Lan tỏa văn hóa di tích Chùa Cầu

Sau 19 tháng tháo dỡ toàn bộ để trùng tu, công trình Chùa Cầu (TP Hội An, tỉnh Quảng Nam) đã hoàn thiện và đưa vào khai thác phục vụ du khách trong và ngoài nước.

Chùa Cầu được bảo tồn gần như nguyên vẹn

Dự án tu bổ di tích Chùa Cầu có tổng mức đầu tư 20,2 tỷ đồng với nguồn vốn 50% ngân sách tỉnh Quảng Nam và 50% ngân sách TP Hội An. Trong đó giá trị xây lắp đơn vị trúng thầu là 13,3 tỷ đồng. Dự án được khởi công vào ngày 28/12/2022.

TP Hội An xác định Chùa Cầu là một phần quan trọng, có giá trị tiêu biểu, vì vậy việc tu bổ nhằm góp phần bảo tồn di tích, giữ gìn tối đa giá trị cốt lõi trong tổng thể chung khu của phố cổ. Việc đầu tư trùng tu còn duy trì sự ổn định, tăng độ bền vững và tuổi thọ cho di tích.

Lãnh đạo và khách mời cắt băng khánh thành di tích trùng tu Chùa Cầu.

Lãnh đạo và khách mời cắt băng khánh thành di tích trùng tu Chùa Cầu.

Một số ý kiến quan ngại rằng Chùa Cầu là di tích có giá trị kiến trúc nghệ thuật cao, khi thực hiện tu bổ sẽ bị “trẻ hóa”. Chưa kể, dựa vào một số nguồn tư liệu, có thể khẳng định kiến trúc Chùa Cầu đã có những thay đổi qua mỗi lần tu bổ và có một số khác biệt. Chính những kinh nghiệm, phân tích cũng như đánh giá hiện trạng, giải pháp tu bổ di tích được tiếp cận, nghiên cứu thận trọng trên nhiều phương diện.

Công tác tham vấn nghệ nhân, chuyên gia và các nhà quản lý được TP Hội An đặc biệt chú trọng. TP đã tổ chức 3 lần tọa đàm với sự tham gia của rất nhiều nhà khoa học trên toàn quốc cũng như Nhật Bản. Nhiều vấn đề cụ thể về công tác trùng tu được nêu ra như màu sắc hoàn thiện, mái ngói và trang trí bờ mái, chủng loại vật liệu và biện pháp bảo tồn cấu kiện gỗ, cốt sàn cầu… Tất cả đều được trao đổi, thảo luận và đưa ra giải pháp cụ thể.

Để thực hiện một cách tốt nhất công tác trùng tu Chùa Cầu, giải pháp tổ chức công trường đã được TP Hội An tính toán một cách chuẩn chỉnh. Cụ thể, quá trình thực hiện phải đảm bảo tuyệt đối an toàn, giảm thiểu ảnh hưởng của thời tiết; tổ chức thi công bài bản, khoa học, mỹ quan, bảo quản hiện vật, cấu kiện gốc; đảm bảo vệ sinh môi trường, cảnh quan trong suốt quá trình triển khai; tạo điều kiện tổ chức các hoạt động thu hút, hấp dẫn khách du lịch.

Dự án trùng tu Chùa Cầu đã giữ gìn được sự nguyên vẹn của tổng thể hình thức kiến trúc và kết cấu, từng bộ phận, cấu kiện, hiện vật nguyên gốc, có giá trị lịch sử được trân quý gìn giữ ở mức tối đa có thể.

Dự án trùng tu Chùa Cầu đã giữ gìn được sự nguyên vẹn của tổng thể hình thức kiến trúc và kết cấu, từng bộ phận, cấu kiện, hiện vật nguyên gốc, có giá trị lịch sử được trân quý gìn giữ ở mức tối đa có thể.

Ông Phạm Phú Ngọc - Giám đốc Trung tâm Quản lý bảo tồn di sản văn hóa Hội An khẳng định Chùa Cầu được trùng tu trên tinh thần như một cuộc “giải phẫu - chữa bệnh” nên mọi hoạt động đều cẩn trọng, tỉ mỉ và bài bản. Kết quả thực tế đã chứng minh hầu hết các nội dung từ quy mô đầu tư, hạng mục công việc đều được triển khai và hoàn thành cơ bản theo đúng thiết kế được duyệt.

Mặc dù có thể chưa toàn vẹn như kỳ vọng, nhưng theo ông Ngọc, kết quả đạt được là sự nỗ lực, quyết tâm, chủ động và sáng tạo của đội ngũ những người trực tiếp thực hiện dự án. Dự án trùng tu đã giữ gìn được sự nguyên vẹn của tổng thể hình thức kiến trúc và kết cấu, từng bộ phận, cấu kiện, hiện vật nguyên gốc, có giá trị lịch sử được trân quý gìn giữ ở mức tối đa có thể.

Giá trị văn hóa và kinh tế cho TP Hội An

Tại buổi khánh thành dự án trùng tu di tích Chùa Cầu vào chiều tối 3/8, ông Nguyễn Văn Sơn - Chủ tịch UBND TP Hội An cho rằng không có công trình nào đại trùng tu mà không có sự thay đổi ít nhiều, quan trọng là yếu tố gốc phải giữ được và đảm bảo công trình có tính vững bền. Đây cũng là lần đầu tiên mà công trình tu bổ di tích được “giải phẫu mở”, thực hiện giữa lòng một đô thị di sản du lịch nhộn nhịp. Người dân, du khách được quan sát, tiếp cận và theo dõi, tìm hiểu toàn bộ quá trình thực hiện tu bổ di tích Chùa Cầu.

Cũng theo ông Sơn, dự án tu bổ di tích Chùa Cầu đã đạt được những thành quả tốt đẹp như mong đợi, bảo tồn tối đa các giá trị về kiến trúc, lịch sử, văn hóa của di tích, đáp ứng sự mong mỏi của những ai yêu mến và trân quý công trình kiến trúc có giá trị đặc biệt này.

“Việc hoàn thành tu bổ di tích Chùa Cầu còn mang ý nghĩa to lớn trong dịp kỷ niệm lần thứ 20 sự kiện Giao lưu văn hóa Hội An - Nhật Bản” – ông Sơn chia sẻ.

Tham gia sự kiện có nhiều chuyên gia, đơn vị, tổ chức đến từ Nhật Bản.

Tham gia sự kiện có nhiều chuyên gia, đơn vị, tổ chức đến từ Nhật Bản.

Ông Phan Thái Bình - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam đánh giá cao quá trình trùng tu di tích Chùa Cầu. Thời gian qua, UBND TP Hội An đã tiến hành nghiên cứu rất kỹ về mặt khoa học, lịch sử, văn hóa và các quy trình, thủ tục pháp lý. Sau khi được tu bổ, Chùa Cầu sẽ tiếp tục là điểm đến hấp dẫn, mang lại nhiều giá trị văn hóa và kinh tế cho Hội An.

Quá trình thực hiện trùng tu còn mang đến nhiều bài học thực tiễn về quy trình, kỹ thuật, giải pháp tu bổ nhằm phục vụ tham chiếu cho những công trình tu bổ di tích quan trọng sắp đến. Địa phương mong muốn tiếp tục nhận được các ý kiến góp ý, gợi mở mang tính xây dựng để ngành văn hóa tiếp tục nghiên cứu, tham khảo và ứng dụng vào thực tiễn.

“Hoạt động khánh thành cũng là cơ hội để địa phương quảng bá hình ảnh một TP Hội An năng động, giàu truyền thống và luôn hướng tới tương lai” – ông Bình nói.

Quang Hải - Tấn Việt

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/lan-toa-van-hoa-di-tich-chua-cau.html
Zalo