gỗ mít vào sáng tạo các tác phẩm sơn mài độc đáo. Mỗi sản phẩm không chỉ đơn thuần là một tác phẩm nghệ thuật, mà còn gói trọn trong đó dáng hình quê hương và văn hóa Việt.

Anh Nguyễn Tấn Phát được biết đến là chủ nhân của nhiều giải thưởng danh giá. Tiêu biểu là Giải Nhất cuộc thi thiết kế thủ công mỹ nghệ Hà Nội (2014, 2019) và Giải cao nhất cuộc thi thiết kế thủ công Việt Nam (2020) với tác phẩm "Trâu hoa Làng Việt". Đặc biệt, năm 2017, anh vinh dự là một trong những nghệ nhân trẻ nhất được UBND TP. Hà Nội trao tặng danh hiệu "Nghệ nhân Hà Nội" ở tuổi 34.
Bên cạnh đó, sáng kiến biến rơm rạ thành đồ chơi dân gian của người con quê hương Nguyễn Tấn Phát còn thổi một làn gió mới vào không gian văn hóa làng cổ. Từ những sợi rơm rạ tưởng chừng bỏ đi sau mỗi mùa gặt, anh tạo nên các hình tượng rối rơm sống động như trâu, ngựa, chim muông..., biến chúng thành trò chơi dân gian hấp dẫn cho các em nhỏ, đồng thời góp phần tạo sức hút cho du lịch địa phương.

Ý tưởng phục dựng những căn nhà cổ và khát vọng phát triển tiềm năng du lịch Đường Lâm của Kiến trúc sư Khuất Văn Thắng bắt nguồn từ một chuyến ghé thăm tình cờ đến đây vào năm 2009. Anh Thắng cho biết, một điều đáng tiếc cho Đường Lâm là dù đã trở thành Di tích Lịch sử - Văn hóa Quốc gia từ năm 2005, phải đến tận năm 2019 nơi đây mới được công nhận là điểm du lịch cấp thành phố.
"Bằng tình yêu nghệ thuật của một con người nghệ sĩ, cũng như những xúc cảm đặc biệt về một Đường Lâm yên bình và giàu giá trị văn hóa, tôi đã quyết định gắn bó lâu dài và mong muốn làm một điều gì đó cho nơi đây", anh Thắng chia sẻ.

Chính vì vậy, tháng 4/2023, Đoài Creative - không gian sáng tạo được sáng lập bởi kiến trúc sư Khuất Văn Thắng ra đời với sứ mệnh tái sinh và phát triển các giá trị truyền thống tại Đường Lâm thông qua ngôn ngữ của nghệ thuật và sáng tạo. Sau đó, các mảnh ghép của Tổ hợp Đoài dần trở nên hoàn chỉnh với sự thành lập của Đoài Community và Đoài Studio, tạo nên tổng thể không gian kiến trúc đầy nét thơ và giàu giá trị văn hóa, thu hút rất nhiều du khách ghé thăm hàng năm.
Anh Khuất Văn Thắng còn ấp ủ nhiều dự định nhằm phát triển các giá trị văn hóa, trong đó trọng tâm là đề án bảo tồn và phát triển câu chuyện về chè Cam Lâm. Chè Cam Lâm là một loại chè quý mọc tự nhiên trên mảnh đất Cam Lâm - quê hương của Bố Cái Đại Vương Phùng Hưng và Ngô Quyền, nổi tiếng với hương vị đặc trưng. Loại chè này từng được biết đến rộng rãi qua lời truyền khẩu dân gian "nước giếng Hè và chè Cam Lâm". Tuy nhiên, hiện nay, chè Cam Lâm đang đối mặt với nguy cơ mai một do hiệu quả kinh tế chưa cao.

"Nếu có thể đem sản phẩm chè Cam Lâm trở thành quà tặng du lịch, hay đưa vào các món ăn ẩm thực của làng cổ như bánh chè chẳng hạn, thì rất tuyệt vời," anh Thắng hào hứng chia sẻ. Bên cạnh đó, việc kết hợp du lịch trải nghiệm qua những câu chuyện văn hóa gắn với cây chè Cam Lâm cũng góp phần làm dày thêm trang di sản văn hóa nơi đây.
Ví làng cổ Đường Lâm là viên ngọc thô, một phần do nhiều tiềm năng quý giá của mảnh đất nơi đây chưa được lật mở. Nhưng cũng là lời nhắc nhở khéo léo tới du khách ghé thăm: Đường Lâm không phải vùng đất dành cho những thoáng vội vàng, chìa khóa để khám phá vẻ đẹp và chiều sâu văn hóa nơi đây, là một tâm hồn thư thái và lắng sâu để cảm nhận, để mến yêu.

Nơi đây, mỗi bậc đá ong, mỗi khung cửa gỗ, mỗi làn khói lam chiều đều lưu giữ dấu vết thời gian và vấn vương lòng người qua. Nếu có cơ hội, hãy hòa mình dạo bước những cung đường lát gạch cổ quanh co, dừng chân thưởng một tách trà, nếm chút bánh chè lam bùi ngọt, và lắng nghe những câu chuyện xa xưa…
Hiện nay, thị xã Sơn Tây đang xây dựng Đề án “Đầu tư tôn tạo, bảo tồn và phát huy giá trị di tích Làng cổ ở Đường Lâm, thị xã Sơn Tây, giai đoạn 2024 - 2030, định hướng đến năm 2035”. Bên cạnh đó, công tác lập hồ sơ đề nghị xếp hạng Làng cổ ở Đường Lâm trở thành Di tích cấp quốc gia đặc biệt, hướng tới được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa thế giới, cũng là một trong những mục tiêu trọng tâm của làng cổ Đường Lâm.

Nội dung: Nguyệt Anh, Bích Nhàn
Quay dựng video: Phương Thảo, Huyền Trang
Thiết kế: Thảo Vy, Linh Chi, Diệu Hương
Thực hiện: Đồng Toàn