'Bảo vệ môi trường mới là mục tiêu của tôi'
Đó là câu nói đầy quả quyết của Phan Minh Nguyệt - Giám đốc điều hành Công ty Cổ phần International Victory - về câu chuyện thời trang xanh mà cô theo đuổi. Ngoài theo đuổi sản xuất xanh, vị CEO này cùng với Victory còn có một cách khác để bảo vệ môi trường âm thầm và bền bỉ: Trích một phần lợi nhuận góp vào các quỹ bảo vệ môi trường, bảo vệ thiên nhiên.
Đó là câu nói đầy quả quyết của Phan Minh Nguyệt - Giám đốc điều hành Công ty Cổ phần International Victory - về câu chuyện thời trang xanh mà cô theo đuổi. Ngoài theo đuổi sản xuất xanh, vị CEO này cùng với Victory còn có một cách khác để bảo vệ môi trường âm thầm và bền bỉ: Với mỗi sản phẩm được bán ra, công ty trích một phần lợi nhuận góp vào các quỹ bảo vệ môi trường, bảo vệ thiên nhiên cũng như các loài động vật biển.

Chị Phan Minh Nguyệt (áo xanh) giúp khách hàng trải nghiệm nhuộm màu thảo mộc tại sự kiện "Tiêu dùng bền vững"
Chọn lối đi bảo vệ “mẹ” thiên nhiên
Nguyệt vẫn nhớ ngày cô đi mua quần áo cho con cách đây đã 13 năm. Muốn con mình được dùng các sản phẩm thời trang xanh để tốt cho sức khỏe, nhưng tìm mải miết mà thị trường trong nước không có, cô đã phải đặt hàng. “Thế nhưng thời điểm đó, sản phẩm order cũng chỉ là hàng cotton organic chứ chưa có các loại vải từ sợi thiên nhiên khác. Từ đó, tôi nuôi dưỡng ý tưởng kinh doanh thời trang xanh, vừa tốt cho sức khỏe con người, vừa hướng đến bảo vệ môi trường”, Nguyệt trải lòng về con đường đưa cô từ một kỹ sư môi trường của Viện Nghiên cứu Môi trường và Các vấn đề xã hội đến với kinh doanh thời trang xanh.
Ngày bắt đầu khởi nghiệp, trong rất nhiều nguyên liệu tự nhiên, Victory - công ty mà Nguyệt là cổ đông - đã chọn thân cây chuối để làm thành sợi vải thuần thiên nhiên. Lý giải về sự lựa chọn này, Nguyệt bảo: Từ những phụ phẩm nông nghiệp bị vứt bỏ làm ra được sản phẩm có giá trị cao - đó là một cách bảo vệ môi trường thiết thực, hữu hiệu. Ở Việt Nam, chuối được trồng rất nhiều. Nếu chỉ lấy quả, còn vứt bỏ thân chuối, thì tính ra hằng năm chúng ta vứt đi khoảng 10.000 tỷ đồng, chưa kể việc vứt bỏ thân cây chuối cũng làm ảnh hưởng đến môi trường.

Công đoạn tách nước lấy xơ chuối trong quy trình biến thân chuối thành sợi vải
Từ ý tưởng đi vào thực tế, Nguyệt và đồng đội mới thấm gian nan. “Riêng về quy trình biến thân chuối thành sợi vải đã ngốn biết bao công sức và tâm huyết của chúng tôi. Trước đó, chưa có tiền lệ sản xuất vải từ cây chuối nên chúng tôi phải tự nghiên cứu từ A đến Z. Công ty đã mời những giáo sư đầu ngành ở Đại học Bách Khoa, các kỹ sư cơ khí để nghiên cứu máy móc, công nghệ kéo thân chuối thành sợi chuối. Từ sợi chuối, Victory mix với các sợi thiên nhiên khác như lanh, cotton, dứa, gai xanh, lụa… để dệt nên vải thuần tự nhiên”, Nguyệt kể. Với chất liệu hoàn toàn tự nhiên như vậy nên thời trang xanh của Victory đảm bảo sự thoáng mát, khử mùi, lành tính, an toàn với làn da con người và môi trường. Hơn nữa, sản phẩm có thể phân hủy hoàn toàn ngoài tự nhiên - cũng là một yếu tố thân thiện với môi trường. Đây được dự báo sẽ là xu hướng của tương lai. “Năm 2023, tôi mang dự án này đi thi phụ nữ khởi nghiệp và đoạt giải Nhất chung kết miền Bắc và giải Ba chung kết toàn quốc”, Nguyệt tự hào nói về những ngày tháng khởi nghiệp của Victory.

Xơ chuối thô
Làm ra được thời trang xanh, công ty đối mặt với vấn đề tiêu thụ sản phẩm. Mỗi một sản phẩm thủ công của Victory đều được dày công sản xuất trong nhiều tháng trời. Từ trồng nguyên liệu, thu hoạch, dệt vải, nhuộm vải, cắt may… phải trải qua ít nhất 7 tháng cho một sản phẩm hoàn thiện, bởi vậy, sản phẩm có giá thành khá cao, việc tiêu thụ vì thế cũng không dễ dàng. Thế nhưng bằng lối đi riêng, Victory đã xuất khẩu được thời trang xanh sang thị trường châu Âu.
Những sản phẩm của Victory được kết hợp giữa công nghệ hiện đại và yếu tố truyền thống: Nhuộm màu cho vải bằng màu thảo mộc trên nền sợi chuối, họa tiết trên vải được vẽ và thêu tay. Họa sĩ Thu Trần, người phụ trách việc nhuộm màu tự nhiên và vẽ trên vải của Victory chia sẻ: “Cách pha chế màu từ thảo mộc và quy trình nhuộm màu rất kỳ công mới tạo ra được màu sắc như ý, tự nhiên cho vải. Nguyên liệu nhuộm được tạo ra từ các cây như chàm, pháng, gỗ cánh kiến… với công thức đặc biệt, nhuộm và phơi vải trong nhiều ngày để ra được màu ưng ý. Thợ vải nhuộm nóng từng dải vải lụa bằng cách cho thảo mộc cần nhuộm vào nấu sôi, sau đó lọc lấy nước và nhuộm trực tiếp. Họa tiết trên mặt vải cũng được tạo thủ công từ đôi tay khéo léo của những người thợ lành nghề”.

Họa sĩ Thu Trần hướng dẫn các bạn trẻ vẽ họa tiết trên nền vải sợi tự nhiên
Tự hào với kỹ thuật nhuộm màu của Victory, Phan Minh Nguyệt nhấn mạnh, nhuộm màu bằng thảo mộc sẽ có độ loang nhất định, nhưng bằng tài hoa của các nghệ nhân ở Victory, các vết loang đó đã được xử lý để trở thành vết loang nghệ thuật.
“Chúng ta khai thác từ môi trường thì hãy bảo vệ môi trường”
Victory sở hữu những vùng nguyên liệu rộng lớn trồng bông và chàm, lên tới hàng trăm héc-ta ở Sơn La và Lai Châu. Nhờ chủ động được nguồn nguyên liệu mà Victory có nguồn sản phẩm thủ công từ sợi tự nhiên 100%, đồng thời giữ được sự ổn định, tính bền vững trong việc theo đuổi thời trang xanh.
Nghiêm túc, chỉn chu với nghề nên với tất cả sản phẩm thời trang xanh, Victory đều yêu cầu cao và đánh giá về yếu tố tác động môi trường, an toàn với con người trước tiên, sau đó mới đến yếu tố lợi nhuận. “Sản xuất xanh không mang lại nhiều lợi nhuận, nhưng đó là đam mê của tôi và các cộng sự. Nếu cho làm lại, chúng tôi vẫn chọn con đường này dù nhiều gian nan, trắc trở, gập ghềnh. Sản xuất vải sử dụng nguyên liệu thiên nhiên và nhân công sản xuất tại Việt Nam không chỉ góp phần bảo vệ môi trường, hướng đến mục tiêu bền vững cho thế hệ tương lai, mà còn tạo công ăn việc làm cho hàng trăm bà con đồng bào miền núi, hỗ trợ cho sự phát triển kinh tế địa phương. Chúng tôi mong muốn đưa được loại vải có chất liệu thuần thiên nhiên đến với nhiều người tiêu dùng hơn để đảm bảo sức khỏe, an toàn cho mọi người”, Nguyệt tâm sự.

Những sản phẩm thời trang xanh của Victory có họa tiết tinh tế, đậm bản sắc Việt và được thiết kế độc quyền
“Yêu cầu cao đối với chất lượng thời trang xanh, công ty còn “kỹ tính” với cả những chi tiết nhỏ của sản phẩm, chẳng hạn như những họa tiết trên vải”, một nhân viên của Victory cho hay. Với những họa tiết liên quan đến yếu tố lịch sử, Victory tham khảo ý kiến từ các chuyên gia đầu ngành. Đơn cử như họa tiết trống đồng Đông Sơn trên các sản phẩm thời trang, Victory đã nhờ tới sự tư vấn của nhà nghiên cứu lịch sử Tạ Đức về họa tiết cổ xưa và văn hóa trống đồng Đông Sơn.
Tôi ngắm chiếc khăn có họa tiết san hô lồng với chữ T - một thiết kế độc quyền của Victory. Nguyệt cho hay, chữ T mang ý nghĩa tình thương, từ thiện và từ tâm, còn biểu tượng san hô mang ý nghĩa bảo vệ môi trường. Với mỗi một sản phẩm được bán ra, Victory sẽ trích 1.000 đồng góp vào quỹ bảo vệ môi trường, bảo vệ thiên nhiên, trong đó có Sasa Team - một Trung tâm cứu hộ sinh vật biển. Victory còn trích phần trăm lợi nhuận thu được từ những nước là thị trường của Victory để ủng hộ chính sách bảo vệ môi trường của quốc gia đó. Cũng với hàm ý của chữ T, “năm 2023, khi đi lấy thân chuối ở Sơn La, chúng tôi biết nhiều bạn nhỏ ở đó bị mất bố mẹ trong đại dịch Covid-19 nên đã nhận nuôi 3 bạn nhỏ người H’Mông trong vòng 5 năm”, Nguyệt chia sẻ.

Ông Phạm Mạnh Hùng - Phó Tổng Giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam - tham quan gian hàng thời trang xanh với chất liệu thuần thiên nhiên
Sử dụng nguồn nguyên liệu tự nhiên 100%, sản xuất thủ công, an toàn, thân thiện với môi trường, cùng các họa tiết làm nổi bật văn hóa quốc gia, tâm huyết, công sức của Nguyệt và công ty đã được đền đáp. Thời trang xanh của Victory - sản phẩm 100% made in Vietnam và mang tính bảo vệ môi trường - trở thành một trong những dòng sản phẩm tinh hoa của Việt Nam, được chọn là món quà tặng ý nghĩa trong giao lưu và hội nhập quốc tế. “Một vị khách đã đặt Victory làm rèm cho cả khu biệt thự bởi họ muốn có loại rèm độc bản, chất liệu vải an toàn, thân thiện với con người và môi trường. Sự tin dùng của khách hàng là động lực để Victoria ngày càng có nhiều cơ hội bảo vệ môi trường hơn, vì đó mới là mục tiêu lớn mà Victoria hướng tới”, CEO Phan Minh Nguyệt bày tỏ.