Lan tỏa văn hóa đọc trong thế hệ trẻ

Nhằm xây dựng, phát triển văn hóa đọc trong thanh, thiếu nhi, thời gian qua, các cấp bộ Đoàn, Đội trong tỉnh đã tổ chức nhiều mô hình, hoạt động phong phú, hấp dẫn, góp phần thay đổi nhận thức, hình thành thói quen đọc sách cho thế hệ trẻ, xây dựng và lan tỏa văn hóa đọc trong toàn xã hội.

Nhằm xây dựng, phát triển văn hóa đọc trong thanh, thiếu nhi, thời gian qua, các cấp bộ Đoàn, Đội trong tỉnh đã tổ chức nhiều mô hình, hoạt động phong phú, hấp dẫn, góp phần thay đổi nhận thức, hình thành thói quen đọc sách cho thế hệ trẻ, xây dựng và lan tỏa văn hóa đọc trong toàn xã hội.

Học sinh và thành viên Câu lạc bộ phóng viên nhỏ Trường THCS Lê Quý Đôn (TP Hòa Bình) đọc sách sau giờ học.

Học sinh và thành viên Câu lạc bộ phóng viên nhỏ Trường THCS Lê Quý Đôn (TP Hòa Bình) đọc sách sau giờ học.

Sách được ví như kho tàng tri thức vô tận, là nguồn tài nguyên quý giá cho sự phát triển của mỗi cá nhân và toàn xã hội. Đọc sách giúp mọi người mở rộng tầm nhìn, bồi dưỡng thêm kiến thức, rèn luyện tư duy và hoàn thiện nhân cách. Tuy nhiên, trong thời đại công nghệ phát triển một cách "chóng mặt” như hiện nay, cộng đồng, đặc biệt là giới trẻ ngày càng bị cuốn hút bởi những nội dung hấp dẫn từ các thiết bị công nghệ với nội dung đa dạng, khó kiểm soát trên internet dẫn đến ít dần việc đọc sách. Do đó, cần có thêm có những cách làm, giải pháp khéo léo để thu hút người đọc, tạo hứng thú và sự chủ động với việc đọc sách, hướng việc đọc trở thành thói quen không thể thiếu, là nét đẹp văn hóa. Để thực hiện được điều đó cần tạo dựng môi trường đọc thuận lợi, xây dựng thói quen đọc sách ngay từ trong gia đình, trường học và trong cộng đồng.

Như thường lệ, mỗi buổi học sáng thứ Tư, thứ Sáu của thầy và trò Trường THCS Lê Quý Đôn (TP Hòa Bình) bắt đầu với hoạt động cùng nhau đọc sách. Nhà trường đã thành lập Câu lạc bộ phóng viên nhỏ và tổ phát thanh măng non để các em được trải nghiệm tự viết bài tuyên truyền theo các ngày lễ kỷ niệm, viết bài nêu gương người tốt - việc tốt, giới thiệu các cuốn sách mới của thư viện thông qua loa phát thanh của trường. Bên cạnh các buổi sinh hoạt tập thể, vào những giờ ra chơi hay các buổi chiều, các thành viên câu lạc bộ thay phiên nhau tham gia hỗ trợ các bạn học sinh đến mượn sách, đọc sách. Tại thư viện của nhà trường cũng như thư viện riêng ở các lớp học, sách được xếp ngay ngắn và đa dạng thể loại, như sách về kỹ năng sống, phát triển năng lực, tư duy, sách văn học, sách tham khảo… Qua đó góp phần tạo thói quen đọc sách, nhiều học sinh cũng nhận thức được tầm quan trọng của văn hóa đọc.

Cô Nguyễn Phương Lan, Tổng phụ trách Đội Trường THCS Lê Quý Đôn chia sẻ: Để rèn kỹ năng đọc sách, kỹ năng sống cho học sinh và nâng cao nhận thức cho phụ huynh trong việc phối hợp cùng nhà trường lan tỏa văn hóa đọc, nhà trường đã tổ chức nhiều hoạt động xây dựng văn hóa đọc trong giáo viên, học sinh. Nổi bật là tổ chức ngoại khóa, phát động cuộc thi kể chuyện theo sách, khuyến khích các bậc phụ huynh cùng đồng hành với con trong xây dựng thói quen đọc sách. Cùng với đó, thư viện trường tiếp tục phát huy hiệu quả, tổ chức thường niên các buổi giới thiệu, trưng bày sách, kể chuyện theo sách thu hút đông đảo học sinh tham gia. Bên cạnh sách giấy, nhà trường còn xây dựng không gian đọc sách online trên internet. Học sinh chỉ cần quét mã QR sẽ truy cập được "thư viện số”, dễ dàng tìm đọc các đầu sách trên thư viện. Nhờ vậy mà phong trào đọc sách của nhà trường trong nhiều năm qua phát triển tốt, có nhiều em đoạt giải trong các cuộc thi về văn hóa đọc như: em Bùi Triệu Bảo Hằng đoạt giải nhất cuộc thi Đại sứ Văn hóa đọc tỉnh Hòa Bình năm 2024, em Nguyễn Nữ Hoàng Anh đoạt giải chuyên đề Truyện ngắn khuyến đọc hay nhất khối THCS, em Bùi Hà Anh đoạt giải Sáng kiến kinh nghiệm phát triển văn hóa đọc ấn tượng nhất khối THCS…

Đồng chí Nguyễn Thành Luân, Phó Bí thư Tỉnh Đoàn, Chủ tịch Hội đồng Đội tỉnh cho biết: Với mục tiêu nâng cao nhận thức của người dân, đặc biệt là thanh thiếu niên, nhi đồng về ý nghĩa, vai trò và tầm quan trọng của việc đọc sách, xây dựng phong trào đọc và vận dụng điều hay trong sách, thời gian tới, các cấp bộ Đoàn, Đội trong tỉnh tích cực triển khai nhiều hoạt động lan tỏa văn hóa đọc, tuyên truyền, giáo dục về việc đọc sách, giữ gìn và bảo vệ sách cho thanh, thiếu nhi. Từ đó nâng cao chất lượng giáo dục trên địa bàn, góp phần xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực, trường học hạnh phúc, là cơ sở để xây dựng xã hội văn minh, phát triển.

Hoàng Dương

Nguồn Hòa Bình: http://www.baohoabinh.com.vn/218/197367/lan-toa-van-hoa-doc-tr111ng-the-he-tre.htm
Zalo