Làng Chăm An Giang đón Xuân

Những ngày giáp Tết Ất Tỵ năm 2025, không khí ở các làng Chăm tỉnh An Giang nhộn nhịp hẳn lên, mọi người tất bật dọn dẹp nhà cửa, những ai đi làm ăn xa cũng về quê đón Tết.

Nét độc đáo của nghề dệt thổ cẩm Châu Giang là người Chăm vẫn còn giữ nguyên kỹ thuật dệt thủ công truyền thống, từ nhuộm, suốt, mắc sợi, dệt thành phẩm, nhất là tạo hoa văn trực tiếp ngay trên khung dệt. (Ảnh: Phương Nghi)

Nét độc đáo của nghề dệt thổ cẩm Châu Giang là người Chăm vẫn còn giữ nguyên kỹ thuật dệt thủ công truyền thống, từ nhuộm, suốt, mắc sợi, dệt thành phẩm, nhất là tạo hoa văn trực tiếp ngay trên khung dệt. (Ảnh: Phương Nghi)

Tết Việt ở làng Chăm

Về các làng Chăm huyện An Phú (tỉnh An Giang), chúng tôi đến xóm Chăm La Ma, xã Vĩnh Trường (huyện An Phú) nơi có đông đồng bào Chăm sinh sống.

Ông Muhammad Thost, Thư ký Thánh đường Masjid Roh Mah cho biết: Những ngày này, cả xóm nhộn nhịp hẳn lên, những người con đi làm ăn xa ở TP. Hồ Chí Minh, tỉnh Bình Dương, Đồng Nai… tranh thủ về nhà để đón xuân, tề tựu bên nhau trong những bữa cơm chiều cuối năm.

“Tôi có sáu người con, vợ, chồng tôi lớn tuổi nên ở nhà làm ruộng và chăm sóc con cháu để chúng đi học, còn cha, mẹ các cháu đi làm ăn xa. Vào những ngày Tết, chúng tôi thường tổ chức đi thăm hỏi chính quyền, bà con hàng xóm (là người Kinh) để thắt chặt tình làng nghĩa xóm…”, ông Muhammad Thost chia sẻ.

Không chỉ có làng Chăm ở xã Vĩnh Trường, các làng Chăm An Giang vào những ngày này nhộn nhịp hẳn lên. Ông Muhammad Sa Lếs, Trưởng ấp Phủm Xoài (xã Châu Phong, thị xã Tân Châu) cho biết: “Cuộc sống hiện nay của đồng bào Chăm đã ấm no, hạnh phúc hơn xưa. Con cháu trong nhà được cắp sách đến trường, đời sống ngày càng phát triển. Người Chăm An Giang luôn biết ơn Đảng và Nhà nước đã không ngừng chăm lo cho cuộc sống của bà con.

Việc này đã làm tình đoàn kết các dân tộc ngày càng thêm gắn bó. Mỗi dịp Tết cổ truyền hoặc những ngày lễ quan trọng của người Chăm, chúng tôi luôn đón nhận tình cảm của các lãnh đạo tỉnh, các ban, ngành, đoàn thể đến thăm, chúc Tết và tặng quà”.

Giờ đây, đồng bào Chăm đã cởi mở và hòa nhập cộng đồng hơn rất nhiều. Chị Ya Sa, ở ấp Hà Bao 2 (xã Đa Phước, huyện An Phú) cho hay: “Tết nhà tôi không có cúng lễ mà chỉ vui chơi, con cháu sum họp, có nhà thì cùng nhau nấu ăn, có nhà thì đi chơi. Tết này nhà tôi nấu các món truyền thống của người Chăm như món carry, làm tung lò mò (lạp xưởng Chăm) hay làm bánh rế (một loại bánh ngọt) để con cháu ở xa về ăn cho vui...”.

Tết Nguyên đán cổ truyền của người Việt, những người Chăm ở An Giang cũng tất bật chuẩn bị hòa cùng không khí Xuân. Ông Haji Zacky, Trưởng ban đại diện Cộng đồng Hồi giáo Chăm Islam An Giang chia sẻ: “Khi người Kinh đón Tết cổ truyền thì cộng đồng người Chăm An Giang cũng tổ chức đón Tết, đi thăm hỏi, tặng quà những người Kinh trong xóm; cùng nhau ôn lại truyền thống đấu tranh cách mạng của địa phương; chuyện làng, chuyện xã, chuyện sản xuất trên đồng ruộng...”.

Để giữ gìn nghề truyền thống, vừa làm kinh tế từ văn hóa của chính cộng đồng mình, ông Mohamad phục dựng phòng cưới theo phong cách truyền thống đồng bào Chăm An Giang để du khách trãi nghiệm. (Ảnh: Phương Nghi)

Để giữ gìn nghề truyền thống, vừa làm kinh tế từ văn hóa của chính cộng đồng mình, ông Mohamad phục dựng phòng cưới theo phong cách truyền thống đồng bào Chăm An Giang để du khách trãi nghiệm. (Ảnh: Phương Nghi)

Sắc màu dệt thổ cẩm

Những ngày Xuân, đến các làng Chăm An Giang là trải nghiệm không thể quên của du khách ở miền sông nước Cửu Long. Du khách không chỉ bị cuốn hút bởi nét đẹp của những thánh đường uy nghi, những ngôi nhà sàn với kiến trúc độc đáo mà còn dễ dàng bắt gặp những cô gái Chăm duyên dáng với trang phục truyền thống của dân tộc. Đặc sắc nhất là trang phục áo dài không xẻ tà với chiếc dây lấp lánh buộc chéo vai, thắt ngang lưng và chiếc khăn thêu đội đầu… tạo nên nét duyên dáng, kín đáo riêng có của phụ nữ Chăm.

Dù không còn hưng thịnh như những năm trước, nghề dệt thổ cẩm của đồng bào Chăm ở xã Châu Phong vẫn được giữ gìn và phát triển bởi những người nặng lòng với giá trị truyền thống. Nghệ nhân ưu tú Mohamad ở ấp Phũm Soài, chủ cơ sở dệt thổ cẩm truyền thống làng Chăm Châu Phong, có gần 50 năm gắn bó với nghề dệt thổ cẩm và đưa các sản phẩm dệt thổ cẩm truyền thống của người Chăm vươn xa.

Ông Mohamad cho biết, để dệt một sản phẩm thổ cẩm phải trải qua sáu đến tám bước. Phần sợi cotton được nhộm màu, sau đó đem phơi khô. Kế tiếp là đến công đoạn suốt, mắc sợi, dệt, thành phẩm. Mỗi khâu đều đòi hỏi sự khéo léo, tỉ mỉ của người thợ.

“Hiện nay thiết bị tiên tiến giúp việc sản xuất sản phẩm thổ cẩm được tiện lợi, nhanh chóng hơn. Nhưng tôi vẫn giữ lại dệt truyền thống như một cách giữ gìn những giá trị văn hóa của người Chăm, dù cho sản phẩm có giá thành cao hơn so với dùng máy”, Nghệ nhân ưu tú Mohamad bộc bạch.

Chính nhờ sản phẩm dệt thổ cẩm của người dân Châu Phong mang đậm bản sắc văn hóa Chăm, vừa có sự mềm mại từ chất liệu, cuốn hút bởi dáng vẻ duyên dáng, kết hợp tinh xảo từ cách phối màu tơ, đến kỹ thuật dệt, bố cục tổng thể, tạo hình hoa văn, đã tạo nên một nét văn hóa độc đáo vùng đầu nguồn châu thổ Cửu Long.

Hiện các sản phẩm sau khi hoàn thiện được trưng bày bán tại cơ sở và xuất khẩu. Ngoài hai sản phẩm truyền thống là xà rông và khăn rằn, cơ sở còn sản xuất mặt hàng mới như túi xách, ba lô, nón, móc khóa…, khách nước ngoài thường chọn mua làm đồ lưu niệm mỗi khi tham quan làng nghề.

Nghệ nhân ưu tú Mohamad, chủ Cơ sở dệt thổ cẩm truyền thống làng Chăm Châu Phong, giới thiệu với du khách những sản phẩm thổ cẩm Châu Phong. (Ảnh: Phương Nghi)

Nghệ nhân ưu tú Mohamad, chủ Cơ sở dệt thổ cẩm truyền thống làng Chăm Châu Phong, giới thiệu với du khách những sản phẩm thổ cẩm Châu Phong. (Ảnh: Phương Nghi)

Theo ông Phạm Đăng Thân, Chủ tịch UBND xã Châu Phong, những năm gần đây, nghề dệt thổ cẩm truyền thống của đồng bào Chăm ở xã Châu Phong nói chung, cơ sở của Nghệ nhân ưu tú Mohamad nói riêng đã trở thành điểm đến quen thuộc của du khách thập phương, nhất là dịp Tết Nguyên đán. Để tăng sự trải nghiệm, ông Mohamad cho phục dựng phòng cưới theo phong cách truyền thống Chăm để du khách, đặc biệt là những cặp đôi chụp ảnh lưu niệm.

“Trong những lần đón tiếp khách tham quan, ông Mohamad còn giới thiệu về lịch sử làng nghề, những giá trị đặc trưng về văn hóa, đời sống của cộng đồng dân tộc Chăm An Giang.

Ông còn liên kết với một số đầu bếp tại địa phương, phục vụ một số món ăn đặc trưng của người Chăm, như cà ri, tung lò mò, các loại bánh tráng miệng… khi du khách yêu cầu”, ông Đăng Thân thông tin. Nhờ sự đổi mới, sáng tạo này đã thu hút một lượng lớn du khách đến với làng nghề.

Chia tay những làng Chăm, đi dọc theo sông Hậu, bâng khuâng nhớ về điệu múa uyển chuyển của các thiếu nữ Chăm mừng lễ hội và lại nghe thấp thoáng đâu đây, âm thanh rộn ràng của trống baranung, trống ginăng... Và tôi cũng như nhiều du khách tự nhủ, có dịp sẽ về thăm lại các làng Chăm An Giang.

PHƯƠNG NGHI

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/lang-cham-an-giang-don-xuan-301865.html
Zalo