Lan tỏa tinh thần học tập suốt đời trong mọi tầng lớp nhân dân

Ngày 26/4, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội tổ chức Diễn đàn học tập suốt đời và xây dựng xã hội học tập năm 2025.

Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội Trần Thế Cương phát biểu. Ảnh: Thanh Tùng/TTXVN

Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội Trần Thế Cương phát biểu. Ảnh: Thanh Tùng/TTXVN

Với chủ đề “Học tập suốt đời để trở thành người hữu dụng”, Diễn đàn thể hiện tinh thần, sự hưởng ứng của dân nhân Thủ đô nói chung và ngành Giáo dục và Đào tạo nói riêng về việc học tập suốt đời; đồng thời, là sáng kiến cụ thể nhằm thúc đẩy thực hiện hiệu quả kế hoạch về xây dựng Hà Nội trở thành “Thành phố học tập” theo định hướng của UNESCO; là cam kết của thành phố Hà Nội gia nhập Mạng lưới thành phố học tập toàn cầu của UNESCO vào năm 2025, khẳng định vị thế tiên phong của Thủ đô trong phát triển con người, lan tỏa tinh thần học tập và kiến tạo một xã hội tri thức.

Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội Trần Thế Cương cho biết, toàn cầu đang chứng kiến sự chuyển mình sâu sắc của thời đại cách mạng công nghiệp lần thứ tư, của kinh tế số, trí tuệ nhân tạo và hội nhập quốc tế sâu rộng. Bối cảnh đó đặt ra yêu cầu đối với mỗi người dân không chỉ cần có kiến thức chuyên môn, mà còn có khả năng học tập không ngừng, thích ứng linh hoạt, sáng tạo đổi mới và đóng góp tích cực cho cộng đồng cũng như sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, Thủ đô.

“Học tập suốt đời chính là con đường giúp mỗi người trở thành phiên bản tốt hơn của chính mình, phát huy tối đa năng lực bản thân, từ đó, đóng góp tích cực cho gia đình, cộng đồng và xã hội”, ông Trần Thế Cương nhấn mạnh.

Thẳng thắn nhìn nhận những thách thức, khó khăn còn nhiều như: sự chênh lệch về cơ hội học tập giữa các nhóm dân cư, đặc biệt ở khu vực nông thôn, người lao động tự do, người cao tuổi; việc huy động nguồn lực xã hội vào công tác giáo dục, học tập suốt đời cũng còn khó khăn..., ông Trần Thế Cương cho rằng, mô hình học tập linh hoạt, học tập kết hợp, học tập số cần được mở rộng, đầu tư và nhân rộng hơn nữa.

Diễn đàn là dịp để thành phố Hà Nội tiếp tục khẳng định cam kết xây dựng một xã hội học tập, nơi mọi người đều có cơ hội học tập và phát triển không ngừng cũng như mong muốn được lắng nghe ý kiến tâm huyết, sáng kiến khả thi, các mô hình hiệu quả từ nhà khoa học, nhà quản lý, cơ sở giáo dục, tổ chức đoàn thể và cộng đồng cùng nhau tháo gỡ khó khăn, mở rộng con đường học tập cho mỗi người dân Thủ đô. Từ đó nâng cao chất lượng nguồn nhân lực - động lực quan trọng đối với sự phát triển kinh tế - xã hội bền vững của Hà Nội trong giai đoạn mới.

Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Vũ Thu Hà phát biểu. Ảnh: Thanh Tùng/TTXVN

Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Vũ Thu Hà phát biểu. Ảnh: Thanh Tùng/TTXVN

Bày tỏ quyết tâm của thành phố Hà Nội về việc xây dựng Thủ đô Hà Nội trở thành thành viên Mạng lưới "Thành phố học tập toàn cầu" của UNESCO, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Vũ Thu Hà khẳng định, với truyền thống hiếu học và tôn sư trọng đạo, thành phố luôn xác định giáo dục và phát triển con người là nền tảng cho sự phát triển bền vững.

Những năm qua, thành phố luôn quan tâm chỉ đạo cả hệ thống chính trị nâng cao nhận thức về vai trò, ý nghĩa và sự cần thiết của khuyến học, khuyến tài, học tập suốt đời, xây dựng xã hội học tập với nhiều phong trào thi đua được triển khai sâu rộng đến địa bàn thôn xóm, tổ dân phố. Thành phố ban hành nhiều chính sách, tăng cường đầu tư, ứng dụng công nghệ, thúc đẩy chuyển đổi số trong giáo dục, tạo điều kiện cho người người học tập, nhà nhà học tập, ngành ngành học tập, toàn thành phố học tập.

Tại chương trình, các đại biểu, học sinh cùng tham gia diễn đàn học tập suốt đời với những câu chuyện truyền cảm hứng. Đó là cô Phạm Thị Huyền (quận Thanh Xuân) mở lớp học xóa mù chữ cho học sinh cơ nhỡ, thiệt thòi trong suốt gần 30 năm qua; anh Phạm Quốc Việt, 38 tuổi, học viên Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên quận Thanh Xuân đem đến nhiều cảm xúc cho học sinh khi chia sẻ câu chuyện về việc sáng lập đội cứu hộ không thu phí vào năm 2019 và tham gia cứu hộ nhiều vụ cháy lớn. Hay câu chuyện của anh Phạm Quang Giang, 40 tuổi, học viên khiếm thị, đang học lớp 10 Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên Nguyễn Văn Tố (quận Hoàn Kiếm) đã vượt qua khó khăn, nối lại hành trình tìm kiếm tri thức sau gần 20 năm ngắt quãng và truyền lửa ham học hỏi của mình tới những người xung quanh...

Hà Nội hiện có 579 trung tâm học tập cộng đồng đặt ở 579 xã, phường, thị trấn. Các trung tâm học tập cộng đồng tích cực tổ chức các hoạt động và thu hút đông đảo người dân tham gia. Nhiều mô hình học tập khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập được quan tâm, phát triển như gia đình học tập, dòng họ học tập, cộng đồng/tổ dân phố học tập, đơn vị học tập…

Màn sân khấu hóa giới thiệu sách đầy ấn tượng của học sinh tại diễn đàn. Ảnh: Thanh Tùng/TTXVN

Màn sân khấu hóa giới thiệu sách đầy ấn tượng của học sinh tại diễn đàn. Ảnh: Thanh Tùng/TTXVN

Ngành Giáo dục và Đào tạo Hà Nội cũng xác định rõ vai trò tiên phong trong việc lan tỏa tinh thần học tập suốt đời. Các cơ sở giáo dục từ mầm non đến phổ thông, giáo dục thường xuyên và nghề nghiệp tích cực đổi mới phương pháp giảng dạy, chú trọng phát triển năng lực tự học, tự nghiên cứu, kỹ năng sống và học tập suốt đời cho học sinh; không ngừng nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục - những người giữ vai trò "người truyền cảm hứng" cho hành trình học tập không ngừng nghỉ của thế hệ trẻ.

Nguyễn Cúc (TTXVN)

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/giao-duc/lan-toa-tinh-than-hoc-tap-suot-doi-trong-moi-tang-lop-nhan-dan-20250426122915359.htm
Zalo