Lan tỏa tinh thần học tập suốt đời

Suốt 12 năm qua, bà Nguyễn Thị Nhung, Chủ tịch Hội Khuyến học phường Hạ Đình, quận Thanh Xuân (Hà Nội), dành trọn tâm huyết cho công tác khuyến học, góp phần lan tỏa tinh thần học tập suốt đời. Hành trình bền bỉ ấy của bà trở thành nguồn cảm hứng và tấm gương sáng, dẫn lối cho sự nghiệp xây dựng xã hội học tập tại địa phương.

Người đảng viên tiên phong

Trong suốt 47 năm đứng trong hàng ngũ của Đảng, bà Nguyễn Thị Nhung đã có nhiều đóng góp quan trọng cho phường Hạ Đình từ khi thành lập (năm 1997). Trải qua nhiều vị trí quan trọng trong Đảng bộ và từng giữ chức Chủ tịch HĐND phường, dù nghỉ hưu theo chế độ cuối năm 2012, bà vẫn tiếp tục cống hiến cho cộng đồng với vai trò Chủ tịch Hội Khuyến học và Phó giám đốc Trung tâm học tập cộng đồng phường.

Thấm nhuần lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Học hành là vô cùng. Học càng nhiều, biết càng nhiều càng tốt”, bà Nguyễn Thị Nhung đã dành hơn một thập kỷ cống hiến không ngừng nghỉ cho sự nghiệp khuyến học, khuyến tài của phường Hạ Đình. Ở độ tuổi mà nhiều người đã chọn cuộc sống an nhàn, bà vẫn miệt mài với những chương trình, kế hoạch, quyết tâm thúc đẩy phong trào học tập trong cộng đồng.

 Bà Nguyễn Thị Nhung.

Bà Nguyễn Thị Nhung.

Bằng sự tận tâm và tinh thần trách nhiệm, bà Nhung không chỉ tham mưu hiệu quả cho cấp ủy, chính quyền trong việc xây dựng các mô hình học tập mà còn trực tiếp lan tỏa phong trào khuyến học đến từng người dân, vận động người dân tích cực hưởng ứng, khơi dậy ý thức học tập trong cộng đồng. Nhờ đó, Hội Khuyến học phường Hạ Đình ngày càng lớn mạnh, số lượng hội viên tăng đều qua các năm, từ 3.268 hội viên năm 2023 lên 3.542 hội viên năm 2024, trong đó số hội viên nòng cốt đạt 495 người.

Sự phát triển mạnh mẽ của các mô hình học tập không chỉ thể hiện qua những con số khô khan mà còn được cảm nhận rõ rệt qua sự đổi thay của cả cộng đồng. Nhiều mô hình được triển khai sâu rộng như: “Gia đình học tập”, “Dòng họ học tập”, “Cộng đồng học tập”, “Đơn vị học tập”, “Công dân học tập”... Một “làn gió mới” của tri thức đã thổi vào từng gia đình, từng nếp sống, khi việc học không chỉ dành cho con trẻ mà còn trở thành nhu cầu tự thân, thường trực của mỗi người.

Học tập là hành trình “không tuổi”

Bà Nhung tâm niệm rằng, khuyến học, khuyến tài không chỉ là vận động kinh phí, hỗ trợ tài chính, giúp đỡ học sinh khó khăn hay tuyên dương khen thưởng những tài năng trẻ, mà còn là tạo điều kiện để tất cả mọi người, kể cả người lớn cũng có cơ hội học tập và học tập suốt đời. “Muốn vậy, cần dạy cho họ những kỹ năng thực tế, có tính ứng dụng cao trong cuộc sống hằng ngày, chỉ hô hào chung chung thì không hiệu quả”, bà nói.

Chính từ quan điểm đó, ý tưởng mở các lớp dạy nghề miễn phí cho người dân đã hình thành. Năm 2014, nhận thấy hoa voan, hoa đá thời điểm ấy đang là xu hướng của thị trường và có sức tiêu thụ tốt, bà tự tìm tòi học cách làm trên mạng, tự mua nguyên liệu về để thực hành cho thuần thục. Sau đó, bà trực tiếp đứng lớp, biên soạn tài liệu hướng dẫn cụ thể bằng hình ảnh, giúp học viên dễ học và làm theo. Lớp học làm hoa voan đầu tiên có trên 30 hội viên tham gia, trong đó có gần nửa lớp học là hội viên thuộc hội người khuyết tật.

Bà Nhung trực tiếp giảng dạy tại các lớp học thủ công, biên soạn tài liệu minh họa, giúp học viên tiếp cận kiến thức dễ dàng và hiệu quả.

Bà Nhung trực tiếp giảng dạy tại các lớp học thủ công, biên soạn tài liệu minh họa, giúp học viên tiếp cận kiến thức dễ dàng và hiệu quả.

Từ đó đến nay, bà Nhung và Hội Khuyến học phường đã tổ chức nhiều lớp dạy nghề thủ công khác như: Đan móc khăn len mũ sợi, đan đồ dùng bằng sợi giả mây, kết túi xách, vòng đeo tay, móc treo chìa khóa từ hạt cườm, tạo giỏ hoa, cây bonsai bằng đá... Các lớp học được tổ chức thường xuyên, thu hút hàng trăm học viên mỗi năm.

Từ các lớp học này, người khuyết tật trên địa bàn đã có cơ hội tìm kiếm việc làm, đồng thời tạo nên sợi dây gắn kết cộng đồng và khơi dậy phong trào khuyến học. Một minh chứng rõ nét là mỗi dịp phường tổ chức hoạt động thiện nguyện, các học viên lại nhiệt tình góp sức đan khăn, mũ, giày... để gửi tặng người dân và trẻ em có hoàn cảnh khó khăn ở các tỉnh vùng cao như: Tuyên Quang, Hà Giang, Cao Bằng.

Hiện nay, đáp ứng chủ trương xây dựng chương trình “khuyến học xanh”, bà Nhung đã tổ chức các lớp đan đồ dùng bằng sợi giả mây, khéo léo kết hợp giữa việc dạy nghề với tuyên truyền lối sống xanh, vận động người dân hạn chế sử dụng túi nilon, thay bằng các sản phẩm tái sử dụng, thân thiện với môi trường. Đây là một hình thức khuyến học thiết thực, góp phần xây dựng cộng đồng văn minh và bền vững.

Mô hình lớp học miễn phí từ phường Hạ Đình được hỗ trợ nhân rộng trong địa bàn quận Thanh Xuân.

Mô hình lớp học miễn phí từ phường Hạ Đình được hỗ trợ nhân rộng trong địa bàn quận Thanh Xuân.

Không chỉ gói gọn ở địa bàn phường Hạ Đình, bà Nhung còn hỗ trợ nhân rộng mô hình ra 7/11 phường trên địa bàn quận Thanh Xuân. Uy tín và hiệu quả từ những lớp học miễn phí này vừa góp phần giúp người dân có thêm kỹ năng nghề vừa tích cực đẩy mạnh phong trào học tập suốt đời trong nhân dân, góp phần nâng cao dân trí tại cơ sở.

Bên cạnh đó, theo bà Nhung nhu cầu học của người dân rất đa dạng, không chỉ dừng lại ở học nghề mà còn cần các kiến thức ngoại ngữ, tin học, kỹ năng sống, pháp luật, chăm sóc sức khỏe... Bà hy vọng hệ thống trung tâm học tập cộng đồng sẽ ngày càng được đầu tư nguồn lực để phát triển đội ngũ giảng viên chuyên môn, tạo điều kiện cho người lớn được học tập bài bản, đáp ứng yêu cầu trong thời đại mới.

Với những đóng góp không mệt mỏi, bà Nguyễn Thị Nhung đã được trao tặng nhiều bằng khen, giấy khen từ Trung ương Hội Khuyến học Việt Nam, Hội Khuyến học TP Hà Nội và chính quyền các cấp. Nhưng trên hết, phần thưởng quý giá nhất với bà chính là sự lan tỏa của phong trào học tập đến từng gia đình, từng người dân.

Những việc làm của bà Nguyễn Thị Nhung không chỉ góp phần xây dựng một xã hội học tập vững mạnh, mà còn truyền cảm hứng để nhiều người khác cùng chung tay, vì một nền giáo dục cộng đồng ngày càng bền vững và phát triển hơn.

THÚY HIỀN - PHƯƠNG NHI

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/phong-su-dieu-tra/cuoc-thi-nhung-tam-guong-binh-di-ma-cao-quy-lan-thu-16/lan-toa-tinh-than-hoc-tap-suot-doi-827725
Zalo