Lan tỏa truyền thống hiếu học từ Đệ tam Tiến sĩ Nguyễn Dục

Tiến sĩ Nguyễn Dục chính là câu chuyện sống động về truyền thống hiếu học, đạo làm người để các thế hệ sau noi theo…

Nhà thờ Tiến sĩ Nguyễn Dục tại quê nhà xã Thiệu Thịnh, huyện Thiệu Hóa, tỉnh Thanh Hóa. Ảnh: Hiếu Minh

Nhà thờ Tiến sĩ Nguyễn Dục tại quê nhà xã Thiệu Thịnh, huyện Thiệu Hóa, tỉnh Thanh Hóa. Ảnh: Hiếu Minh

Huyện Thiệu Hóa tỉnh Thanh Hóa hiện nay còn khá nhiều di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh. Vùng đất này sản sinh ra nhiều hiền tài cho đất nước.

Ngoài Nhà sử học Lê Văn Hưu còn có một người con của dòng họ Nguyễn Doãn đã tiếp nối được truyền thống hiếu học nên mới 25 tuổi đời đã đỗ Đệ tam giáp tiến sĩ là cụ là Nguyễn Dục ở xã Thiệu Thịnh, huyện Thiệu Hóa, tỉnh Thanh Hóa.

Xã Thiệu Thịnh xưa kia có 4 làng, làng Nhuệ, làng Đằng, làng Nạp và làng Phùng vào thời Đinh - Lê đều chung một gốc tức một ông tổ sinh ra mang họ Nguyễn. Theo thời gian từ một làng làng lớn nhất trong 4 làng, làng Phùng dân cư đông đúc lại có phong cảnh hữu tình, có một số công trình tín ngưỡng như đình, chùa, miếu, phủ… cùng với các trò chơi dân gian, dân vũ tạo nên nét truyền thống và giá trị văn hóa đặc sắc của một vùng đất.

Làng Phùng dần dà trở thành một xã mang tên Phùng Thịnh rồi Thiệu Thịnh như ngày hôm nay…

Mộ phần Tiến sĩ Nguyễn Dục tại quê hương cách nhà thờ không xa. Ảnh: Hiếu Minh

Mộ phần Tiến sĩ Nguyễn Dục tại quê hương cách nhà thờ không xa. Ảnh: Hiếu Minh

Theo gia phả họ Nguyễn, làng Phùng, nay là thôn Quyết Thắng được soạn vào năm Cảnh Hưng thứ 36 (1775) do người cháu trong dòng họ là Nguyễn Doãn Tiến phụng soạn và ghi chép, đến niên hiệu Bảo Đại thứ 14 (1940), Nguyễn Doãn Ninh sao lại, trong lời thuyết tự của gia phả và sách Đăng khoa lục cũng ghi cụ thể, Nguyễn Dục đỗ Đệ tam giáp tiến sĩ đồng xuất thân khoa Canh Tuất thời Hồng Đức thứ 21.

Ông là Nguyễn Cự tự Tất Dục, tên thụy là Phúc Đạt, vốn là người chữ nghĩa, lại rất đức độ. Vì thế, mọi hành xử của ông đều được quan trên, kẻ dưới nể phục. Danh thần nhà Nguyễn là Nguyễn Thuật, trong sách Đại Nam chính biên liệt viết về Tiến sĩ Nguyễn Dục: "… thói đời khác xa, người làm quan đau đáu lợi danh, nhưng ông Nguyễn Dục thì lặng lẽ sống đời cao khiết thanh bạch, vượt khỏi hạng tầm thường, không màng vàng bạc, mười lăm năm làm quan thẳng thắn không lo toan tiền, của, cho nên, một mai ra đi không lưu luyến thứ gì. Sự tiến thoái của ông khớp với nghĩa, ấy là đạo dạy người…".

Sinh ra và lớn lên ở vùng đất mà dòng họ Nguyễn đã về quần cư, sinh sôi, nảy nở, Tiến sĩ Nguyễn Dục đã ý thức được việc tu dưỡng lại được dòng họ, gia đình dạy bảo lấy việc học làm trọng nên 25 tuổi ông đã đỗ Đệ tam giáp tiến sĩ và hiện tên tuổi của ông được ghi danh trên bia Văn miếu Quốc tử giám Hà Nội.

Tìm hiểu quê hương Thiệu Thịnh, nghe chuyện và chiêm nghiệm nhà thờ và mộ phần tiến sĩ Nguyễn Dục dù khuôn viên nhà thờ và phần mộ cụ Nguyễn Dục không hoành tráng uy nghi, nhưng vẫn hiển hiện lưu truyền và lan tỏa một tấm gương tu dưỡng, rèn luyện, chịu khó học tập để rồi trở thành bậc hiền tài ở độ tuổi còn rất trẻ. Đây chính là tấm gương hiếu học cần tiếp tục được lan tỏa, cổ vũ động viên lớp lớp con cháu các thế hệ học tập noi theo.

Trao đổi với phóng viên của Công dân và Khuyến học, ông Nguyễn Doãn Đổng hậu duệ của dòng họ Nguyễn Doãn cho biết: nhà thờ gốc thờ tiến sĩ Nguyễn Dục được xây dựng cách nay hơn 500 năm. Đến thời Nguyễn vào đời vua Tự Đức cùng với việc tôn tạo khu mộ, nhà thờ cũng được tôn tạo, sửa sang lại có tiền đường, có hậu cung.

Tòa tiền đường gồm 3 gian xây gạch, mái bằng gỗ, lớp ngói mũi, liền sát là nhà hậu cung 2 gian…

Khoảng năm 1953, 1954 trong trận lũ lớn, đê sông Chu bị vỡ ở phía Nam, sông Cầu Chày ở phía Bắc cả làng Phùng chìm trong biển nước, nhà thờ cụ Nguyễn Dục bị cuốn trôi… con cháu trong làng nói chung, dòng họ Nguyễn Doãn nói riêng "vớt vát" được chút ít đồ thờ còn lại đến ngày nay.

Toàn bộ sắc phong ban thần cho Tiến sĩ Nguyễn Dục đều bị hư hỏng.

Bằng xếp hạng di tích nhà thờ tiến sĩ Nguyễn Dục và bia mộ của cụ Nguyễn Dục. Ảnh: Hiếu Minh

Đặc biệt dưới thời vua Tự Đức, người cháu bên ngoại là Nguyễn Quốc Giảng cung tiến dựng tấm bia ghi tên tuổi, húy hiệu và công trạng của tiến sĩ Nguyễn Dục vẫn còn đến ngày nay.

Năm 1995, nhà thờ tiến sĩ Nguyễn Dục được con cháu xây dựng lại và tiếp tục các hoạt động thờ cúng, tế lễ, truyền cảm hứng việc học hành đỗ đạt của cụ đến lớp lớp con cháu trong mỗi độ tết đến, xuân về và ngày giỗ cụ 15 tháng giêng hàng năm.

Hiện trên quê hương Tiến sĩ Nguyễn Dục xã Thiệu Thịnh có trên 150 gia đình mang dòng họ Nguyễn Doãn sinh sống cùng các dòng họ Nguyễn Quốc, họ Trần, họ Dương… uôn đoàn kết cùng nhau xây dựng quê hương phát triển như ngày hôm nay. Nhiều con, cháu noi gương cụ học hành tiến bộ, đỗ đạt đóng góp công sức xây dựng quê hương đất nước.

Tiến sĩ Nguyễn Dục chính là câu chuyện sống động về truyền thống hiếu học, đạo làm người để các thế hệ sau noi theo…

Năm 2011, nhà thờ tiến sĩ Nguyễn Dục được Ủy ban nhân dân tỉnh Thanh Hóa xếp hạng "di tích lịch sử" .

Hiếu Minh

Nguồn Công dân & Khuyến học: https://congdankhuyenhoc.vn/lan-toa-truyen-thong-hieu-hoc-tu-de-tam-tien-si-nguyen-duc-179241021161330616.htm
Zalo