Lan tỏa tri thức và văn hóa đọc với 'Trăm thư viện-một ước mơ'

Hưởng ứng Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam, ngày 19/4, Trường phổ thông liên cấp Olympia (Hà Nội) đã trao tặng cho trường Trung học cơ sở Nga Trung (huyện Nga Sơn, tỉnh Thanh Hóa) các trang thiết bị và nhiều đầu sách để xây dựng thư viện bổ ích cho học sinh.

Các em học sinh trường Phổ thông liên cấp Olympia tự tin chia sẻ về truyền thống nhà trường và dự án thư viện.

Các em học sinh trường Phổ thông liên cấp Olympia tự tin chia sẻ về truyền thống nhà trường và dự án thư viện.

Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam (21/4) năm nay hướng tới các chủ đề: "Văn hóa đọc-Kết nối cộng đồng", "Cùng sách bước vào kỷ nguyên vươn mình của dân tộc", "Đọc sách-làm giàu tri thức, nuôi dưỡng khát vọng, thúc đẩy đổi mới, sáng tạo".

Hà Nội, một số trường học đã có những hoạt động sôi nổi hưởng ứng Ngày Sách và Văn hóa đọc. Trong đó, Dự án "Trăm thư viện-một ước mơ" của thầy trò và phụ huynh học sinh trường Phổ thông liên cấp Olympia là một điển hình với 18 thư viện đã được ủng hộ, triển khai hiệu quả.

Học sinh trường Trung học cơ sở Nga Trung, huyện Nga Sơn, tỉnh Thanh Hóa sôi nổi tham gia phần giao lưu về văn hóa đọc.

Học sinh trường Trung học cơ sở Nga Trung, huyện Nga Sơn, tỉnh Thanh Hóa sôi nổi tham gia phần giao lưu về văn hóa đọc.

Khởi nguồn từ sự kiện kỷ niệm 20 năm thành lập trường, đồng thời tiếp nối những hành động vì cộng đồng mà "ngôi trường màu tím" đã triển khai suốt 2 thập kỷ hình thành, phát triển, dự án đã, đang và sẽ tiếp tục đến với các vùng khó để hiện thực hóa mục tiêu: trong 10 năm sẽ xây dựng và hỗ trợ được 100 thư viện, lan tỏa tri thức và văn hóa đọc tới cộng đồng.

Chỉ sau một năm tích cực triển khai, đến nay, dự án "Trăm thư viện - một ước mơ đã ủng hộ 18 thư viện tại 18 trường vùng khó của các tỉnh: Hà Giang, Hòa Bình, Tuyên Quang, Ninh Bình, Thanh Hóa, Thái Nguyên... với hơn 22.000 đầu sách cùng trang thiết bị, cơ sở vật chất phục vụ thư viện; xấp xỉ 700 triệu đồng đã được dùng mua đồ dùng ủng hộ các thư viện.

Chia sẻ về mục đích, ý nghĩa của hoạt động này, cô Nguyễn Thị Mai Hà, điều phối dự án xúc động bày tỏ: "Mục đích chung của dự án nhằm lan tỏa văn hóa đọc dành cho các học sinh ở những trường khó khăn, nơi các em chưa có nhiều điều kiện được tiếp cận việc đọc sách.

Chúng tôi muốn nhân rộng các giá trị thấu cảm và trách nhiệm cho tất cả các bên liên quan trong cộng đồng nhà trường với chuỗi hoạt động ý nghĩa, gắn kết dành cho học sinh, phụ huynh, giáo viên, nhân viên. Bên cạnh đó, còn là mong ước cung cấp một không gian đọc sách mở để học sinh chia sẻ kiến thức qua hoạt động nhóm, phát triển ý tưởng sáng tạo, kỹ năng tìm hiểu và tra cứu thông tin… hình thành nên năng lực học tập suốt đời".

Tuy điều kiện nhà trường và địa phương còn khó khăn nhưng các em đã luôn vươn lên trong học tập và rèn luyện.

Tuy điều kiện nhà trường và địa phương còn khó khăn nhưng các em đã luôn vươn lên trong học tập và rèn luyện.

Chứng kiến thầy và trò cùng phụ huynh học sinh từ một trường học ở Hà Nội đã vượt chặng đường xa để trao tặng thiết bị thư viện và các đầu sách hữu ích, thầy Đỗ Xuân Hiền, Hiệu trưởng trường Trung học cơ sở Nga Trung xúc động chia sẻ: "Trường học của chúng tôi chủ yếu là con em khu vực địa phương thuần nông, không ít gia đình còn gặp nhiều khó khăn về đời sống kinh tế, vì vậy điều kiện học tập của các em cũng gặp trở ngại. Trong đó phải kể tới điều kiện để học sinh được tiếp cận với thói quen đọc sách thường xuyên. Mặc dù vậy, thầy và trò nhà trường đã cố gắng vượt qua khó khăn để phấn đấu vươn lên, đạt được nhiều thành tích trong dạy và học.

Và hôm nay với sự quan tâm đặc biệt của trường Olympia, chúng tôi hy vọng văn hóa đọc sẽ được lan tỏa sâu rộng hơn, giúp các em được tiếp cận được kho tàng tri thức, có thêm hành trang hữu ích trên con đường học tập và tương lai cuộc sống sau này.

Một góc thư viện sau khi đã được nâng cấp, bổ sung nhiều thiết bị và các đầu sách hữu ích.

Một góc thư viện sau khi đã được nâng cấp, bổ sung nhiều thiết bị và các đầu sách hữu ích.

Cô giáo Kiều Huế trong hành trình đưa các em học sinh lớp 6 về Thanh Hóa rưng rưng bày tỏ: "Khi đến trường của các bạn ở tỉnh xa, tôi thấy các con lặng người trước dãy nhà học cũ kỹ, những gương mặt sạm nắng, ánh mắt bẽn lẽn mà cũng đầy ấm áp, hiếu kỳ khi đón nhận những món quà tri thức từ những người bạn nhỏ phương xa. Tôi chợt nhận ra rằng, chính trong khoảnh khắc ấy, một điều gì đó đã lớn lên trong tim học sinh của tôi. Đó là lòng thấu cảm, sự trưởng thành và cả một tình yêu đặc biệt với giá trị tri thức".

Các thầy cô giáo xúc động khi thấy học sinh của hai trường học cùng xếp từng quyển sách ngay ngắn lên kệ, nhẹ nhàng lau giá sách, bàn đọc, cẩn thận dán nhãn tên. Xong phần việc ở thư viện, học sinh hai trường lại cùng nhau chơi kéo co, thưởng thức văn nghệ, nghe các diễn giả truyền cảm hứng về văn hóa đọc một cách say sưa.

Dự án ý nghĩa đã tặng 18 trang thiết bị thư viện cho nhiều trường học còn khó khăn.

Dự án ý nghĩa đã tặng 18 trang thiết bị thư viện cho nhiều trường học còn khó khăn.

Trong ánh mắt háo hức của các em học sinh ở vùng miền còn khó khăn, lần đầu tiên được đọc sách trong phòng thư viện khang trang, chạm tay vào những cuốn sách mới, ai nấy đều nhận ra trong niềm vui đơn thuần chất chứa cả bao hy vọng, ước mơ đang dần được chắp cánh.

Dự án "Trăm thư viện-một ước mơ" vừa góp phần tích cực trong việc xây dựng những không gian đọc sách, đồng thời vun đắp nên những mầm xanh tri thức, khơi dậy tinh thần học hỏi, sáng tạo và nghị lực vươn lên giữa muôn vàn khó khăn.

Đây sẽ là trải nghiệm đầy ý nghĩa với các em học sinh ở Thủ đô.

Đây sẽ là trải nghiệm đầy ý nghĩa với các em học sinh ở Thủ đô.

Trong những năm tháng qua, hành trình của các thầy cô giáo, học sinh và phụ huynh trường Phổ thông liên cấp Olympia với tấm lòng nhân ái đã vượt qua địa lý, nối dài sự sẻ chia và yêu thương. Mỗi cuốn sách trao đi tựa như một hạt giống gieo vào tâm hồn trẻ thơ. Để rồi những hạt giống ấy sẽ vươn lên, nuôi dưỡng nhân cách, khơi mở tầm nhìn và kiến tạo tương lai. Văn hóa đọc bởi thế không còn là khái niệm xa xôi mà đang hiện hữu, lan tỏa, chạm đến trái tim người đọc ở mọi miền đất nước.

Phụ huynh trường Olympia chia sẻ cảm xúc tại buổi giao lưu.

Phụ huynh trường Olympia chia sẻ cảm xúc tại buổi giao lưu.

Chị Trần Bích Hạnh, trưởng ban phụ huynh khối 6, trường Phổ thông liên cấp Olympia bày tỏ: "Những chuyến đi thực sự là một trải nghiệm đặc biệt, để lại trong tôi bao cảm xúc khó quên. Là một người mẹ, được chứng kiến sự trưởng thành của các con qua từng hành động nhỏ, lòng tôi trào dâng rất nhiều cảm xúc.

Trong giây phút đó, chúng tôi hiểu rằng các bậc làm cha mẹ vừa cần đồng hành cùng con trong học tập, cuộc sống, vừa phải cùng các con gieo hạt giống yêu thương, lòng trắc ẩn và trách nhiệm với cộng đồng. Chính những trải nghiệm như thế này sẽ là hành trang quý báu theo các con suốt cuộc đời, giúp trẻ lớn lên trở thành là những con người nhân hậu, biết yêu thương và biết sống vì người khác. Và với chúng tôi, đó là món quà ý nghĩa nhất".

Hai trường học tuy cách xa về địa lý nhưng được kết nối nghĩa tình bởi văn hóa đọc.

Hai trường học tuy cách xa về địa lý nhưng được kết nối nghĩa tình bởi văn hóa đọc.

Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam là dịp để tôn vinh tri thức, cũng là lời nhắc nhở đầy yêu thương về trách nhiệm của cả cộng đồng trong việc xây dựng một xã hội học tập, nhân văn và khai phóng. Khi một cuốn sách được mở ra, là cả một chân trời mới được mở lối. Chính từ những hành động nhỏ nhưng bền bỉ như dự án trên, cộng đồng đang cùng nhau viết nên một câu chuyện đẹp về tinh thần đoàn kết, tình yêu thương và khát vọng vươn mình của dân tộc.

THỤY PHƯƠNG

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/lan-toa-tri-thuc-va-van-hoa-doc-voi-tram-thu-vien-mot-uoc-mo-post873762.html
Zalo